Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình

Đức Giê-su Ki-tô - Đường trút bỏ chính mình

WHĐ (18/8/2024) – Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại. Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, thánh Phao-lô, thánh Phê-rô, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái và nhiều tác giả Tin Mừng khác đã diễn giải giáo lý về việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình.

Dẫn nhập

I. KHÁI NIỆM TRÚT BỎ

II. NỀN TẢNG KINH THÁNH

1. Trút bỏ trong Cựu Ước

2. Trút bỏ trong Tân Ước

III. SUY TƯ THẦN HỌC

IV. HOA TRÁI

V. ĐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-SU

1. Đường trút bỏ chính mình

2. Theo đường trút bỏ chính mình

Kết luận

 

Dẫn nhập

Trong gia đình nhân loại, con người luôn đối diện với muôn hình thức tương đối, bất toàn, thất vọng. Một mặt, con người nhận thức rằng mình cao cả hơn vạn vật. Mặt khác, con người cũng thấy mình cùng chung số phận với vạn vật. Khát vọng sống, trường sinh bất tử hay chân, thiện, mỹ tuyệt đối luôn hiện diện trong tâm trí con người. Đặc biệt, con người luôn mơ ước về thế giới tốt đẹp hơn thế giới mình trải nghiệm. Con người cũng biết rằng ‘lực bất tòng tâm’ bởi vì mình không thể giải thoát bản thân khỏi đau khổ và sự chết. Đó là lý do tại sao nhu cầu tôn giáo là một trong những nhu cầu mãnh liệt nhất của con người. Đối với nhãn quan của hầu hết các tôn giáo trong gia đình nhân loại, Thượng Đế, thế giới thần thánh hay thế giới linh tượng trút bỏ chính mình cho con người, cho thế giới khả giác hay thế giới phàm trần là điều không thể hiểu được. Ngược lại, con người trút bỏ chính mình vì Thượng Đế hay vì thế giới thần thánh, thế giới linh tượng là điều phải lẽ.

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại. Ngay từ buổi sơ khai của Giáo Hội, thánh Phao-lô, thánh Phê-rô, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái và nhiều tác giả Tin Mừng khác đã diễn giải giáo lý về việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình. Giáo lý này tiếp tục được các giáo phụ khai triển, chẳng hạn như thánh A-tha-na-xi-ô (296-373), thánh Xy-ri-lô A-lê-xan-ri-a (376–444), thánh Au-gút-ti-nô (354-430). Theo dòng lịch sử, giáo lý này tiếp tục được khai triển bởi nhiều khuôn mặt vĩ đại khác, chẳng hạn như thánh Gio-an Đa-mát (675-749), thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274), thánh Gio-an Thánh Giá (1542-1591).

Chủ đề bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường Trút Bỏ Chính Mình’ dẫn xuất từ trích đoạn thư của thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê (Pl 2,6-11). Trích đoạn này rất ngắn nhưng tóm lược Biến Cố Nhập Thể và toàn bộ hành trình của Đức Giê-su giữa lòng trần thế cũng như hiệu quả của hành trình này. Trong Tân Ước, khó tìm được trích đoạn nào ngắn nhưng có thể diễn tả Biến Cố Đức Giê-su cách súc tích như vậy. Chủ đề bài viết này được trình bày theo các mục như sau: (1) Khái niệm trút bỏ; (2) Nền tảng Kinh Thánh; (3) Suy tư thần học; (4) Hoa trái và (5) Đồng hành với Đức Giê-su.

 

I. KHÁI NIỆM TRÚT BỎ

Trong tiếng Hy-lạp, động từ κενόω (kenóō) có nghĩa là ‘trút bỏ’, ‘dốc cạn’, ‘tháo cạn’. Động từ tương đương với κενόω trong tiếng La-tinh là ‘exinanio’ (exinanire) và tiếng Anh là ‘empty’. Động từ này có nghĩa chặt là ‘làm cho trống rỗng’ hay ‘hoá ra không’. Danh từ phát xuất từ động từ κενόω là κένωσις (kenosis, exinanitio, emptiness: Sự trút bỏ hay việc trút bỏ). Danh từ κένωσις (kenosis) không xuất hiện trong Tân Ước, còn động từ κενόω (kenóō) xuất hiện 5 lần (Rm 4,14; 1 Cr 1,17; 1 Cr 9,15; 2 Cr 9,3 và Pl 2,7), chẳng hạn như trong Rm 4,14: “Nếu gia nghiệp được dành cho những kẻ lệ thuộc vào Lề Luật, thì đức tin trở nên vô nghĩa [κεκένωται], và lời Thiên Chúa hứa bị huỷ bỏ”; hoặc trong 1 Cr 1,17: “Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu [κενωθῇ]” và trong Pl 2,6-7: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang [ἐκένωσεν] mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”. Trong các câu trên, Pl 2,7 là câu rõ ràng và điển hình nhất trình bày việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình để đến với gia đình nhân loại.

Từ kenosis có lịch sử lâu dài trong văn hóa Hy-lạp, chẳng hạn như trong các tác phẩm của Euripides (480- 406 trước Công Nguyên) hay Sophocles (496-405 trước Công Nguyên). Từ này được thánh Phao-lô sử dụng trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê để trình bày cách thông dự đặc biệt của Đức Giê-su đối với con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Quả thực, cách thức Thiên Chúa đến với con người qua việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình, trở nên đồng hình đồng dạng với con người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, là cách thức ‘lạ lẫm’, vượt quá sự hiểu biết của con người. Cách thức này cũng xa lạ với nhãn quan triết lý, tôn giáo của các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải cũng như các dân tộc khác trên địa cầu. Đối với thánh Phao-lô, nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, Thiên Chúa tham dự thế giới thụ tạo để cứu độ và giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết cũng như biến đổi muôn vật muôn loài.

Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại theo ‘thì của Người’, chứ không theo ‘thì của con người’. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa đã tự khiêm, tự hạ, trút bỏ chính mình để đến với con người, không chỉ như những con người bình thường, mà còn trở thành nô lệ phục vụ con người. Người đã đến với ‘môi trường con người’ để làm cho con người có thể ‘làm quen với môi trường Thiên Chúa’. Hơn ai hết, thánh Gio-an cho chúng ta biết điều này ngay câu đầu tiên trong thư thứ nhất của ngài: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1,1). Ở đây, thánh Gio-an không dùng từ trút bỏ nhưng chúng ta nhận ra nghĩa trút bỏ, đó là: Nhờ Đức Giê-su, con người bất xứng, tăm tối, tội lỗi lại có thể ‘nghe’, ‘thấy’, ‘chiêm ngưỡng’, ‘chạm đến’ Thiên Chúa uy linh cao cả. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa không còn là ‘Đấng quá trừu tượng’ nữa mà là Đấng gần gũi con người, chuyện trò với con người ‘diện đối diện’. Nhờ việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình, khoảng cách vô bờ giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, giữa sự sống và sự chết được nối kết và cho phép con người được gần gũi Thiên Chúa.

Trong lịch sử nhân loại không có sự trút bỏ nào cao cả và nhiệm mầu như sự trút bỏ của Đức Giê-su. Việc Người trút bỏ chính mình cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng quyền năng, đồng thời, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Người không chỉ là Đấng ‘thiêng liêng’, ‘bất biến’, ‘vô thủy vô chung’, mà còn là Đấng ‘trở thành’, bởi vì, Đức Giê-su là Thiên Chúa đã trở thành Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su hằng hiệp nhất nên một với Chúa Cha trong ‘môi trường vĩnh cửu’. Tuy nhiên, Người đã trút bỏ chính mình ‘vì chúng ta và để cứu độ chúng ta’. Trong gia đình nhân loại, Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người; vừa bất biến vừa thông phần biến đổi; vừa siêu việt không gian và thời gian, vừa hiện diện trong không gian và thời gian; vừa quyền năng vừa dễ bị tổn thương, vừa cao trọng vừa khó nghèo. Đấng trút bỏ chính mình cũng là Đấng thông ban ân lộc dư đầy cho mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài.

 

II. NỀN TẢNG KINH THÁNH

1. Trút bỏ trong Cựu Ước

Cựu Ước không trình bày việc Thiên Chúa ‘trút bỏ chính mình’ theo nghĩa như thánh Phao-lô trình bày trong Tân Ước về Đức Giê-su. Dưới nhãn quan Cựu Ước, Thiên Chúa vừa là Đấng quyền năng, siêu việt, vừa là Đấng thành tín, yêu thương. Chẳng hạn: “Người ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một. Chúa chúng ta thật là cao cả, uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường!” (Tv 147,4-5) hay: “Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả” (Tv 33,13-15). Đồng thời, Người luôn luôn ‘kiên nhẫn’: “Từ lâu Ta đã từng nín lặng, Ta làm thinh, Ta đã dằn lòng, như sản phụ lâm bồn, Ta rên siết, Ta hổn hển, Ta thở chẳng ra hơi” (Is 42,14). Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa được thể hiện trong việc chậm trễ trừng phạt dân Do-thái vì sự bất tín cũng như muôn hình thức tội lỗi của họ. Chẳng hạn, biết bao lần dân Do-thái phản loạn, chạy theo tà thần nhưng Thiên Chúa luôn cho thấy Người là Đấng bao dung, không ngừng mời gọi họ ăn năn sám hối để được khôi phục tình trạng ân nghĩa với Người.

Thiên Chúa luôn mời gọi dân Do-thái thực thi ‘đời sống trút bỏ’, nghĩa là dành chỗ cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của Người. Bởi vì, Người gần gũi những ai biết nương tựa nơi Người hay những ai nghèo khó, khiêm tốn, hiền hậu (עֲנָוִים/ anawim): “Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên” (Tv 145,14); “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi” (Tv 34,19-20); “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,12). Những người cô thế, cô thân hay những người biết sống đời trút bỏ là những người biết tùng phục, cậy trông vào Thiên Chúa. Những người như vậy luôn dõi theo đường lối của Người hơn là cậy dựa vào các thế lực hạ giới hay sức mạnh của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Chúng ta cùng điểm qua một số nhân vật biết ‘sống đời trút bỏ’ trong Cựu Ước.

Trình thuật sách Các Vua quyển thứ nhất cho chúng ta biết rằng ngôn sứ Ê-li-a đã gọi Ê-li-sa, con ông Sa-phát, khi Ê-li-sa đang cày ruộng. Ê-li-a đã ném áo choàng của mình cho Ê-li-sa và Ê-li-sa đến với Ê-li-a. Sau khi xin phép Ê-li-a về từ giã cha mẹ, Ê-li-sa đã đi theo Ê-li-a và trở thành môn đệ của Ê-li-a (1 V 19,19-21). Thay đổi thói quen, thay đổi công việc hay thay đổi lối sống luôn là điều khó khăn. Tuy nhiên, Ê-li-sa đã trút bỏ chính mình, để lại mọi sự đằng sau, kể cả cha mẹ, gia súc, tập quán và trở thành môn đệ của Ê-li-a là ngôn sứ của Thiên Chúa. Ê-li-sa đã chứng kiến Ê-li-a được rước lên trời (2 V 2,1-18). Kế tục sứ vụ của Ê-li-a, Ê-li-sa được Thiên Chúa thông ban nhiều đặc ân để thực thi những công việc của Người, chẳng hạn như ông đã làm cho dầu của bà góa được nhân lên để bà bán dầu trả nợ và nuôi sống bản thân cũng như con bà (2 V 4,1-7). Ê-li-sa đã hồi sinh đứa trẻ, con của người phụ nữ Su-nêm (2 V 4,8-37); chữa lành bệnh phong cùi cho Na-a-man (tướng chỉ huy quân đội của vua A-ram, 2 V 5,1-14). Như vậy, nhờ sự trút bỏ chính mình, Ê-li-sa đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành ngôn sứ của Người hầu giúp đỡ dân Do-thái trong thời đói kém, loạn lạc. Ông mãi mãi được tán dương là ngôn sứ trung tín, vâng phục và thực thi thánh ý Thiên Chúa đối với dân được Người tuyển chọn.

Sách Rút cho chúng ta biết rằng bà Na-o-mi là mẹ chồng của Rút (người Mô-áp, dân ngoại). Bà Na-o-mi bất hạnh vì mất chồng, mất các con trai. Bà trở về quê cha đất tổ và Rút đi theo tới ở Bê-lem. Bà Na-o-mi nói với dân ở đây: “Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về hai bàn tay trắng! Gọi tôi là Na-o-mi làm gì, trong khi Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn Năng đã để tôi đau khổ?” (R 1,21). Trước mặt người đời, bà mất mát tất cả: Chồng con, danh vọng, của cải. Tuy nhiên, tình trạng trút bỏ hay trống rỗng của bà cũng như con dâu không tồn tại lâu dài bởi vì Rút, con dâu của bà, đã cưới Bô-át (người Do-thái). Họ sinh con trai và đặt tên là Ô-vết, ông nội của Đa-vít. Thánh Mát-thêu trình thuật: “Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít” (Mt 1,5-6). Đa-vít trở thành vị vua lừng lẫy nhất lịch sử dân Do-thái và được gọi là ‘vua thánh’. Sự thánh thiện của Đa-vít là ‘sự thánh thiện hoán cải’ bởi vì Đa-vít đã phạm nhiều tội lỗi nghiêm trọng nhưng đã ăn năn hối cải và được Thiên Chúa tha thứ tất cả. Một trong những tước hiệu của Đức Giê-su là ‘con cháu vua Đa-vít’: “Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1,1). Đa-vít thường được gọi là ‘tôi tớ của Thiên Chúa’ (2 Sm 3,18; Tv 89,20; Tv 132,10).

Ý niệm người tôi tớ hay người tôi trung khá phổ biến trong Cựu Ước, chẳng hạn, Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp là ‘tôi tớ’ hay ‘tôi trung’ của Thiên Chúa (St 24,14; St 26,24; Ed 37,25). Một số người lãnh đạo dân Do-thái, chẳng hạn như Mô-sê, Gio-suê được gọi là tôi tớ của Thiên Chúa (Ds 12,7; Gs 24,29). Tương tự như vậy, các ngôn sứ, chẳng hạn như Ê-li-a, Ê-li-sa, Giê-rê-mi-a, A-mốt cũng được gọi là ‘tôi tớ’ của Thiên Chúa (1 V 18,36; 2 V 4,16; Gr 7,25; Am 3,7). Những người Do-thái khác cũng được gọi là các tôi tớ của Thiên Chúa (Is 54,17). Đặc biệt, Bài Ca người Tôi Trung (bài thứ nhất) đã loan báo về Đức Giê-su: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42,1-4).

Nhiều trình thuật trong Cựu Ước loan báo về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su trong hành trình trần thế, tuy nhiên, không trình thuật nào diễn tả cách rõ ràng, mạch lạc về ‘sự trút bỏ chính mình của Người’ như Bài Ca người Tôi Trung (bài thứ tư, Is 52,13-53,12). Chúng ta cùng xem xét một số trích đoạn: “Tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa” (Is 52,14); “Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53,3); “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề” (Is 53,4); “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Nhờ người Tôi Trung trút bỏ chính mình, chịu muôn cực hình và cam lòng chịu chết mà muôn người được khỏi tội và trở nên công chính (Is 53,11-12). Những trích đoạn này trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại.

2. Trút bỏ trong Tân Ước

Thời thơ ấu của Đức Giê-su

Đức Giê-su đã ‘tự hạ mình’, ‘tự trút bỏ tất cả’ khi mang lấy thân phận con người để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức Giê-su lại trở nên người phàm? Thưa, Người mang lấy thân phận người phàm, thân phận hay chết để tiêu diệt sự chết và trao ban sự sống. Con người thường được gọi là ‘tiểu vũ trụ’. Khi Đức Giê-su mang lấy ‘tiểu vũ trụ’ cũng có nghĩa rằng Người mang lấy tất cả những gì liên quan đến con người, nghĩa là toàn thể vũ trụ. Với Biến Cố Nhập Thể, Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa vô hình (invisible), không thể hiểu được (incomprehensible), bất khả thụ cảm (impassible, nghĩa là ngoại vật không thể tác động lên chủ thể và biến đổi chủ thể) lại trở thành hữu hình (visible), có thể hiểu được (comprensible), thụ cảm (passible, nghĩa là chủ thể chịu sự tác động của ngoại vật và biến đổi vì sự tác động đó). Như vậy, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã ‘hạ mình’ để xuống với ‘tầm’ của con người, đã ‘trút bỏ’ để mang lấy ‘thân phận’ của con người.

Theo ngôn ngữ của thánh Gio-an, Đức Giê-su “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người đã ‘hạ tầm’ để ngang tầm với con người, ‘giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi’ (Dt 4,15). Thánh Tô-ma A-qui-nô giải thích rằng Đức Giê-su mang trong mình những bất toàn, khiếm khuyết, đau khổ, dễ bị tổn thương như bao người khác (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.14, a.1). Nhờ vậy, con người mới có thể nghe, thấy, chiêm ngưỡng và chạm đến Người (1 Ga 1,1). Quả thực, con người luôn khát vọng Thiên Chúa, con người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình từng trải. Con người muốn vươn sâu, vươn xa hơn những gì hạn hẹp trong không gian và thời gian. Đó là lý do tại sao con người là hữu thể có khả năng đón nhận mặc khải của Thiên Chúa, sống theo mặc khải của Thiên Chúa và thông truyền mặc khải của Thiên Chúa cho anh chị em đồng loại. Con người có khả năng mở rộng tâm trí để đón nhận tình yêu Thiên Chúa đối với bản thân mình và diễn tả tình yêu đó đối với anh chị em đồng loại cũng như muôn vật muôn loài.

Đức Giê-su được sinh ra trong cảnh khó nghèo: Thánh Lu-ca trình thuật: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Những người đầu tiên đến viếng thăm Người không phải là những bậc vị vọng trong xã hội Do-thái nhưng là ‘những người sống đời trút bỏ’, ‘những người không có gì’, những đứa trẻ chăn chiên đơn sơ, khó nghèo. Khi Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đem Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Đức Chúa theo luật dạy thì lễ vật không phải là con chiên một tuổi đắt tiền mà là ‘một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non’ (Lc 2,24; Lv 12,6-8). Cuộc đời của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se gắn liền với muôn hình thức thiếu thốn, khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, các ngài luôn cậy trông vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Là Thiên Chúa và là Đấng Thánh của Thiên Chúa nhưng Đức Giê-su lại trút bỏ chính mình, xuống tận sông Gio-đan để chịu Phép Rửa bởi Gio-an Tẩy Giả. Biến cố này được cả bốn tác giả Tin Mừng trình thuật (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,31-34). Người đã trút bỏ chính mình khi đặt mình vào hàng ngũ những người tội lỗi để chịu Phép Rửa. Tuy nhiên, khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, Gio-an Tẩy Giả thốt lên để cho mọi người biết căn tính đích thực của Đức Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Dưới nhãn quan của các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, sự kiện Đức Giê-su chịu phép rửa đánh dấu giai đoạn mới, giai đoạn quan trọng nhất trong hành trình trần thế của Người là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Trong khi đó, tác giả Tin Mừng thứ Tư muốn nhấn mạnh đến căn tính đích thực của Đức Giê-su là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ mọi người trong gia đình nhân loại. Chính Gio-an Tẩy Giả minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1,34).

Là Thiên Chúa ‘phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi’ nhưng Đức Giê-su thường không sử dụng hay không bộc lộ những thuộc tính thần linh của Người. Chẳng hạn, khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình lên Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Thiên Chúa theo luật dạy. Sau khi thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a tìm được Người đang giảng dạy giữa những người khoa bảng nơi Đền Thánh, Người đã vâng lời hai ông bà trở về quê quán là Na-da-rét. Thánh Lu-ca trình thuật: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài… Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52). Quả thực, trong thân phận con người, Đức Giê-su cũng cần học hỏi, cần có kinh nghiệm để có thể lớn lên và hòa nhập với môi trường truyền thống, văn hóa, xã hội Do-thái như bao người khác.

Hành trình loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su

Trong Bài Giảng Trên Núi, sau khi công bố Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói rằng anh em là muối đất và là ánh sáng cho trần gian (Mt 5,13-16); rồi Người nói rằng Người đến để kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19), đồng thời Người nói về đức công chính của người môn đệ: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Để trở thành người công chính, Đức Giê-su dạy mọi người cách thức thực hành, chẳng hạn như đừng giận ghét (Mt 5,21-26); chớ ngoại tình (Mt 5,27-30); đừng ly dị (Mt 5,31-32), đừng thề thốt (Mt 5,33-37), chớ trả thù (Mt 5,38-42). Người còn khai triển và giải thích nhiều điều quan trọng khác nữa trong các chương sau đó trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Ý tưởng quán xuyến của Đức Giê-su trong Bài Giảng Trên Núi là những ai theo Người cần trút bỏ chính mình để đón nhận, sống và lưu truyền giáo huấn của Người. Nếu chúng ta được phép tóm lược nội dung của Tám Mối Phúc vào một từ thì từ đó phải là ‘trút bỏ’ (κένωσις/ kenosis, exinanitio, emptiness).

Đức Giê-su mời gọi mọi người sống theo lề luật mà Người kiện toàn. Chẳng hạn, Người nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44). ‘Yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ghét mình’ là một trong những mệnh lệnh đặc biệt của Đức Giê-su. Trong sách Lê-vi cho dân Do-thái biết rằng họ phải “yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Nhưng Đức Giê-su mời gọi mọi người hướng về tình yêu vượt xa ‘công thức tình yêu đó’. Đối với Dân Do-thái, kẻ thù của mình là ‘người ghét mình’ hay ‘người mình ghét’. Đối với Đức Giê-su, ai theo Người thì không cưu mang bất cứ hình thức ghen ghét hay thù hận nào trong tâm trí. Người dùng hình ảnh mặt trời soi sáng người xấu cũng như kẻ tốt và hình ảnh mưa rơi trên người công chính cũng như kẻ bất chính để nói về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mọi người trong gia đình nhân loại. Đặc biệt, Người mời gọi mọi người ‘đừng nhìn ngang’ nhưng ‘hãy nhìn lên’: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) hay: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Như vậy, ai theo Đức Giê-su thì được mời gọi hướng về Thiên Chúa trong mọi suy nghĩ, nói năng và hành động của mình.

Các trình thuật Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết rằng sau khi Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô thì Người loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Kế đó, Người nói về điều kiện cần thiết cho những ai theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34). Người giải thích thêm: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?” (Mc 8,35-37). Hãy trút bỏ chính mình, hãy từ bỏ chính mình (ἀπαρνησάσθω ἑαυτὸν), là huấn lệnh của Đức Giê-su cho những ai theo Người. Chúng ta có thể nhận định rằng ‘từ bỏ mọi sự ngoài mình’ thì dễ hơn ‘từ bỏ chính mình’. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng nhiều người có thể từ bỏ mọi sự nhưng không thể từ bỏ chính mình. Quả thực, những gì đã trở thành ‘truyền thống’ hay ‘văn hóa’ của ‘cái tôi’ thì việc từ bỏ vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, để bỏ một thói quen xấu hay ‘thói quen tội lỗi’ đòi hỏi con người phải kiên tâm bền chí và phải đối diện với nhiều hình thức đau khổ cả về tâm hồn lẫn thể xác.

Khi Đức Giê-su thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng và chữa bệnh, một kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo” (Mt 8,19). Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng, mệnh lệnh của Người đối với họ là mệnh lệnh trút bỏ. Người nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy” (Mt 10,8-10). Sứ vụ của các môn đệ là sứ vụ trao ban bình an của Đức Giê-su, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Đức Giê-su dặn các môn đệ rằng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Như vậy, điều mà người ta nhận được từ các môn đệ là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại và họ được mời gọi sống theo những giá trị Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su (Hoàng Tử Bình An) loan báo và làm chứng bằng chính đời sống hy sinh, quên mình, trút bỏ.

Thánh Mác-cô trình thuật rằng khi từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem, có một người giàu đến quỳ trước Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Đức Giê-su điểm qua một số lề luật chính yếu, chẳng hạn như chớ ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian, làm hại người khác và phải thảo kính cha mẹ. Anh ta trả lời rằng mình đã tuân giữ và thực thi các điều đó từ thuở thiếu thời. Đức Giê-su nói với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Khi nghe những lời đó thì anh ta buồn rầu bỏ đi. Anh ta là người tốt lành vì đã tuân giữ lề luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi Đức Giê-su đề nghị về sự cần thiết để trút bỏ sở hữu thì anh ta không thể thực hiện được. Anh ta tích lũy được nhiều của cải, đồng thời, anh ta tuân giữ lề luật nhưng anh ta không thể chiến thắng chính mình theo đề nghị của Đức Giê-su. Do đó, anh ta đã mất cơ hội được gần gũi Người và chứng kiến sự trút bỏ tận cùng của Người mà cao điểm là Biến Cố Vượt Qua hầu đem lại ơn cứu độ cho mọi người trong gia đình nhân loại.

Trong khi Đức Giê-su loan báo Tin Mừng và thực thi sự trút bỏ chính mình, các môn đệ của Người không ý thức về điều đó. Các ngài vẫn là những người bồng bột, nông cạn và không hiểu được chương trình của Thầy mình. Chẳng hạn, hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an, con ông Dê-bê-đê, đến xin Đức Giê-su: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang" (Mc 10,37). Các môn đệ khác cũng chẳng khá hơn Gia-cô-bê và Gio-an là mấy bởi vì họ tức tối với hai ông vì hai ông đã xin Đức Giê-su như vậy. Nhân dịp này, Đức Giê-su đã cho họ bài học mà mãi sau này khi Người phục sinh, họ mới có thể thấu hiểu: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44-45). Điều này có nghĩa rằng họ cần ‘cúi xuống’, cần trút bỏ, cần phục vụ mọi người như chính Đức Giê-su đã thực hiện.

Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người hướng về Chúa Cha. Chẳng hạn, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28). Câu hỏi đặt ra là tại sao Chúa Cha cao trọng hơn Đức Giê-su? Quả thật, Đức Giê-su ‘đồng bản thể với Chúa Cha’ nhưng Người là Con Một của Chúa Cha, được sinh ra từ trước muôn đời. Đặc biệt, trong thân phận con người, Người mặc lấy những gì thuộc về con người, ngoại trừ tội lỗi. Sự trút bỏ của Đức Giê-su là ‘sự trút bỏ khi mặc lấy’, Người mặc lấy hay mang lấy tội lỗi và hậu quả tội lỗi của gia đình nhân loại, chứ không phải ‘trút bỏ khi mất đi’ các thuộc tính thần linh của Người bởi vì Người luôn là Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Sự trút bỏ của Đức Giê-su diễn ra trong không gian và thời gian, trong môi trường cụ thể nhưng đem lại ơn cứu độ cho mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Biến cố Vượt Qua của Đức Giê-su

Thánh Gio-an trình thuật việc Đức Giê-su ‘trút bỏ chính mình’ trong Bữa Ăn Cuối Cùng với các môn đệ bởi vì Người đã cúi xuống rửa chân cho họ: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Vì không hiểu chương trình của Đức Giê-su, thánh Phê-rô nói với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6). Người trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu" (Ga 13,7). Công việc của Đức Giê-su tương tự như công việc của người nô lệ đối với chủ mình. Là Thiên Chúa và là Thầy của các môn đệ nhưng Đức Giê-su đã trở thành nô lệ của họ. Ở đây, chúng ta nhận thức rằng trật tự giữa chủ và nô lệ, giữa thầy và trò, giữa Thiên Chúa và con người bị đảo lộn. Qua cử chỉ rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su dạy họ Giới Răn Mới là yêu thương anh chị em mình như Người đã yêu thương (Ga 13,34). Cử chỉ Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ giúp con người nhận ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, ‘tình yêu cúi xuống’ với con người để tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi và cho phép con người hòa giải với Thiên Chúa.

Đức Giê-su đã trải qua nhiều đau khổ thử thách trong hành trình trần thế từ Biến Cố Nhập Thể tới Biến Cố Phục Sinh. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su bị người đời ruồng bỏ, bị sỉ nhục, bị vu cáo. Muôn vàn đau khổ của Người ứng nghiệm những tiên báo trong Cựu Ước: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6); “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50,7). Quả thực, trong gia đình nhân loại không có hình thức sỉ nhục nào lớn hơn hình thức sỉ nhục của thụ tạo đối với Đấng Sáng Tạo; không có hình thức đau khổ nào lại không tìm được chỗ đứng nơi đau khổ của Đức Giê-su trên thập giá; không có vực thẳm nào rùng rợn hơn vực thẳm sự chết mà Người gánh chịu.

Trong cuộc khổ nạn, các môn đệ muốn Đức Giê-su ‘giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng’ nhưng Đức Giê-su đã không làm như vậy. Khi Người thực thi việc ‘trút bỏ chính mình’ thì các môn đệ ‘bỏ chạy lấy mình’. Họ sợ liên lụy vì đã từng liên hệ mật thiết với Người. Tuy nhiên, tình yêu của Đức Giê-su đối với các môn đệ là tình yêu vô điều kiện, tình yêu trọn vẹn, tình yêu đến cùng (Ga 13,1). ‘Tình yêu đến cùng’ của Đức Giê-su có thể được hiểu dưới hai khía cạnh: Về phía Đức Giê-su và về phía các môn đệ. Bởi vì, Người yêu thương họ đến nỗi chịu chết trên cây thập tự và Người yêu thương họ đến cùng cho dù họ bất tín, phản bội. Quả thực, đường lối và chương trình của Thiên Chúa khác với đường lối và chương trình của con người’ (Is 55,8-9). Bởi vì, Đức Giê-su là Nguồn Sống, là Sự Sống và là Đấng khơi nguồn sự sống cho con người cũng như muôn vật muôn loài lại phải chịu đau khổ cùng cực và chịu chết dưới bàn tay của con người.

Trên thập giá, Đức Giê-su đã thể hiện ‘tình yêu trút bỏ chính mình’ (self-emptying love), tình yêu đến cùng cách cụ thể nhất. Đây là tột đỉnh hành trình trút bỏ của Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại. Nơi đây, Đức Giê-su diễn tả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người thuộc thế giới thụ tạo. Tình yêu vô bờ của Thiên Chúa hay tình yêu huyền diệu của Người được thể hiện trong cảnh bi thương nhất. Sự kiện này cho phép con người hiểu rõ hơn về bản chất tình yêu nội tại của Thiên Chúa được diễn tả dưới hình thức lòng thương xót của Người. Đồng thời, sự kiện này cũng giúp con người nhận thức rõ hơn về hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi. Đặc biệt, Đức Giê-su chịu treo trên thập giá giúp con người nhận thức rằng sự trút bỏ lớn lao nhất cũng là chiến thắng lớn lao nhất mà Đức Giê-su thể hiện để tiêu diệt nanh vuốt của ma quỷ và các hình thức sự dữ trong môi trường thế giới thụ tạo, nhất là sự chết.

Như đề cập ở trên, là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su thông dự vào mọi chiều kích của con người, kể cả sự chết. Đây là nghịch lý lớn lao mà con người khó có thể chấp nhận (1 Cr 1,22-25). Thứ Bảy Tuần Thánh của Đức Giê-su tượng trưng cho sự trút bỏ của Người cách sâu nhiệm nhất. Người đã đến môi trường ‘bị Thiên Chúa lãng quên’ hay ‘không còn nhớ đến’ (forsakenness): “Con nằm đây giữa bao người chết, như các tử thi vùi trong mồ mả đã bị Chúa quên đi, và không được tay Ngài săn sóc” (Tv 88,6) hay: “Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa, và trong nơi âm phủ, chẳng ai ngợi khen Ngài. Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung” (Is 38,18). Dĩ nhiên, câu chuyện của Đức Giê-su giữa lòng trần thế không dừng lại ở đó.

Với cái chết, Đức Giê-su đã xuống ngục tổ tông, đến với ‘thế giới người chết’. Như vậy, Người không chỉ đồng hình đồng dạng với những người sống mà còn đồng hình đồng dạng với những người chết hay nói theo ngôn ngữ của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17). Thiên Chúa lại phải nằm trong nấm mồ, một sự trút bỏ không thể diễn tả được. Là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã ‘tham dự môi trường kẻ chết’ để ban sự sống vĩnh cửu cho người đã an giấc. Quả thực, trong chương trình của Thiên Chúa, Đức Giê-su đến với môi trường kẻ chết để loan báo vinh quang của Thiên Chúa cho những người đã chết. Trong môi trường đó, Đức Giê-su cho mọi người biết tình yêu trút bỏ mà Người thực hiện là tình yêu cao cả nhất.

Hơn nữa, Đức Giê-su còn trút bỏ chính mình, trở nên Của Ăn, Của Uống đem lại sự sống đời đời cho những ai đón nhận Người trong Bí Tích Thánh Thể. Quả thực, trong hành trình loan báo Tin Mừng, sau khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em nhỏ, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng họ cần phải ăn Thịt và uống Máu Người để được sống đời đời, đặc biệt, được tham dự sự sống vĩnh cửu ngay trong hành trình trần thế này, Người nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa hiến tế của Đức Giê-su trên thập giá hầu đem lại ơn cứu độ cho những ai tin tưởng, đón nhận và thực thi thánh ý Người. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhận ra sự khiêm tốn, hạ mình, trút bỏ của Đức Giê-su để trở nên của ăn linh thiêng nuôi sống con người trong hành trình trần thế về với Quê Hương Vĩnh Cửu là Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su ‘ẩn mình’ dưới hình bánh và rượu, của ăn của uống quen thuộc của con người, hầu giúp con người làm quen với Thiên Chúa cách trực tiếp và mật thiết nhất. Bởi vì, trong Bí Tích Thánh Thể, “có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn" (Công Đồng Tren-tô, DS 1651; GLGHCG 1374).

Nhãn quan Thánh Phao-lô

Như đề cập ở trên, trong các ký giả Tân Ước, thánh Phao-lô là người trực tiếp trình bày việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình cũng như được siêu tôn trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê. Chỉ mấy câu ngắn gọn (Pl 2,6-11), thánh nhân đã tóm lược căn tính, sự trút bỏ và hiệu quả của chương trình Đức Giê-su giữa lòng trần thế. Ba hình thức hiện diện của Đức Giê-su được thánh Phao-lô trình bày ở đây là: (1) Đức Giê-su tiền hữu là Đấng uy linh cao cả vì Người là Thiên Chúa (Pl 2,6); (2) Đức Giê-su nhập thể và tự hạ đến nỗi chịu treo trên thập giá (Pl 2,7-8), (3) Đức Giê-su được Thiên Chúa siêu tôn (Pl 2,9-11). Giữa lòng trần thế, trong khi vẫn là Thiên Chúa cùng với những thuộc tính thần linh của mình, Đức Giê-su đã tự hạ và cam lòng chịu chết để cứu độ nhân loại. Người được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt hơn muôn vàn danh hiệu.

Đối với thánh Phao-lô, Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa (form of God) nhưng vì yêu thương con người đã mặc lấy thân phận con người (form of man). Hơn nữa, Người đã trở thành tôi tớ, thành nô lệ (form of a servant) để yêu thương, phục vụ và cứu độ con người. Trong các thư khác, thánh nhân cho chúng ta biết rõ hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, ngài viết: “Trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3) hay: “Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn: Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2,9-10). Viết thư cho tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân diễn giải: “Anh em biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Rõ ràng, cách thức Đức Giê-su làm cho con người ‘trở nên giàu có’ khác biệt với mọi cách thức mà con người có kinh nghiệm trong lịch sử nhân loại qua muôn thế hệ. Bởi vì, đối với Đức Giê-su, con người trở nên giàu có đích thực vì kho tàng thượng giới chứ không phải kho tàng hạ giới (Mt 19,21).

Theo một số nhà chú giải, thánh Phao-lô viết thư này trong bối cảnh cộng đoàn Ki-tô hữu ở Phi-líp-phê thiếu tinh thần hiệp nhất cũng như vấp phải những chống đối, chẳng hạn, thánh nhân căn dặn họ: “Đừng sợ những kẻ chống đối anh em: Đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban” (Pl 1,28). Trước khi trình bày về sự trút bỏ của Đức Giê-su, thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Phi-líp-phê: “Hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,2-4). Như vậy, trong Pl 2,6-11, thánh nhân không muốn độc giả quan tâm tìm hiểu Đức Giê-su như là một nhân vật thần thoại đáng yêu hay diễn tả Người với ngôn ngữ trừu tượng, chẳng hạn như ngôn ngữ hữu thể học hay siêu hình học, mà là chiêm ngắm Người, Đấng sống đời trút bỏ giữa gia đình nhân loại vì con người và cho con người.

Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, sự hiện diện của Đức Giê-su là sự hiện diện của Thiên Chúa. Khuôn mặt Đức Giê-su là khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Người là hình ảnh cụ thể nhất của Thiên Chúa (Imago Dei) giữa gia đình nhân loại. Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân viết về Người như sau: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Tư tưởng của thánh nhân gợi lên trong tâm trí chúng ta về phẩm giá cao quý của mình là được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27) và được mời gọi gắn bó với Đức Giê-su để nhờ đó trở thành con cái Thiên Chúa: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Quả thực, nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người không chỉ được hồi phục bản tính tốt lành (nhưng đã bị tổn thương vì tội lỗi) mà còn được trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế và trong Quê Hương vĩnh cửu (Pl 3,20-21).

Đối với thánh Phao-lô, Đức Giê-su chịu treo trên thập giá là hình ảnh trọng tâm giúp mọi người ý thức về sự cần thiết phải trút bỏ chính mình. Thập giá Đức Giê-su được giương cao hầu cho mọi người cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Đối với các nền văn hóa quanh vùng Địa Trung Hải và Lưỡng Hà thì cái chết thập giá là cái chết đau khổ và nhục nhã nhất. Đây là cái chết dành cho những người mắc trọng tội; thế mà Đức Giê-su là Đấng vô tội lại phải chết trên thập giá. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh nhân viết: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14). Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu hãy mặc lấy Đức Giê-su (Rm 13,14). Điều này có nghĩa rằng mọi người hãy trút bỏ chính mình hầu có thể đồng hình đồng dạng với Người trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động. Thánh nhân viết: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4,10).

 

III. SUY TƯ THẦN HỌC

Đức Giê-su trút bỏ chính mình cho phép chúng ta nhận thức rằng Người là Đấng vô hình lại trở nên hữu hình; Đấng sáng tạo lại sống trong môi trường thế giới thụ tạo; Đấng vĩnh cửu lại hiện diện trong thời gian; Đấng vô biên lại sống trong môi trường giới hạn; Đấng thánh thiện lại sống trong môi trường tội lỗi; Đấng ban phát ân sủng lại bị trao nộp trong tay những kẻ dữ; Đấng công chính lại sống giữa những kẻ bất lương; Đấng quyền năng lại chịu cảnh tổn thương; Đấng là Vua trên hết các vua lại sống đời nô lệ; Đấng phép tắc vô cùng lại bị con người treo trên thập giá; Đấng hằng sống lại phải chết. Quả thực, những nghịch lý trong Biến Cố Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại nhiều hơn mọi hình thức diễn tả của con người.

Đức Giê-su trút bỏ chính mình liên quan trực tiếp đến mầu nhiệm Thiên Chúa nội tại cũng như mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng toàn năng (omnipotence), toàn tri (omniscience), toàn tại (omnipresence). Thiên Chúa có đủ tất cả! Người hoàn hảo, không cần bất cứ điều gì nữa, không cần bất cứ sự biến đổi nào nữa; Người thông suốt mọi sự và hiện diện khắp mọi nơi. Tuy nhiên, Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Thiên Chúa trong đời sống nội tại đã tuôn trào trong chương trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa. Đặc biệt, với Biến Cố Nhập Thể, Đức Giê-su là Thiên Chúa ‘không thể biến đổi’ (immutable) đã ‘biến đổi’ (mutable), đã trở thành người phàm và tham dự cảnh giới hạn, bất tất, khổ ải như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo.

Tình yêu trong đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu tự trao ban (self-donating love) của các ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu này phân biệt với tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo. Bởi vì, tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài là lòng thương xót của Người. Tình yêu Thiên Chúa đạt đỉnh điểm trong Biến Cố Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại. Đây là tình yêu trút bỏ (kenotic love). Chúng ta có thể nhận định rằng tình yêu trút bỏ của Đức Giê-su cũng chính là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người cũng như muôn vật muôn loài. Ngoài lòng Thiên Chúa thương xót, không ai có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Đức Giê-su lại trút bỏ chính mình?’. Ngoài lòng Thiên Chúa thương xót, không ai có thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Đức Giê-su không trút bỏ chính mình theo cách thức nào đó dễ dàng hơn, phù hợp hơn với tâm thức của con người?’. Ngoài lòng Thiên Chúa thương xót, không ai có thể trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Đức Giê-su lại sống thân phận con người?’ Thánh Gio-an cho chúng ta hiểu rõ hơn điều này khi viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,9-10).

Hơn ai hết, Đức Giê-su có được ‘kinh nghiệm tình yêu vĩnh cửu’ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong đó, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trao ban tình yêu cho nhau và thông hiệp với nhau. Ba Ngôi Thiên Chúa trao ban tình yêu và thông hiệp với nhau thâm sâu và mạnh mẽ tới mức nên một với nhau. Như vậy, nói đến Chúa Ba Ngôi là nói đến tình yêu, nói đến thông hiệp, nói đến trao ban vĩnh cửu. Quả thực, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hướng về nhau và bất khả phân ly trong mọi hoàn cảnh, trong đời sống nội tại cũng như trong chương trình đối với thế giới thụ tạo. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần luôn thông dự chương trình trần thế của Đức Giê-su. Điều này đã được Đức Giê-su thể hiện trong hành trình trần thế bởi vì Người là Thiên Chúa nhưng Người luôn mời gọi mọi người hướng về Chúa Cha. Đồng thời, Người cũng mặc khải về Chúa Thánh Thần và vai trò của Chúa Thánh Thần trong chương trình của Thiên Chúa (Ga 14,16; Ga 14,26; Ga 15,26; Ga 16,13).

Trong lịch sử Giáo Hội, giáo lý về việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình được quan tâm chủ yếu về phương diện Ki-tô học. Tuy nhiên, những thế kỷ gần đây, đặc biệt, từ thế kỷ 19 tới nay, một số thần học gia (chẳng hạn như Sergei Bulgakov [1871-1944] hay Hans Urs von Balthasar [1905–1988]) cho rằng Biến Cố Đức Giê-su trút bỏ chính mình không phải là ‘biến cố đơn độc’ hay ‘thiếu sự kết nối’. Bởi vì, việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình là ‘sự kéo dài’ hay ‘mở rộng’ (extension) tình yêu nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa (the love of the immanent Trinity). Nói cách khác, Đức Giê-su trút bỏ chính mình nhằm thể hiện tình yêu tự hiến (self-giving love hay self-donating love) của Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong môi trường thế giới thụ tạo, Đức Giê-su đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa trong đau thương (kenotic love, misericordia, compassion), trong sự trút bỏ chính mình, để thông phần đau khổ với mọi người. Do đó, trích đoạn Pl 2,6-11 về sự trút bỏ và siêu tôn của Đức Giê-su không chỉ được hiểu biết và đón nhận dưới nhãn quan Ki-tô học mà còn dưới nhãn quan thần học Chúa Ba Ngôi cũng như nhãn quan đạo đức, luân lý.

Trong lịch sử Giáo Hội có những người cho rằng Đức Giê-su trút bỏ toàn bộ các thuộc tính thần linh (divine attributes) của Người. Theo họ, với Biến Cố Nhập Thể và hành trình trần thế, Người ‘trút bỏ tất cả’ để trở nên giống con người trong mọi sự. Một số người khác cho rằng Đức Giê-su trút bỏ một số thuộc tính căn bản của Người và tự làm cho mình ‘nhỏ hơn Thiên Chúa’. Cũng có những chủ trương rằng khi nhập thể, Người trút bỏ tất cả nhưng dần dần, Người lấy lại tất cả. Đặc biệt, với cái chết trên thập giá, rồi sống lại và lên trời, Người ‘có lại’ những gì vốn dĩ thuộc về Người từ muôn thuở. Tuy nhiên, những quan điểm như vậy không có nền tảng Kinh Thánh và giáo lý vững chắc bởi vì Đức Giê-su vẫn luôn là Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta có thể hiểu rằng việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình không có nghĩa rằng Người trút bỏ tất cả các thuộc tính thần linh; Người cũng không làm cho các thuộc tính thần linh yếu đi; Người cũng không làm cho các thuộc tính thần linh phù hợp với hoàn cảnh trần thế. Trong thực tế, nhiều lúc Người đã ‘không thể hiện’, ‘che đậy’ hay ‘giấu đi’ các thuộc tính thần linh nơi Người. Nhiều trích đoạn Cựu Ước giúp chúng ta hiểu thêm điều này, chẳng hạn: “Con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20); “Lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15) hay: “Này có sang Đông, tôi sẽ chẳng thấy Người, đi sang Đoài, cũng không gặp được. Tôi lên Bắc để tìm Người, cũng không thấy, có xuống Nam, Người vẫn biệt tăm” (G 23,8-9).

Các thuộc tính thần linh luôn hiện diện đầy đủ nơi Người. Cụ thể là, nơi Người, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người hợp nhất với nhau trong ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa. Do đó, Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật trong Biến Cố Nhập Thể, trong khi loan báo Tin Mừng, trên thập giá, dưới nấm mồ, bởi vì ngôi vị duy nhất của Người là Ngôi Lời không bao giờ thay đổi. Theo ngôn ngữ của Công Đồng Can-xê-đô-ni-a (451 AD): “Trong cùng một Đức Ki-tô duy nhất, là Đức Chúa, là Chúa Con duy nhất, chúng ta phải tin nhận có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt. Sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn và hợp nhất trong cùng một ngôi vị duy nhất và một ngôi hiệp duy nhất” (GLGHCG 467). Tắt một lời, Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật kể từ khi mang lấy thân phận con người trong Biến Cố Nhập Thể. Đây là Tin Mừng lớn lao cho mọi người trong gia đình nhân loại bởi vì, nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người nên một với nhau nơi Người.

Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật khi sống lại và lên trời. Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và con người thật đang ngự bên hữu Thiên Chúa nơi Quê Hương vĩnh cửu. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với các môn đệ. Khi thấy Người, họ sợ hãi vì tưởng là ma. Người đã nói với họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,39-40). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24).

Sự trút bỏ của Đức Giê-su trong hành trình trần thế được xem xét dưới hai khía cạnh: (1) Về phía Thiên Chúa và (2) về phía loài người. Về phía Thiên Chúa, Đức Giê-su đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha và thực thi thánh ý Người. Về phía con người, Đức Giê-su trút bỏ để mang lấy tất cả những gì bị tổn thương, hoen ố vì tội lỗi của con người để thanh tẩy và biến đổi con người theo thánh ý Thiên Chúa(1 Pr 2,21-24). Quả thực, sự trút bỏ của Đức Giê-su giúp mọi người nhận thức chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đối với con người, kỳ diệu đến mức Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, trở thành con loài người, sinh bởi Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và chấp nhận cảnh bấp bênh, tương đối cũng như muôn hình thức đau khổ của kiếp người, nhất là cái chết.

Khi đề cập việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình, thánh Au-gút-ti-nô tự đặt câu hỏi ‘Người trút bỏ bằng cách nào?’ và ngài trả lời: “Bằng cách mang lấy cái Người đã không là, chứ không đánh mất cái Người đã là” [by taking that which He was not, not by losing that which He was] (Augustine, Sermons on the New Testament, Sermon 42). Cùng chung tư tưởng với thánh Au-gút-ti-nô, thánh Tô-ma A-qui-nô diễn giải: Ngài tiếp tục là cái Ngài đã là và nhận lấy [vào mình] cái Ngài đã không là. Nhưng điều này phải được hiểu theo sự nhận lấy [vào mình] cái Ngài không có, chứ không được hiểu theo sự nhận lấy [vào mình] cái Ngài có. Vì giống như Ngài ngự xuống từ trời, không có nghĩa là Ngài chấm dứt hiện hữu trên trời, nhưng có nghĩa là Ngài bắt đầu hiện hữu dưới đất theo cách thức mới, thì cũng vậy Ngài làm cho mình ra không, không phải bằng việc từ bỏ bản tính Thiên Chúa, nhưng bằng việc nhận lấy [vào mình] bản tính con người (Thomas Aquinas, Expositio et Lectura super Epistolam Pauli Apostoli ad Philippenses, Caput 2, Lectio 2, 57). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo trích lời của thánh Lê-ô Cả như sau: “Trước sau Người vẫn là Thiên Chúa nhưng Người đã nhận lấy thân phận thế nhân” (GLGHCG 469; Sermo in nat. Dom. 1,2; PL 54, 191-192). Còn bản phụng vụ theo thánh Gio-an Kim Khẩu công bố về Đức Giê-su: "Ngài vẫn là Thiên Chúa nhưng đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá, ôi lạy Đức Ki-tô Thiên Chúa, Ngài đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Ngài là một trong Ba Ngôi chí thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con" (GLGHCG 469). Nói cách khác, theo mặc khải Ki-tô Giáo, Đức Giê-su luôn là Thiên Chúa, là con người, là Thầy và là Bạn của mọi người trong gia đình nhân loại.

Những sai lầm hay lạc giáo trong lịch sử Giáo Hội về Ki-tô học chủ yếu đến từ việc dùng các ngôn từ như ‘chỉ có’ (only), ‘just’ (chỉ là) để nói về Đức Giê-su, nghĩa là quá nhấn mạnh chiều kích nào đó đến mức phủ nhận các chiều kích khác, chẳng hạn: ‘Đức Giê-su chỉ là Thiên Chúa hay Đức Giê-su chỉ là con người’. Chúng ta biết rằng không ai trong gia đình nhân loại có thể đào sâu hay hiểu thấu cặn kẽ một chiều kích nào đó liên quan đến sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế. Quả thực, ngôn ngữ cần được sử dụng để diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su trong chương trình trần thế phải là ngôn ngữ ‘cả hai’ (both), ‘và' (and), chẳng hạn: Đức Giê-su vừa thuộc thượng giới vừa thuộc hạ giới; Đức Giê-su vừa là Con Thiên Chúa vừa là con loài người; Đức Giê-su vừa quyền năng vừa phải chịu đau khổ; Đức Giê-su vừa vô tội vừa chịu đóng đinh; Đức Giê-su vừa thánh thiện vừa sống trong môi trường tội lỗi của gia đình nhân loại.

Con người thường dựa vào kinh nghiệm của mình cùng với ngôn ngữ, hình ảnh hay biểu tượng đã biết để tiếp cận và diễn giải các thực tại siêu nghiệm. Đức Giê-su trút bỏ chính mình vẫn luôn là mầu nhiệm lớn lao. Chỉ lý trí mà thôi, con người khó có thể tiếp cận căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người trong chương trình của Thiên Chúa. Do đó, điều cần thiết là chúng ta cần dựa vào Kinh Thánh, dựa vào chương trình mặc khải của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong nội dung đức tin của Giáo Hội để đến với Đức Giê-su, để gặp gỡ Người. Đồng thời, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nhận ra chương trình của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo. Có như vậy, cùng với lý trí lành mạnh và tâm hồn cởi mở, chúng ta mới có thể tiếp cận và đắm chìm trong tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su, Đấng trút bỏ chính mình để thông dự mọi chiều kích của đời sống con người hầu dẫn đưa con người về với Thiên Chúa.

 

IV. HOA TRÁI

Trên thập giá, trái tim Đức Giê-su đã bị đâm thủng, máu cùng nước chảy ra. Hình ảnh này giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su đã trút bỏ tất cả, trút bỏ những giọt máu cuối cùng vì con người và cho con người. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,12); “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Đồng thời, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái mời gọi mọi người: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben” (Dt 12,24). Tương tự như vậy nhưng trên bình diện lớn hơn, thánh Phao-lô khẳng định: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). Đức Giê-su trút bỏ chính mình đem lại hiệu quả lớn lao là con người được cứu độ, được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người được thông hiệp sự sống ân sủng của Thiên Chúa cách trọn vẹn. Bởi vì, Người là Ân Sủng Bất Thụ Tạo (Gratia Increata/ Uncreated Grace/ Grâce Incrée) của Thiên Chúa đã hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại. Đức Giê-su cũng là Nguồn ân sủng và là Đấng khơi nguồn ân sủng cho mọi người. Quả thực, ân sủng của Thiên Chúa hằng tuôn đổ trên con người cũng như muôn vật muôn loài, nhờ đó, tất cả được tồn tại. Tuy nhiên, qua sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa lòng trần thế, Thiên Chúa ban cho con người và muôn vật muôn loài ‘tất cả Ân Sủng’, chứ không chỉ là những ân sủng đặc thù nào đó. Như vậy, việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình để hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại là biến cố quan trọng nhất bởi vì, nhờ Người, con người được cứu độ và muôn vật muôn loài được biến đổi (Rm 8,19-21).

Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người mới có thể cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người mới có thể được giải thoát khỏi tội lỗi và được tham dự sự sống Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người mới có thể nhận ra những yếu đuối bất xứng của bản thân và sự cần thiết phải hướng về với Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người mới có thể ý thức đầy đủ hơn về Thiên Chúa, sống theo giáo huấn của Người và thực thi thánh ý Người. Nhờ Đức Giê-su trút bỏ chính mình, con người mới có được ‘la bàn’ phù hợp giữa biển đời lắm sóng gió và nhiều gian lao thử thách.

Việc học hỏi, suy niệm và chiêm ngắm Đức Giê-su trút bỏ chính mình giúp con người ý thức hơn về phẩm giá cao quý của bản thân trong thế giới thụ tạo. Cụ thể là con người cần quan tâm điều mình ‘là’ (being) hơn là điều mình ‘làm’ (doing), điều mình ‘trở thành’ (becoming) hơn là điều mình đang có (having). Quả thực, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, con người được nhìn nhận theo nghĩa tiến trình (processing) hay nghĩa ‘trở thành’ hơn là nghĩa ‘ổn định’, hay nghĩa ‘hoàn thành’. Bao lâu còn trên hành trình trần thế, bấy lâu con người cần phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc hoán cải và biến đổi hầu có thể kết hiệp với Người, với anh chị em và với muôn vật muôn loài cách mật thiết hơn. Con người chỉ đạt tình trạng sung mãn trong thời cánh chung, khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô (Ep 1,9-10).

Học hỏi, suy niệm và thực thi sự trút bỏ chính mình đem lại hoa trái dồi dào là giúp con người thiết lập và củng cố đức tin, đức cậy, đức mến cũng như các nhân đức khác trong đời sống mình. Quả thực, đức tin, đức cậy và đức mến của người Ki-tô hữu đặt nền tảng trên Biến Cố Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người. Ai thực thi sự trút bỏ chính mình theo giáo huấn của Đức Giê-su thì không những các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) được củng cố mà các nhân khác (chẳng hạn như nhân đức can đảm, tiết độ, công bằng, khôn ngoan) được vững mạnh, triển nở và mưu cầu lợi ích cho bản thân cũng như anh chị em đồng loại. Do đó, mọi người được mời gọi theo Đức Giê-su, Đấng trút bỏ chính mình, hầu có thể phục vụ anh chị em mình, phục vụ Giáo Hội cách chân thành và hữu hiệu hơn.

 

V. ĐỒNG HÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-SU

1. Đường trút bỏ chính mình

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn để hoàn tất chương trình trần thế, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy Là Đường” (Ga 14,6). Từ những trình bày trên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng Đường Đức Giê-su là Đường Trút Bỏ Chính Mình. Đây là Đường cho mọi người trong gia đình nhân loại hôm qua, hôm nay và luôn mãi. Việc chọn theo Đường Đức Giê-su có tính quyết định đến sự sống vĩnh cửu của con người vì theo lời của thánh Phê-rô trước Thượng Hội Đồng Do-thái tại Giê-ru-sa-lem (với sự hiện diện của các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục, các kinh sư, thượng tế Kha-nan và nhiều người khác): “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12).

Đường Trút Bỏ Chính Mình giúp con người nhận diện và phân biệt rõ hơn tình yêu Thiên Chúa với các hình thức tình yêu khác trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su hằng yêu Thiên Chúa bằng tình yêu vĩnh cửu ngay trong hành trình trần thế của Người. Đồng thời, Người cũng yêu Thiên Chúa trong tư cách là con người hoàn thiện nhất. Tình yêu của Người trở thành tiêu chuẩn, mô mẫu hay kim chỉ nam cho con người trong việc đến với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài. Quả thực, sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thế giới thụ tạo được thể hiện nơi Đường Trút Bỏ Chính Mình của Đức Giê-su. Đây là mặc khải cao cả mà con người cần đón nhận, suy niệm, học hỏi và thực hành hơn là ‘đặt vấn đề’ theo thiển ý hay khả năng tri thức hạn hẹp của mình. Bởi vì, đây là cách thức của Thiên Chúa chứ không phải là cách thức của con người. Về căn bản, con người nhận ra chương trình của Thiên Chúa là nhờ Người mặc khải chứ không chỉ đơn thuần nhờ khả năng vốn có của mình.

Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta nhận thức rằng những người đóng góp cho gia đình nhân loại nhiều nhất lại là những người trút bỏ chính mình nhiều nhất. Trong đời sống, ai cũng muốn mọi sự được diễn ra êm đềm bao nhiêu có thể nhưng thực tế cho chúng ta biết rằng không thành công lớn lao nào lại ‘vắng bóng thập giá’. Thập giá luôn gắn liền với những ai gắn bó với Đức Giê-su và chọn người làm gia nghiệp đời mình. Với sự trút bỏ chính mình, Đức Giê-su luôn đồng hình đồng dạng và tận tâm liên đới với những người nghèo khó, bị tổn thương, bị áp bức cũng như nhiều hạng người khác mà xã hội khinh thường hay coi nhẹ. Dưới nhãn quan trần thế, sự trút bỏ chính mình xem ra nghịch với bản năng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, trút bỏ chính mình luôn là hành trình của các Ki-tô hữu giữa lòng thế giới bởi vì đây là hành trình Đức Giê-su đã thể hiện và để lại cho hậu thế.

Kinh nghiệm của thánh Phao-lô cho chúng ta biết rằng ai gặp gỡ Đức Giê-su đích thực thì người đó cũng thay đổi đường lối của mình. Chúng ta biết rằng thánh Phao-lô từng là người tìm bắt các Ki-tô hữu, bắt những ai thiết lập tương quan với Đức Giê-su. Tuy nhiên, trên đường đến Đa-mát, ngài đã diện kiến Đức Giê-su phục sinh và cuộc đời ngài hoàn toàn thay đổi: Năng lực bắt bớ nơi ngài trở thành năng lực loan báo Đức Giê-su và Đường Trút Bỏ của Người. Chính Đức Giê-su phục sinh đã chiếu nhan thánh rạng ngời của Người trên con người đầy nhiệt huyết trong sai lầm này. Ngài đã quỵ ngã và chỗi dậy. Từ đó, ngài không còn theo đường bắt bớ các Ki-tô hữu để được những người có vị thế cao trong xã hội Do-thái tán tụng và nhiều người khác ca ngợi tán dương nhưng theo Đường Trút Bỏ Chính Mình của Đức Giê-su, Đường dẫn tới sự thật và sự sống đời đời. Hơn ai hết, thánh nhân trở thành người loan báo Đức Giê-su là Đường Trút Bỏ Chính Mình cách hữu hiệu nhất và đã hy sinh mạng sống mình vì Người. Như vậy, thánh nhân đã ‘trút bỏ chính mình’ theo cách của Đức Giê-su, nghĩa là trút bỏ chính mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết để mưu cầu vinh phúc vĩnh cửu cho anh chị em đồng loại.

Các thánh trong dòng lịch sử Giáo Hội có thể phân biệt nhau về nhiều phương diện, chẳng hạn như tuổi tác, môi trường văn hóa xã hội, chủng tộc, quốc gia. Tuy nhiên, đặc điểm chung nhất của các ngài là đời sống trút bỏ. Quả thực, không có vị thánh nào trong dòng lịch sử Giáo Hội lại vắng bóng tinh thần trút bỏ. Nói cách khác, ‘đời sống trút bỏ’ chính là điều khác biệt giữa thánh nhân và các tầng lớp người khác trong xã hội. Các ngài đã sống tinh thần nghèo khó, hạ mình, vâng phục. Các ngài đã trút bỏ chính mình để dành chỗ cần thiết cho sự hiện diện và hoạt động của ân sủng Thiên Chúa. Các ngài đã tự biến mình thành khí cụ thuận tay của Thiên Chúa hầu góp phần làm cho ‘Nước Người hiển trị và ý Người thể hiện dưới đất cũng như trên trời’. Các ngài nhận ra sự cần thiết để ‘trút bỏ chính mình’ hầu có thể gắn bó với Đức Giê-su, hiệp nhất nên một với Người, nhờ đó, hiệp nhất nên một với Thiên Chúa.

Trong Kinh Hòa Bình (Domine, fac me instrumentum pacis tua/ Lord, make me an instrument of Your peace/ Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành khí cụ bình an của Chúa) của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di có đoạn: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chúng ta biết rằng ‘hy sinh’, ‘quên mình’, ‘hiến thân’, ‘tha thứ’, ‘chết đi’ đều là những động từ đồng nghĩa hay gần nghĩa với động từ ‘trút bỏ’ (κενόω/ kenóō). Khi con người trút bỏ là khi con người nhận được bình an mà thế gian không thể ban tặng (Ep 2,14). Chính Đức Giê-su đã nói rõ điều này với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Như vậy, hiệu quả của hiến thân, quên mình, tha thứ hay chết đi theo nhãn quan Ki-tô Giáo phân biệt với nhãn quan của nhiều tôn giáo, truyền thống, văn hóa, xã hội trong gia đình nhân loại.

2. Theo đường trút bỏ chính mình

Ai đi Đường Trút Bỏ Chính Mình của Đức Giê-su thì được mời gọi không ngừng cộng tác với ơn Thiên Chúa để luôn trở về, hoán cải, biến đổi bản thân và biết gỡ mình khỏi các hình thức ích kỷ để hướng về người khác, nhất là những người khó nghèo, yếu đuối hay bị bỏ rơi bên lề xã hội. Để có thể trút bỏ chính mình, các Ki-tô hữu được mời gọi sống tinh thần khiêm tốn, tinh thần ‘chết đi cho bản thân mình và sống cho Thiên Chúa’. Trút bỏ chính mình phải là ‘thì’ ưu tiên trong ‘các thì’ của đời sống người Ki-tô hữu. Như Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình và được Thiên Chúa siêu tôn, các Ki-tô hữu cũng được mời gọi sống đời trút bỏ chính mình để được thông hiệp sự sống Thiên Chúa. Cách thức Đức Giê-su trút bỏ chính mình, cách Đức Giê-su tự hạ cũng là cách thức của những ai nhận Người là Thầy và là Bạn của mình trong hành trình trần thế.

Một trong những quy chuẩn tất yếu của mặc khải Ki-tô Giáo đối với con người là: Để có thể lớn lên, con người cần phải trút bỏ. Nói cách khác, lớn lên và trút bỏ là hai ‘thì’ trong cùng một thực thể có tên là ‘con người’. Các Ki-tô hữu được mời gọi quan tâm cách đặc biệt ‘linh đạo trút bỏ chính mình’. Linh đạo đó được Đức Giê-su đề cập đầu tiên trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đời sống của các Ki-tô hữu luôn là đời sống chú tâm nhiều hơn đến sự cần thiết phải trút bỏ chính mình theo gương Đức Giê-su. Khi con người quan tâm đến đời sống tâm linh về sự trút bỏ chính mình cũng là khi con người có thể tiếp cận tình yêu Thiên Chúa cách dễ dàng hơn và ‘mang lấy’ nhiều hơn. Nhờ đó, con người có thể biết cách ‘mang lấy’ thánh ý Thiên Chúa và yêu anh chị em mình cách đúng đắn, phù hợp hơn theo thánh ý Người.

Trong Bài Giảng Trên Núi, khi triển khai Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Mt 6,21). Qua mọi thời, đặc biệt, trong thế giới hôm nay, xem ra con người quan tâm đến ‘cơm áo gạo tiền’, quan tâm đến của cải vật chất nhiều hơn. Chúng ta có thể nói rằng các hình thức khủng hoảng trong gia đình nhân loại từ A-đam và E-và, từ khi con người xuất hiện cho đến hôm nay có nguyên nhân chính là do con người quá tham lam (greed). Có những người cho rằng, với của cải vật chất hay tiền bạc dồi dào, con người có thể giải quyết được mọi chuyện. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử cho thấy điều này không đúng khi con người chỉ quan tâm đến ‘việc sở hữu’ mà không quan tâm đến ‘sự trút bỏ’. Quả thực, con người cần của cải vật chất để sinh tồn nhưng khi con người coi vật chất là ‘cứu cánh’ của đời mình, con người trở thành ‘nô lệ vật chất’ cũng là khi các hình thức khủng hoảng xuất hiện trong đời sống cá nhân, gia đình cũng như xã hội. Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy tích trữ ‘của cải không hư nát’, của cải mà mối mọt không thể tiếp xúc và phường trộm cắp không thể đụng tới (Mt 6,19-21). Đó là của cải phát xuất từ việc sống theo những giá trị của Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng, sống và mời gọi mọi người thực hiện.

Đức Giê-su không còn hiện diện ‘bằng xương bằng thịt’ giữa gia đình nhân loại nhưng tính lịch sử của Biến Cố Đức Giê-su vẫn còn hiện diện giữa gia đình nhân loại nhờ Giáo Hội. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Giáo Hội là Thân Thể Đức Ki-tô” (LG 7); “Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình” (LG 8). Giáo Hội được mời gọi trút bỏ chính mình để phục vụ các dân tộc trên địa cầu, đó là huấn lệnh của Đức Giê-su khi thiết lập Giáo Hội. Là bí tích của Đức Giê-su, Giáo Hội tiếp tục công việc của Người giữa lòng thế giới. Nhờ Giáo Hội, với Giáo Hội và qua Giáo Hội, hành trình trút bỏ của Đức Giê-su giữa lòng thế giới được thể hiện và đi vào hoạt động. Đặc biệt, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình biết đón nhận, học hỏi, suy niệm và thực hành theo cách Đức Giê-su trút bỏ chính mình hầu có thể làm cho Người hiện diện trong mọi hoàn cảnh của gia đình nhân loại.

Trút bỏ chính mình và phục vụ anh chị em đi đôi với nhau. Điều này có nghĩa rằng ai không thực tâm trút bỏ chính mình thì cũng không thể phục vụ anh chị em mình cách chân thành. Ai không phục vụ anh chị em mình cách chân thành thì không thể trở thành tôi tớ và môn đệ của Đức Giê-su được. Công Đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người” (LG 42). Trút bỏ chính mình là cách thức giúp con người vượt qua những cám dỗ về sở hữu, bằng không, những cám dỗ đó sẽ cản trở con người trong việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Phi-líp-phê: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5). Tâm tình gì vậy? Thưa, tâm tình trút bỏ, tâm tình khiêm tốn, tâm tình hy sinh, tâm tình thông hiệp, tâm tình nối kết giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Để có được ‘những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su’, các Ki-tô hữu được mời gọi đồng hình đồng dạng với Người trong sự trút bỏ chính mình hầu có thể trở nên khí cụ của Người giữa lòng thế giới. Công Đồng Vatican II nhìn nhận rằng trong lòng Giáo Hội luôn có nhiều người dõi theo Đường Đức Giê-su, Đường Trút Bỏ Chính Mình, bởi vì: “Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: Hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn” (LG 42).

Trút bỏ chính mình không phải là giả thuyết, cũng chẳng phải là điều Thiên Chúa đề nghị con người thực hiện. Như đề cập ở trên, trút bỏ chính mình được Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người loan báo và minh chứng bằng đời sống của Người. Đức Giê-su trút bỏ chính mình để thông dự vào môi trường thế giới thụ tạo. Người trút bỏ chính mình để con người được nâng lên khỏi nanh vuốt của sự dữ cũng như vực thẳm tội lỗi, đau khổ và sự chết. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi luôn hướng về Đức Giê-su và thực thi việc trút bỏ theo giáo huấn của Người. Quả thực, ai có kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giê-su thì biết sống đời trút bỏ theo thánh ý Người, đồng thời, trở nên sứ giả của Người cho anh chị em mình.

Sau khi trình bày về ‘sự trút bỏ của Đức Giê-su’, thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu ở Phi-líp-phê: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Sứ mệnh của Đức Giê-su được nối dài bởi các môn đệ Người đã được tiên báo trong Cựu Ước. Chẳng hạn, trong Bài Ca người Tôi Trung (bài thứ hai) có đoạn: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo quả quyết: “Sứ mạng của Đức Ki-tô và của Thánh Thần được thể hiện trong Hội Thánh là Thân Thể Đức Ki-tô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ mạng phối hợp này từ nay liên kết các tín hữu của Đức Ki-tô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Thánh Thần” (GLGHCG 737). Là thành phần của Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Ki-tô, các Ki-tô hữu luôn được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa và với nhau để loan báo Đức Giê-su, Đường Trút Bỏ Chính Mình, cho anh chị em đồng loại trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

 

Kết luận

Chúng ta có thể kết luận rằng, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã trút bỏ chính mình, để đồng hành với mọi người trong gia đình nhân loại. Nhờ Người, mọi người trong gia đình nhân loại được ơn tha tội và hòa giải với Thiên Chúa. Việc Đức Giê-su trút bỏ chính mình cho chúng ta nhận thức rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật lớn lao, huyền diệu. Bởi vì, để con người được thông hiệp với Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đến thế gian trong thân phận người phàm: Người là Thiên Chúa toàn năng lại sống trong cảnh yếu hèn; Người là Thiên Chúa toàn thiện lại cư ngụ trong môi trường tội lỗi; Người là Thiên Chúa toàn mỹ lại tham dự môi trường vương vấn bợn nhơ của gia đình nhân loại.

Trong khi vẫn là Thiên Chúa thật với đầy đủ các thuộc tính thần linh, Đức Giê-su đã mang lấy thân phận con người và thông dự sự sống con người, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Người mang lấy bản tính nhân loại và nối kết bản tính nhân loại với bản tính Thiên Chúa trong ngôi vị duy nhất của Người là Ngôi Hai Thiên Chúa. Người sống giữa gia đình nhân loại nhưng Người vẫn luôn thuộc về Gia Đình Thiên Chúa. Khi mang lấy bản tính nhân loại cũng là khi Người trút bỏ chính mình để hiện diện dưới hình thức mới hầu giúp mọi người đi vào mối thông hiệp với Thiên Chúa. Trong hành trình trần thế, Người đồng lao cộng khổ với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khó, bệnh tật, bị quỷ ám cũng như muôn hình thức đau khổ khác. Hành trình trút bỏ chính mình của Người đạt đỉnh điểm trong Biến Cố Vượt Qua. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh và lên trời vinh hiển để khôi phục phẩm giá con người và làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa.

Đức Giê-su trút bỏ chính mình và hiện diện trong không gian và thời gian cụ thể nhưng hiệu quả của chương trình Người thực hiện lan rộng đến mọi người cũng như muôn vật muôn loài từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Mọi người được mời gọi đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su, sống theo giáo huấn của Người và minh chứng cho giáo huấn của Người bằng chính đời sống mình. Đường của Người giữa thế gian là Đường Trút Bỏ Chính Mình. Ai theo Đường của Người thì luôn được Người phù trì nâng đỡ. Xưa kia, thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu ở Phi-líp-phê. “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5). Ước gì lời nhắc nhở của ngài luôn vang vọng trong tâm trí chúng ta để chúng ta luôn có ‘tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su’, tâm tình trút bỏ chính mình hầu có thể nên một với Người, với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với nhau và với muôn vật muôn loài trong hành trình trần thế cũng như trong Quê Hương vĩnh cửu.

Nguồn: https://tgpsaigon.net/