KHÔN NGOAN LÀ GÌ ?

Trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta gặp những người rất lanh lợi. Họ thông minh, nhanh nhạy, và dường như hiểu biết đủ mọi thứ. Hầu như trong bất kỳ vấn đề gì họ cũng có thể lên tiếng góp ý. Nhưng khi nhìn cách sống của họ, những quyết định họ đưa ra,… chúng ta lại có cảm tưởng họ không khôn ngoan, sáng suốt cho lắm. Vậy chúng ta phải hiểu khôn ngoan như thế nào cho đúng.

Khôn ngoan ta nghe thường xuyên trong cuộc sống dưới nhiều hình thức. Có thể qua giao tiếp, qua văn bản chữ viết, qua báo chí…thậm chí nhiều lần hai từ khôn ngoan xuất hiện trên môi miệng ta khi ta khen một ai đó có quyết định khôn ngoan, khen ai đó là người sống khôn ngoan,....Thế nhưng, khi được người khác hỏi khôn ngoan là gì thì ta lại rơi vào một trạng thái lúng túng, một sự bế tắc. Chắc hẳn sẽ có nhiều người hiểu khôn ngoan theo những lối suy nghĩ khác nhau, mang tính chủ quan hơn là khách quan.

Có người hiểu khôn ngoan là sự thông minh, người khác hiểu khôn ngoan là sự hiểu biết, người khác nữa lại hiểu khôn ngoan là những kỹ năng, những tài khéo của con người…Nhưng nếu ta cho thông minh là khôn ngoan thì hễ ai có chỉ số IQ cao là khôn ngoan sao? Hay những người hiểu biết về một lãnh vực nào đó cũng gọi là khôn ngoan sao? Hay thậm chí những người có khả năng đá bóng, xây nhà cũng là khôn ngoan sao? Vì thế, thông minh, hiểu biết hay thành thục một kỹ năng thì khác xa với khôn ngoan.

Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, khôn ngoan có nghĩa là thật khôn, biết phân biệt lợi hại, như ca dao nước ta có câu "Khôn ngoan giữa đám ba bề, đừng cho ai lận, chớ hề lận ai." Khôn ngoan là khả năng nhận biết điều gì đúng, điều gì sai, điều hay, điều dở, điều gì tạm thời, và điều gì bền vững lâu dài. Khôn Ngoan cũng là khả năng phán đoán đúng, làm theo điều chỉ dẫn tốt nhất được dựa trên kiến thức và sự hiểu biết, là năng lực để thấy, hướng về mục tiêu tốt nhất, cao nhất để chọn, tổng hợp tất cả những gì chắc chắn nhất để đạt được. Người khôn là người biết tận dụng kiến thức tốt nhất, kinh nghiệm thực tiễn nhất và sự hiểu biết hữu dụng nhất.

Thales nổi tiếng là người khôn ngoan. Sự khôn ngoan của ông không phải một thứ khôn ngoan chung chung hay sự tinh ranh thực tế của ông, và càng không phải vì ông truy tìm được nguyên lý đầu tiên của mọi vật chất, nhưng khôn ngoan của ông đến từ những câu hỏi mà ông đã đặt ra, sự tìm tòi cái mới của ông xoay quanh bản chất của sự vật. Cũng như Thales, Socrates ý thức về những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, một điều gì đó vượt lên trên hay đằng sau những dữ kiện hằng ngày như tiền tài, danh vọng, thành công…

Vậy người khôn ngoan là người biết suy tư về những giá trị đằng sau những thực tại cụ thể có thể cảm giác. Mặc dầu việc tìm kiếm có thể không đạt được hay kết quả không thật chính xác, nhưng mỗi khi họ biết suy tư, đặt câu hỏi cho từng vấn đề sẽ giúp họ tìm tòi, năng động sáng tạo trong cuộc sống…những người như thế được gọi là người khôn ngoan. Người khôn ngoan là người biết suy tư; biết dừng lại trước cuộc sống xô bồ của những chi phối bởi vật chất để nhìn vào nội tâm, nhìn vào chính cuộc sống mình; là người biết cách thoát khỏi những trói buộc của những ảo tưởng và hướng đến những gì mang lại giá trị, ý nghĩa cuộc sống.

Hơn nữa, người khôn ngoan còn được hiểu là người nhạy cảm với chính cuộc sống của mình, với mục đích cuối cùng của con người. Khởi đầu cho đạo đức học của mình, Aristote đã đưa ra một nhận định rằng: Mọi hoạt động của sự vật, hiện tượng và cả con người đều hướng về một mục đích. Nhưng sự khác biệt giữa người không khôn ngoan và người khôn ngoan ở chỗ, người không khôn ngoan hướng tới những mục đích tầm thường, vụn vặt hay thiếu giá trị đích thực.

Một bé trai muốn trở bác sĩ khi lớn lên, một bé gái muốn trở thành một giáo viên, một công nhân muốn trở thành người thợ rành nghề, hay một bác nông dân muốn trở thành người nông dân giỏi là những mục đích hết sức thiết thực và chính đáng vì nó tạo động lực, ý nghĩa cho con người trong cuộc sống. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những mục đích trên thì không thể gọi họ là những người khôn ngoan.

Người khôn ngoan là người biết dùng những mục đích trên để làm công cụ, để làm phương tiện đạt tới mục đích cao trọng hơn và giá trị hơn rất nhiều. Với Aristote mục đích cuối cùng đó là hạnh phúc, sự bình an, sự thiện, là điều tốt nhất; thứ mục đích cuối cùng mà mọi mục đích khác đều hướng về nó, là mục đích có ý nghĩa đích thực cho đời sống con người. Nhưng làm sao đạt được mục đích cuối cùng mà mỗi người mong muốn.

Trước hết phải có sự hiểu biết về căn nguyên thực tại, nguyên lý đầu tiên của sự vật. Vì không thể thực hiện được điều gì nếu không nắm bắt và hiểu được bản chất của những thực tại mà ta tìm hiểu. Sau đó phải biết dùng sự phán đoán của mình để phân biệt điều tốt - xấu, đúng - sai để chọn lựa. Người khôn ngoan là người biết chọn cái trung dung giữa hai thái cực thái quá và bất cập. Trung dung giữa sự nhút nhát và liều lĩnh chính là sự can đảm, can đảm chính là một đức tính tốt và cần thiết cho con người.

Người khôn ngoan là người biết làm cách nào để hưởng tới hạnh phúc; họ tránh được những ảo tưởng về mình, về những điều mình đang cố gắng gắn bó, tìm kiếm: danh vọng, tiền tài, thú vui giải trí…đều là những cái không thực, những điều không mang lại hạnh phúc đích thực cho cuộc sống. Người khôn ngoan là người biết chọn, biết liên hệ với những điều thực sự quan trọng, họ biết sử dụng lý trí và ý chí để phân biệt và chọn lựa cách đúng đắn nhất, tốt nhất cho con người.  Người khôn ngoan là người ý thức về mục đích sau cùng của đời sống mình và có một định hướng kỉ luật và can đảm để hướng tới mục đích đó.

Mục đích cuối cùng mà người khôn ngoan nhắm tới có giá trị trường tồn, vĩnh cửu chứ không nhắm tới những giá trị vụn vặt, chóng qua. Hạnh phúc không giống như những thực tại vật chất có thể đạt được bằng chính những năng lực, khả năng của mình. Ta không phủ nhận những cố gắng của bản thân sẽ dẫn ta tới hạnh phúc ta mong muốn, nhưng không vì thế mà ta quy mục đích đó phát xuất từ con người, mà nó chỉ được phát xuất từ Thiên Chúa, chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm được sự bình an, hạnh phúc, ý nghĩa đích thực của đời sống con người. Vì thế, người khôn ngoan là người biết gắn bó đời sống mình, đặt mình vào trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Những ai biết liên kết đời sống mình với Thiên Chúa, với Đấng phát sinh ra mọi sự mới được gọi là người khôn ngoan. Vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới khám phá ra mục đích cuối cùng và đích thực cho cuộc đời con người. Với mỗi người Ki-tô hữu, chỉ có Thiên Chúa mới trường tồn vĩnh cửu, là mục đích duy nhất để ta nhắm tới mà thôi.

Ta thấy người khôn ngoan là người không nhằm mục đích thực tế, mục đích giúp họ cư xử thận trọng và khôn khéo để thành công trên đời, nhưng họ là những người hội tụ nhiều yếu tố. Trước hết họ biết thoát khỏi những trói buộc, những lôi cuốn của thế giới thực tại, họ tránh được những ảo tưởng về bản thân, nhìn nhận những giới hạn của mình, biết những điều gì mang lại hạnh phúc đích thực và gắn bó với nó, biết dùng lý trí và ý chí để phán đoán điều tốt - xấu, đúng - sai và chọn lựa điều tốt nhất và đúng nhất. Quan trọng hơn cả là họ biết gắn bó đời sống mình với Thiên Chúa, Ngài là nguồn mạch mọi ơn lành và mọi điều thiện hảo.

Là người Ki-tô hữu, khôn ngoan trước tiên là nhận thấy bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trong thiên nhiên vạn vật và trong chính đời sống mình. Từ đó, họ là người thành thạo trong nghệ thuật sống đứng đắn; là người biết nhìn thế giới chung quanh với cặp mắt sáng suốt và không ảo tưởng; là người biết những bí ẩn và giới hạn của con người qua những niềm vui hay nỗi khổ; là người biết vạch ra qui luật cho mình là phải biết sống thận trọng, điều độ trong ước muốn, làm việc khiêm tốn, chừng mực, từ tốn, chân thành trong lời nói.

Để khôn ngoan có thể lan tỏa trên mọi lãnh vực của đời sống, người Ki-tô hữu cần phải có đời sống mật thiết với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan và là Đấng ban sự khôn ngoan cho loài người. Salomon được xem là người khôn ngoan nhất trên mọi kẻ khôn ngoan. Thế nhưng, sự khôn ngoan của ông cũng phải được phát xuất từ Thiên Chúa. Khôn ngoan như thế đòi ta phải kiên quyết giữ vững lòng trí mình một cách thanh tịnh, để tạo sự bình tâm giữa những xáo trộn của mọi tình huống bên ngoài. Đồng thời hướng lòng mình về ánh sáng của chân lý, giúp cho tâm hồn ung dung phát triển những cảm nghĩ tích cực và những phong thái cao đẹp.

Muốn thế, những tình cảm không bao giờ tìm cách đi trước lý trí, và những cảm xúc không bao giờ được lấn át lý lẽ. Nhờ vậy ta tránh được những bồng bột và kích động của bản năng khi đứng trước mọi tình thế, để bình thản nhận ra đâu là dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa, đó thực sự mới là người khôn ngoan.

Antôn Ngọc Hoàng. OH