Ba hành vi của trẻ không nên bỏ qua

Ba hành vi của trẻ không nên bỏ qua

Francyne Zeltser, nhà tâm lý học người Mỹ, chỉ ra việc trẻ phụ thuộc bạn bè có thể là dấu hiệu đang bị bắt nạt hoặc mong muốn sở hữu món đồ giống bạn.

Với tư cách nhà tâm lý học trẻ em, tôi đã gặp gỡ và nói chuyện với rất nhiều phụ huynh quan tâm đến sự phát triển hành vi của con. Câu hỏi tôi thường nhận được là "Gia đình chúng tôi có nên lo lắng về hành vi này?" hoặc "Thật kỳ lạ khi con tôi nói/làm điều đó"...

Là mẹ của hai bé trai 3 và 1 tuổi, tôi hiểu có rất nhiều thứ phải lo lắng khi nuôi dạy một đứa trẻ. Từ kinh nghiệm của mình, tôi sẽ chia sẻ những điều mà phụ huynh chúng ta nên lưu tâm.

Phụ thuộc bạn bè

Thời gian trẻ ở trường tương đương, thậm chí nhiều hơn ở nhà với bạn. Do đó, bạn nên biết bạn bè của trẻ là ai và tính cách ra sao.

Bạn nên làm quen và kết bạn với bạn bè của trẻ, dạy trẻ cách chơi với bạn tốt. Cuối tuần, bạn có thể lên kế hoạch tụ tập tại nhà, cho phép trẻ mời bạn đến hoặc dành thêm thời gian trò chuyện với trẻ sau mỗi buổi học. Nếu nhận ra điều gì bất thường, bạn cần làm rõ ngay.

Chẳng hạn, bạn thấy trẻ không bao giờ chủ động chọn trò chơi mình muốn mà thường nghe theo bạn bè. Hãy đặt câu hỏi "Mẹ để ý rằng con thường đồng ý chơi trò mà Johnny muốn. Con có muốn chơi trò gì khác không?". Sau đó, bạn có thể gợi ý một số trò chơi mới cho trẻ và bạn bè.

Việc này giúp bạn xác định liệu trẻ có bị bắt nạt tại trường hoặc cảm thấy thua kém, tôn sùng bạn bè, những người sở hữu một vài món đồ chơi giá trị mà trẻ đang ao ước hay không.

Tôi cũng thường khuyến khích con trai thực hiện đa dạng hoạt động thay vì chỉ chọn một vài trò chơi chúng thường làm trên lớp. Khi bạn để trẻ chủ động tham gia những gì chúng muốn thay vì lúc nào cũng đi theo đám đông, trẻ có điều kiện để phát triển các kỹ năng lãnh đạo và làm việc độc lập.

Ảnh: Shutterstock
 

Ảnh: Shutterstock

Xấu tính

Đôi khi, trẻ em có những hành vi xấu không phải vì chúng xấu tính, mà vì đã nghe hoặc chứng kiến người khác làm vậy. Do đó, nếu hành vi xấu tính của trẻ lặp lại trong thời gian dài và với tần suất liên tục, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn.

Tôi thường trò chuyện với con về những gì quan sát được sau một ngày hoặc mỗi hoạt động, từ đó chỉ ra những gì tốt hoặc chưa tốt. Sau những cuộc đối thoại, trẻ sẽ biết nên học theo hành động nào hoặc nếu gặp lại một việc tương tự, chính trẻ có thể góp ý được cho người khác để kết quả tích cực hơn.

Bạn nên dạy trẻ không nhất thiết phải thích tất cả mọi người nhưng luôn cần sống tử tế. Chẳng hạn, trong một sự kiện tập thể, một đứa trẻ tỏ ra cáu kỉnh với con tôi. Tôi đã nói với con mình rằng, có thể bạn nhỏ đó vừa trải qua một ngày tồi tệ nên cư xử như vậy. Chúng ta không nên trách bạn nhưng cũng không nên học theo.

Có dấu hiệu quá tải

Khi các tiêu chuẩn giáo dục thay đổi, kỳ vọng của xã hội cũng vậy. Tại nhiều quốc gia, phụ huynh đã chuẩn bị việc học đại học cho trẻ ngay từ khi chúng mới vào tiểu học. Phụ huynh ngày nay đối diện với hàng loạt câu hỏi như "Nên cho con học lớp ngoại ngữ nào?", "Trường công hay trường tư tốt hơn?"...

Tôi không thể nói cho mọi người điều gì phù hợp với con bạn, nhưng tôi nghĩ bạn không nên đặt kỳ vọng quá nhiều và khiến trẻ quá tải. Nếu trẻ thường xuyên mệt mỏi, sợ học, chán ăn, lơ đãng và ngủ hay bị giật mình, rất có thể tinh thần trẻ bị căng thẳng và mệt mỏi liên tục.

Bạn không nên để tình trạng này xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục. Thay vào đó, bạn có thể ngăn chặn ngay từ đầu bằng cách xây dựng thời gian biểu và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, không ép học quá nhiều và cho trẻ tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài trời.

Thanh Hằng (Theo Parents)

Nguồn: https://vnexpress.net