Giáo Hội nói gì về ngừa thai?

Giáo Hội nói gì về ngừa thai?

Lm Bùi Đức Tiến

Cách nay không lâu, tôi được yêu cầu chia sẻ, nói chuyện với một hội đoàn về đề tài “ngừa thai và phá thai” trong quan niệm của Giáo Hội Công Giáo.

Ngay từ trước khi nói chuyện, tôi đã phỏng đoán rằng đa số những hội viên cũng đã biết cách khá rõ ràng về quan niệm của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực này. Việc chia sẻ hay nói chuyện chỉ để xác định lại một lần nữa cái kiến thức đã có của họ, hoặc may chăng họ có thể học hỏi, hiểu biết thêm về một vài điều mới mẻ mới được đề cập đến, qua thẩm quyền của Giáo Hội trong thời gian gần đây liên quan đến vấn đề.

Thời giờ cho buổi nói chuyện không được nhiều thành ra tôi cũng chỉ nhắc lại một vài nguyên tắc ngắn gọn trong quan niệm của Giáo Hội. Đó là “phá thai” được Giáo Hội liệt kê vào loại việc làm, chống lại điều răn thứ năm của Chúa, nên không cần phải đề cập bàn luận tới. Còn về việc “ngừa thai”, tôi cũng chỉ nhắc lại một cách vắn tắt, đó là Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận cho tín hữu áp dụng những phương pháp ngừa thai trái với tự nhiên.

Trong phần chia sẻ, cũng có vài anh chị em trình bày những ý kiến của mình, cũng có người đồng ý một cách tình nguyện vui vẻ, cũng có những người cảm nhận được những khó khăn khi phải đối đầu với vấn đề, nhất là những anh chị em còn trẻ tuổi đang sống trong những chục năm đầu của đời sống hôn nhân.

Sau buổi nói chuyện, mọi người ra về vui vẻ. Nhưng trong tâm tư, tôi vẫn ái ngại vì chưa nói hết được những gì muốn nói, và nhất là chưa trình bày được một cách cụ thể “Giáo Hội Công Giáo nói gì về Ngừa thai?”

Với những ái ngại này, tôi xin trình bày những điểm chính liên hệ đến vấn đề qua các mục sau:

1. Quan niệm của Giáo hội về hôn nhân.
2. Quan niệm của Giáo Hội về việc sinh sản con cái và “ngừa thai”.
3. Có văn bản nào chính thức của Giáo Hội về ngừa thai không?

1. Quan niệm của Giáo hội về hôn nhân

Trong “Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Gaudium et Spes – Vui Mừng và Hy Vọng”, Giáo Hội nhận thấy cần phải tìm hiểu nhiều hơn về xã hội loài người để tới gần nó hơn, tôn trọng nó một cách chính đáng để hòa nhập vào nó, phục vụ nó và trao cho nó sứ điệp Phúc Âm.

Sau khi tìm hiểu cặn kẽ về xã hội, Giáo hội nhìn thấy một số vấn đề khẩn thiết Giáo hội cần phải bày tỏ quan điểm đúng đắn và thích hợp. Một trong những vấn đề khẩn thiết nhất là vấn đề hôn nhân và những sinh hoạt gia đình.

Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại nói chung và Giáo hội nói riêng liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của hôn nhân và gia đình. Giáo hội muốn góp phần bảo vệ hôn nhân và gia đình, vì ở nhiều nơi hôn nhân đã và đang bị tội lỗi làm hoen ố. Tục đa thê ngược lại với tính cách hợp nhất của hôn nhân; Li dị, trái ngược với tính cách bất khả phân ly; tự do luyến ái; hôn nhân thử nghiệm; hôn nhân ép buộc, và do lòng ích kỷ của con người, khoái lạc chủ nghĩa do những tội lỗi liên quan tới việc sinh sản có thể làm mất ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân.

Giáo hội dạy rằng Đấng Tạo hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân trong hôn nhân là một ưng thuận không thể rút lại (số 48). Đối tượng của sự ưng thuận ấy chính là con người, hai con người tự hiến cho nhau và đón nhận nhau (Giáo luật điều 1081,2 – Thông điệp Casti Connubii) . Hai người sẽ trở nên một (Mt 16,6) về mọi phương diện, sinh lý, tâm lý, xã hội và đạo đức.

Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh của đời sống hôn nhân. Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và được thánh hiến bằng một Bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá thuộc bậc sống của họ.

Giáo hội đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn của họ bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ đời sống lứa đôi bằng một tình yêu không chia sẻ. Sách Sáng Thế ký trình thuật lại việc Chúa tạo dựng con người (Stk 1,1 – 2,4) và việc phối hợp nên một – nên một không phải chỉ về thân xác, nhưng nên một trong con người toàn diện – Tình dục trong đời sống gia đình không phải là kết quả của tội tổ tông. Tội tổ tông chỉ gây nên sự rối loạn của một thứ tình dục không còn phục tùng lý trí (Stk 3, 7-16)

Tình dục trong đời sống hôn nhân được biểu lộ cách hoàn hảo qua các động tác riêng của hôn nhân. Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Được thi hành hợp với nhân tính, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong niềm hoan lạc và biết ơn. Tất cả những cử chỉ âu yếm thân xác, đến chính việc phối hợp mật thiết đều là phương pháp riêng biệt để biểu lộ, thể hiện và cổ võ tình yêu hôn nhân. Những hành động này không có gì là bất xứng. Hôn nhân thường đòi hỏi những những hành động ấy, cốt như phương pháp để thể hiện ơn gọi của Chúa trong đời sống hôn nhân. (số 49)

Qua Thông điệp về Sự Sống Con Người (Human Vitae), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI diễn tả tình yêu vợ chồng như sau: (1) bắt nguồn từ Thiên Chúa, (2) tốt đẹp qua cách sống tự hiến và bổ túc cho nhau, (3) tượng trưng cho việc phối hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, (4) tình yêu nhân bản, vì nó bao gồm vừa cảm giác vừa thiêng liêng. Tình dục phát sinh từ ý chí tự do chứ không chỉ do tình cảm tự nhiên và bản năng, (5) trọn vẹn trong mọi chia sẻ, mưu ích cho bạn mình hơn là cho chính bản thân, (6) chung thủy và duy nhất đến hết đời, (7) kết quả của tình yêu là việc sinh sản và giáo dục con cái. (số 8, 9)

2. Quan niệm của Giáo Hội về việc sinh sản con cái và “ngừa thai”

Hôn nhân là để ai vợ chồng yêu nhau, hiệp nhất với nhau, bổ túc cho nhau, hay là để sinh sản con cái?

Trước Công đồng Vaticano II, giáo lý Công giáo trả lời rằng mục đích thứ nhất của hôn nhân là để sinh sản con cái, còn việc chung đụng thân xác vợ chồng để “xoa dịu tình dục” là vấn đề phụ thuộc. Dĩ nhiên, giáo lý công giáo đã không coi thường tình yêu thể lý vợ chồng, bởi vì hai mục đích ấy đều phải được thực hành trong trong bầu không khí yêu thương. Nói một cách khác, hôn nhân là để hai người yêu nhau, tự hiến cho nhau, nhờ đó họ sinh sản con cái, vì chính tình yêu vợ chồng cũng như hôn nhân đều hướng về sự sinh sản.

Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc gia đình. Chính Thiên Chúa muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công cuộc tạo dựng của Ngài. Ngài đã chúc lành cho người nữ rồi nói, “Các ngươi hãy tăng gia sinh sản” (Stk 1,28). Qua đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình Ngài càng ngày càng bành trướng và phong phú hơn.

Bổn phận truyền sinh và giáo dục con cái, do đó, phải được coi là sứ mệnh riêng biệt của đôi vợ chồng. Giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái không có mâu thuẫn gì cả, trái lại, nếu loại bỏ một trong hai, sẽ không thể hiểu điều kia được. Có mâu thuẫn chăng là khi bảo rằng tự hiến mình cho nhau, nhưng cùng một lúc cố ý loại trừ khả năng cao quí nhất của mình là khả năng làm cha làm mẹ, thì sự tự hiến đó có phải là một tự hiến trọn vẹn không?
Trong vai trò làm cha mẹ, hai người sẽ chu toàn bổn phận mình với trách nhiệm của con người và của Kitô hữu. Làm cha mẹ chưa đủ, phải làm cha mẹ có trách nhiệm. Theo nguyên tắc này, vợ chồng nên sinh hạ bao nhiêu con cái? Trước đây có những tín hữu “đạo đức” trả lời, “Chúa muốn bao nhiêu, chúng con sẽ sinh bấy nhiêu”. Thật ra câu này không hợp với giáo lý hiện thời của Giáo hội, hai người cứ việc “thỏa mãn tính dục“ trước đã, rồi sự việc ra sao cũng được, bao nhiêu con cũng được! Như vậy chưa phải là những cha mẹ có trách nhiệm. 
Giáo hội qua Công đồng Vaticanô II ngợi khen những gia đình sẵn sàng có đông con cái, nhưng đồng thời dạy rằng, họ phải quyết định số con cái có thể có theo những nguyên tắc sau: (1) ích lợi về mọi phương diện của hai vợ chồng (thí dụ người mẹ có đủ sức khỏe không?), (2) ích lợi của con cái (thí dụ gia đình có đủ phương tiện để nuôi nấng giáo dục chúng không?), (3) Tùy theo hoàn cảnh thời gian, hoàn cảnh vật chất và tinh thần, (4) tùy theo lợi ích của đại gia đình, của xã hội và của Giáo hội.

Chính vợ chồng phải quyết định số con cái sẽ có. Quyết định này không phải chỉ do người chồng hay chỉ do người vợ hay chỉ do ông bà trong gia tộc. Họ sẽ phải quyết định theo lương tâm của họ, một lương tâm cố gắng hiểu luật Chúa như Giáo hội trình bày.
Nói về những phương pháp cụ thể khi vợ chồng hạn chế sinh sản (hay có thể gọi là kế hoạch hóa gia đình) là nói đến các phương pháp ngừa thai. Việc không “gần gũi” nhau hay chỉ “gần gũi nhau” theo chu kỳ của người vợ có thể làm hại cho tình yêu vợ chồng, và do đó, cũng làm hại cho đời sống hôn nhân và ảnh hưởng cả đến con cái nữa.

Vậy khi cần hạn chế số con, phải áp dụng phương pháp nào? Giáo Hội qua Công đồng chỉ trả lời một cách đại cương mà thôi: phải loại trừ các phương pháp xấu xa, như giết người (phá thai), rồi Công đồng hướng dẫn những nguyên tắc phải áp dụng trong việc chọn lựa phương pháp.

Phương pháp áp dụng để ngừa thai bao giờ cũng phải (1) tôn trọng giá trị của sứ mệnh lưu truyền sự sống và tôn trọng phẩm giá con người, (2) không thể trái luật Chúa về việc lưu truyền mạng sống (3) vợ chồng phải có ý ngay lành, nhưng chưa đủ, (4) chính nguyên tắc xử dụng phải xứng hợp với các qui tắc khách quan về luân lý, dựa trên bản tính con người và tác động của con người, (6) những phương pháp không được xâm phạm ý nghĩa tình yêu hôn nhân là tự hiến cho nhau, (7) bởi đó, khiết tịnh hôn nhân là cần thiết, và lòng trung thành với Giáo huấn của Giáo hội.

3. Có văn bản nào chính thức của Giáo Hội về ngừa thai không? 

Ngày 25 tháng 7 năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI – nhận sứ mệnh Chúa trao phó – đã ban hành Thông Điệp Human Vitae (Sự sống Con người), công bố câu trả lời về vấn đề các phương pháp cụ thể: “Cấm bất cứ hành động nào nhằm ngăn chăn sự sinh sản, dù như một mục đích hay chỉ như phương tiện, dù có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay là khi việc vợ chồng đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó, vì mỗi khi vợ chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngỏ để có thể lưu truyền sự sống” (số 14 – số 11)

Các đôi vợ chồng (được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa) hãy kết hợp trong tinh thần tương thân tương ái, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau, để trong khi theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sống lại của Người.

Lm Bùi Đức Tiến

Nguồn: http://daichungvienvinhthanh.com