Đồng hành tâm lý sau đại dịch Covid –19

Tôi khởi đi từ định nghĩa căn bản của Giáo hội công giáo: con người bao gồm thể lý, tâm hồn và thiêng liêng (1 Tx 5,23). Ba phần có và cần “thức ăn” rất riêng. “Của Ăn” đến từ thế giới vật chất; “Của Ăn” tâm hồn đến từ thế giới con người; và “Của Ăn” thiêng liêng đến từ thế giới tôn giáo, tâm linh.

Đại dịch Covid–19 tách biệt cách võ đoán con người ra khỏi tương quan, sinh hoạt xã hội và tôn giáo. Nó cũng đặt con người vào thế giới nhỏ hơn: của cá nhân (nếu sống ơn gọi độc thân), của gia đình (nếu sống ơn gọi hôn nhân, hoặc của Cộng Đoàn (nếu sống ơn gọi tu trì).

Trong hoàn cảnh như vậy, có thể vừa là cơ hội, vừa có thể là một nguy cơ cho từng cá nhân, dù sống ơn gọi nào chăng nữa.

Cơ Hội: Đại dịch Covid–19 lần này sẽ là dịp cho chiêm niệm, hoàn thiện hơn những điều thiện hảo, điều chỉnh những thái quá hay bất cập giữa cá nhân với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Cụ thể là:

  • Về đời Thể Lý: Điều chỉnh việc ăn uống, thể dục, ngủ nghỉ…,
  • Về đời sống Tâm Hồn: Biết đâu đó là điều tốt, là tương quan chính yếu và tùy phụ của đời mình. Trong thời giãn cách xã hội và cách ly, chúng ta có dịp bỏ bớt các tương quan không lành mạnh. Thời gian đó chúng ta có dịp chăm sóc gia đình người thân hơn, nuôi dưỡng những thú vui thanh tao: đọc sách tốt, hưởng thụ âm Nhạc, hội họa…
  • Về đời sống Tâm Linh: Cầu nguyện, lần hạt, Thánh Lễ (dù là trực tuyến online), Kinh hạt Gia Đình…

Nguy Cơ: điều này cũng diễn ra trên cả 3 bình diện trên. Chẳng hạn: Ăn uống vô độ, uống rượu, lạm dụng, bạo lực, bạo hành gia đình, thất nghiệp, vỡ nợ, cờ bạc Online, gian dối, trầm cảm, tự sát, ly hôn, ly dị, bỏ mặc đời sống tinh thần, tâm linh….

Theo tôi, hạn kỳ cách ly do Covid–19 gây ra sẽ chấm dứt, nhưng hệ quả của nó sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa, thậm chí nhiều năm sau.

Bất cập, bất toàn, bệnh tật từng bình diện cần có các “bác sĩ” riêng và chuyên cho từng phần. Thể Lý cần bác sĩ thể lý, tâm hồn, cần bác sĩ tâm lý, thiêng liêng cần bác sĩ tâm linh, để có để chẩn đoán và điều trị cách chính xác và chữa trị hữu hiệu.

Với ý kiến cho rằng: con người sẽ thờ ơ với đời sống tôn giáo, số người này sẽ tăng lên trong thời kỳ sau đại dịch. Theo tôi, ý kiến đó mang tính chủ quan và không thể kiểm chứng được. Hẳn nhiên ai cũng thấy Covid–19 đảo lộn đời sống cá nhân và xã hội. Con người đã có những trải nghiệm khác nhau. Từ vị thế con người thấy mình tin tưởng là vững bền, dũng mạnh, thì với virus, nhân loại bỗng chợt thấy mình dễ vỡ và mong manh. Đó đúng là một khủng hoảng, nhưng cũng là nền tảng cho con người trở lại, tìm đến với những giá trị tôn giáo, tâm linh.  

Trong tình cảnh đó, sứ mạng đồng hành trong lãnh vực tâm lý và thiêng liêng, tôi có thể làm gì?

Về Thể Lý: những hiểu biết của tôi trên bình diện này ở mức phổ thông. Nhưng tôi biết một số bác sỹ rất có tâm và có tầm (chuyên môn tốt), tôi đã và sẽ lắng nghe ý kiến của họ, hoặc giới thiệu những “thân chủ” của tôi đến với những vị này để có chẩn đoán và chữa trị tốt nhất.

Bình diện Tâm Lý tôi được đào tạo chuyên môn về bình diện này. Và bình diện Thiêng Liêng: tôi được Giáo Hội và Dòng Tên huấn luyện kỹ càng trong nhiều năm. Tôi có thể biết chút ít và giúp một số trường hợp liên quan Tâm Lý và Tâm Linh theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo.

Nhân đây tôi xin chia sẻ thêm về Trung tâm linh đạo I-nhã mà tôi đang phụ trách:

Trong thời gian cách ly Xã Hội: tôi vẫn tiếp tục tư vấn, linh hướng qua email, điện thoại, Viber, và gặp trực tiếp một–một với thân chủ hay thụ hướng của mình trên 2 bình diện này. Vấn đề của họ như tôi đã đề cập một số trên (uống rượu, lạm dụng, bạo lực, thất nhiệp, trầm cảm, bài bạc online, nghiện phim đen, khủng hoảng đức tin)…

Trước và sau thời gian cách ly: tôi vẫn làm các công việc như vừa nói trên. Ngoài ra, tôi đã và sẽ mời những giáo sư, nhà chuyên môn (Sinh Viên, Đời Sống Gia Đình, Ơn Gọi Tu Trì) đến Trung Tâm Linh Đạo I–Nhã (CIS) để dạy học, thuyết trình các chuyên đề cho các đối tượng khác nhau và số lượng nhiều hơn.

Nếu bạn quan tâm về những vấn đề trên, có thể liên lạc với chúng tôi qua:

https://trungtamlinhdaoinhadaclo.com/  

Lm. Nguyễn Đức Hạnh SJ

Nguồn: https://dongten.net