Người Công giáo và “Death Panels”

Năm 2009, khi Tổng Thống Obama và Đảng Dân Chủ, lúc đó đang chiếm đa số trong cả lưỡng viện quốc hội, đề nghị đưa vấn đề “chuẩn bị chết” (end-of-life planning) vào hệ thống Trợ Cấp Y Tế mới (the Overhaul Health Care System, có người còn gọi là Obama-Care); thì đảng Cộng Hòa, nổi bật nhất là bà Sarah Palin, nguyên ứng cử viên phó tổng thống, đã “la toáng” lên là Obama và đảng Dân Chủ đang “âm mưu” thành lập “những hội đồng của thần chết” (death panels) để “khuyến khích” việc chấm dứt sự chạy chữa cho những người già và những người đang có bệnh hiểm nghèo. Dân chúng đã biểu tình và trương những bảng phản đối có tính cách cực đoan như: “Obama lies, grandmamma dies” (Obama lừa dối, bà nội/ngoại phải chết). Sau đó đảng Dân Chủ đã phải nhượng bộ và bỏ chương trình này khỏi hệ thống Trợ Cấp Y Tế mới nói trên.

Tuy nhiên, ngày 1 tháng 1 năm 2011, Tổng Thống Obama đã dùng “đường tắt” để đạt mục đích kể trên. Ông Obama đã dùng quyền tổng thống để “ra luật” (regulation), do hiến pháp Hoa Kỳ cho phép, biến chương trình “chuẩn bị chết” thành luật, không cần phải có sự đồng ý của quốc hội, mà hiện nay đảng Cộng Hòa đang nắm đa số ở Hạ Viện. Luật này cho phép chính phủ trả “lệ phí” (bằng tiền thuế của dân chúng) cho các bác sĩ đóng vai trò “cố vấn” cho những bệnh nhân, khám bệnh hằng năm, làm sự chọn lựa có nên từ chối việc chạy chữa để chết hay không!

Đối với người Công giáo, SỐNG hay CHẾT? Phải chọn lựa như thế nào? Trong trường hợp này, Giáo Hội đã dạy ra sao? Đây là một vấn đề rất khó giải quyết, đang ảnh hưởng đến mọi tầng lớp dân chúng.

Cách đây khá lâu, trong văn phòng của người y tá quân đội, người viết bài này đọc được một chứng chỉ, trình bày rất đẹp và được lộng kính đàng hoàng: “Chứng chỉ khám bệnh miễn phí do bác sĩ Jack Kevorkian cấp.” Ở hàng dưới cùng còn thêm phụ chú: “Chứng chỉ này chỉ có hiệu lực một lần.” Dĩ nhiên đây là một trong những lối khôi hài ý nhị của người Tây phương, vì ông bác sĩ kể trên đã chuyên môn giúp người ta tự tử (và đã bị phạt tù.) Ðến với ông ta, chỉ một lần là quá đủ.

Ở Âu, Mỹ hiện nay, nhiều người đang e ngại về một nghi vấn, theo đó những nhà tài phiệt đang toa rập với các chính phủ để tạo ra một phong trào nhằm dễ dàng chấm dứt mạng sống của những người già đang hưởng trợ cấp kinh tế và y tế, hay những người tàn tật, không còn sản xuất được nữa. Hằng năm, các công ty bảo hiểm và những chương trình y tế miễn phí đã phải bỏ ra một ngân sách khổng lồ cho lãnh vực này. Phong trào kể trên đã được che đậy bởi những khơi động lòng từ tâm của con người. Không ai muốn gây khó khăn, phiền toái cho những người thân của mình một khi họ lâm bệnh nan y hay trở thành tàn phế trọn đời. Do đó, họ dễ dàng ký tên vào bản tự quyết cho chính mình khi còn đang mạnh khỏe, vì e rằng lúc hữu sự họ sẽ không còn làm được việc đó. Ðiều này được mệnh danh là “di chúc sống” (living will), theo đó người ký tên nói rõ ước muốn của mình là sẽ từ chối mọi chữa chạy hoặc việc kéo dài cuộc sống nhờ các máy móc, khi không còn hi vọng gì nữa.

Trường hợp thứ hai: Một số người mang bệnh nan y đã tuyệt vọng và nhờ người khác giúp mình tự tử. Vì vậy mới có hiện tượng quái đản Jack Kevorkian. Trường hợp thứ ba: Thân nhân của người bệnh phải quyết định khi nào thì nên để cho bệnh nhân chết? Không riêng gì việc gỡ bỏ các máy móc, nhưng kể cả việc bỏ đói cho đến chết nữa? Người ta đã đặt tên cho điều này là “giết người cách êm ái” (Mercy Killing hay Euthanasia). Euthanasia, chữ Hi Lạp, mang ý nghĩa nguyên thủy là “cái chết dễ dàng” hay “chết lành.” Có hai lãnh vực cần để ý: giáo hội và xã hội.

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

Theo đức tin Công giáo, con người có thể hiệp nhất với Chúa Kitô để đối diện với sự đau khổ, thay vì chọn cái chết theo cách tự tử hay “giết người cách êm ái.”

Theo luân lý Công giáo, việc “giết người cách êm ái” thể theo lời yêu cầu của người bệnh, thì được kể là bệnh nhân đó đã tự tử. Nhưng nếu giết bệnh nhân mà không có ý kiến của người bệnh thì can tội cố sát.

Ngay cả việc giết người “theo lời yêu cầu” của bệnh nhân vẫn bị coi là một hành động trực tiếp diệt đi một mạng sống vô tội. Các bệnh nhân, dù trong trạng huống nào, vẫn luôn luôn có quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của cộng đồng nhân loại. Vì vậy việc giết người trong trường hợp này vẫn là một hành động diệt đi sự thiện hảo của sinh mạng con ngưỡi. Sinh mạng con người không là “tuyệt hảo”, chỉ có Chúa mới tuyệt hảo, nhưng sự thiện hảo đó đã là căn bản cho kinh nghiệm sống của nhân loại.

Truyền thống Công giáo dạy rằng việc giết người “theo đơn đặt hàng” này luôn luôn là một sự dữ vì nó đã đi ngược với nhân sinh và trật tự của xã hội. “Tuyên ngôn về việc giết người cách nhân đạo” (Declaration on Euthanasia) của thánh bộ Ðức Tin năm 1980 (do USCC xuất bản) đã nói rõ về vấn đề này: “Việc có thể xảy ra, qua lý do của sự kéo dài và đau đớn gần đến mức không chịu nổi, qua lý do cá nhân sâu xa hay những lý do khác, khiến người ta tin tưởng rằng họ có thể một cách hợp lệ xin được chết hay giúp người khác thực hiện điều này. Mặc dù trong những trường hợp đó mặc cảm tội lỗi có thể bớt đi hay hoàn toàn không có, nhưng sự sai lầm trong phán quyết mà lương tâm đã noi theo, có lẽ trong thiện ý, không làm thay đổi bản chất của sự giết người này, mà tự nó vẫn luôn luôn là điều phải tránh.” (Trg. 5).

Như vậy việc “giết người cách êm ái” không thể được coi là chính đáng với những lý do cân xứng. Nhiều người đã dùng “Thuyết cân xứng” (Pro-portionalism) để làm đề tài tranh luận về vấn đề này. Nhưng không có lý do nào cho phép người ta “cất quyền của Chúa” như ông William May đã viết: “Mặc dù chúng ta không có bổn phận phải tránh cái chết với bất cứ giá nào, chúng ta (vẫn) có bổng phận phải quí mến mạng sống và không nên cố ý làm sai lệch mục đích của sự sống và cho đó là sự dữ hay không tốt.” (Human Existence, Medicine, and Ethics, Chicago, 1977, p. 133). Việc giáo hội Công giáo cấm “giết người cách êm ái” – cách tình nguyện, không tình nguyện, hay không thể tình nguyện (những người không thể tự quyết định cho mình được nữa) – đã có từ trước tuyên ngôn nói trên của thánh bộ Ðức Tin. ÐGH Piô XII đã minh xác điều này trong tông huấn Nhiệm Thể (Mystici Corporis) năm 1943. Nhiều nhà thần học Tin Lành, như ông Dietrich Bonhoeffer đã trưng Kinh Thánh để minh chứng: “Các con không được giết kẻ vô tội và kẻ công chính.” (Ex. 23:7). Nhà tư tưởng nổi tiếng Albert Camus cũng phải kết luận rằng: “Ngay cả người không tin vào Chúa, tự tử (vẫn) không chính đáng.” (The Myth of Sisyphus, J. O’Brien dịch, N.Y. 1955, trg. v).

NHƯNG CÓ NÊN KÉO DÀI MẠNG SỐNG TRONG VÔ VỌNG?

Ngoài việc đã bàn ở trên, theo đà tiến bộ nhanh chóng của y khoa ngày nay, người ta bắt buộc phải nhìn đến khía cạnh khác của vấn đề này: Một vài phương tiện y khoa dùng để kéo dài mạng sống, một cách luân lý, có thể được coi như tùy nghi (optional). Theo bản tính tự nhiên của con người, không ai muốn chết và chỉ muốn tận dụng tất cả mọi phương tiện của y khoa để kéo dài cuộc sống. Nhưng ngược lại, ngạn ngữ có câu: “Việc chữa bệnh còn tệ hơn là căn bệnh.” (The cure is worse than the disease), chứng tỏ đã có người do dự trước một vài cách trị bệnh.

Vậy ai là người sẽ giúp bệnh nhân hay thân nhân của họ quyết định? Người đầu tiên, dĩ nhiên, chính là bệnh nhân. Nhưng người bệnh và gia đình của họ thường tìm sự cố vấn của các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ “riêng” của gia đình. Vấn đề là các bác sĩ sẽ phải khuyên nhủ ra sao? Thường thì họ có một số “công thức” nào đó và tùy theo từng trường hợp để giúp các bệnh nhân. Ở đây, người ta cần xác định những phương tiện y khoa hợp lý (reasonable means) trong việc kéo dài sinh mạng con người.

THEO TRUYỀN THỐNG CÔNG GIÁO

Người ta có thể tìm thấy truyền thống Công Giáo về việc kéo dài mạng sống trong “Những hướng dẫn luân lý và tôn giáo về những tiện nghi sức khỏe trong Công Giáo.” (Ethical and Religious Directives for Catholics Health Facilities), đã được HÐGM Hoa Kỳ phê chuẩn từ năm 1971 và đang được Hội Sức Khỏe Công Giáo áp dụng. Theo đó: “Sự giết người cách êm ái” (Euthanasia) đã bị cấm trong tất cả mọi cách. Sự thiếu sót trong việc cung cấp những phương tiện thông thường (ordinary) để cứu mạng sống thì cũng quan trọng không kém Euthanasia. Tuy nhiên, cả y sĩ và bệnh nhân đều không bắt buộc phải dùng những phương tiện ngoại thường (extraordinary).” (Khoản 28).

Ðã có những khó khăn trong việc phân biệt thế nào là “thông thường” và thế nào là “ngoại thường.” Chính tuyên ngôn của thánh bộ Ðức Tin nói trên đã phải công nhận có sự khó khăn trong việc phân biệt này “bởi lý do tiến bộ nhanh chóng trong việc trị bệnh.” (Trg. 8). Ðể làm sáng tỏ vấn đề, HÐGM Hoa Kỳ, năm 1976 đã công bố tài liệu “Ðể sống trong Ðức Giêsu Kitô. Một suy tư mục vụ về đời sống đạo đức” (To Live in Christ Jesus. A Pastoral Reflection on the Moral Life), đã nói rằng: “Trong khi Euthanasia hay trực tiếp giết người là sai lầm trầm trọng, việc kéo dài mạng sống của một người sắp chết qua những phương tiện ngoại thường, không thể đi theo sau… Người ta có quyền từ chối việc chữa chạy xem ra không đem lại hi vọng khỏi bệnh nào và (còn) đặt gánh nặng cho họ và có thể cả gia đình họ nữa. Có những khi, ngưng việc chữa chạy trong vài cách của y khoa lại đạt luân lý hơn (và) để cho người sắp chết hưởng được những chăm sóc thân mật mà họ rất cần trong lúc lâm chung. Bởi vì mạng sống là ơn của Chúa, chúng ta phải rất quí trọng nó. Bởi vì sự chết là phần là mảnh của đời sống con người, là chính cửa ngõ để vào cõi hằng sống và trở về với Chúa, thì nó cũng phải rất được quí trọng.”

Như vậy, người ta phải vận dụng lý lẽ thông thường (common sense) và nghe theo tiếng nói của con tim, suy tư của lý trí, để xác định thế nào là thông thường và thế nào là ngoại thường.

VAI TRÒ CỦA THÂN NHÂN

Ðối với các trẻ thơ, những bệnh nhân không còn tự quyết định được nữa hay người bị bệnh thần kinh, người phải quyết định sẽ là chính thân nhân của họ. Vấn đề vẫn không thay đổi: Cần xác định việc chữa chạy là thông thường hay ngoại thường?

Ngoại thường như: Tiếp tục dùng máy tiếp hơi, thở thay người bệnh (respirator) để kéo dài cái chết; cắt dần các phần của cơ thể trong khi không còn hi vọng hồi phục hay sống được lâu hơn. Tôi đã quen một gia đình có bà mẹ gìa bị bệnh tiểu đường (diabetes). Bệnh trở nên trầm trọng dần dần, thoạt tiên bà bị cắt một chân và móc một mắt, rồi một tay và mắt thứ hai, sau đó chân thứ hai, cuối cùng bác sĩ đã đòi cắt cánh tay còn lại mà vẫn không chắc rằng bà sẽ còn sống được bao lâu nữa! Những người con của bà đã phải nói với viên y sĩ đó rằng: “Hãy để cho mẹ chúng tôi được chết với cánh tay còn lại, chúng tôi không thể nhìn thấy bà phải chịu đau khổ hơn nữa.” Bà đã qua đời trong tình thương của đầy đủ con cháu, và tôi đã làm lễ an táng cho bà.

Trường hợp các thân nhân nghi ngờ rằng người bệnh vẫn muốn được chữa chạy với tất cả mọi phương tiện ngoại thường, họ có thể quyết định cho người bệnh như họ quyết định cho chính mình trong một trường hợp tương tự.

Ðiều này đã đưa chúng ta trở lại vấn nạn của “di chúc sống.” Tài liệu này thường ấn định những điểm như sau: “Trong những trường hợp tôi bị mất khả năng trầm trọng về tinh thần hay thể lý và không còn lý do chính đáng để kỳ vọng sự bình phục, tôi không muốn được kéo dài sự sống bằng thuốc men, những phương tiện nhân tạo, hay những cố gắng chữa chạy qúa mức nào.”

Một điều đáng quan tâm ở đây là những phương tiện nhân tạo nói trên đã kể cả việc cho ăn trực tiếp qua các ống dẫn. Có nghĩa người ký tên trên bản văn đã chấp nhận cả việc bị bỏ đói cho đến chết, khi ống dẫn thức ăn bị tháo đi! Vấn đề luân lý lại phải đặt ra vì trường hợp này có thể được coi như tự tử, nhất là khi bản văn được chấp nhận đó mang tính cách pháp lý (đã được thị thực).

Gần đây, một hội tư nhân mang tên “Những quyết định về sức khỏe của người Mỹ” (American Health Decisions) đã mở cuộc thăm dò, và họ đã tìm thấy rằng dân chúng Mỹ sợ phải chết một mình, phải quấn khắp thân mình bằng những máy móc, ống dẫn nhân tạo, đồng thời họ không tin tưởng vào hệ thống y tế của nhà nước về việc có nên và khi nào thì ngắt điện (pull the plug) để cho họ chết. (Tin của Cox News Service ở Washington DC, do Larry Lipman viết).

Bản tin viết tiếp về những điểm chính mà cuộc thăm dò đạt được: Dân chúng không muốn chết khi đang còn bị gắn vào các máy móc. Họ muốn được chết với những thân nhân bên cạnh. Họ cho rằng hệ thống y tế đã quá chú tâm vào việc chữa bệnh mà không quan tâm đến những ước vọng về sự chết của họ. Dân chúng rất ngại phải thảo luận hay chuẩn bị cho cái chết của mình. Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của “di chúc sống.” Ngay cả khi họ đã hiểu rằng đó là bản văn ghi lại những hướng dẫn về việc chăm sóc cho họ khi gần chết, họ vẫn không tin là hệ thống y tế sẽ làm theo ý của họ.

Dân chúng không muốn sự gần chết của họ sẽ trở nên gánh nặng về tài chánh và tình cảm cho gia đình của họ và họ muốn hủy bỏ những việc chữa chạy tốn kém. Nhưng họ sẵn sàng “tiêu đến đồng dollar cuối cùng” để giữ cho một người thân của họ sống còn.

Những người được thăm dò này, có thể đã chưa nhìn thấy, điều mà nhiều người nghi ngờ rằng hiện đang có những “dàn xếp ngầm” và lớn lao giữa những nhà tài phiệt và các phe nhóm chính trị, những người và phe nhóm này có ảnh hưởng trên cả những quyết định của các y sĩ ở bệnh viện. Họ chỉ làm việc cho quyền lợi phe nhóm của họ mà thôi, sinh mạng của các bệnh nhân đã trở thành thứ yếu.

Bình luận gia Carl Thomas, năm 1996 đã viết trên tờ Los Angeles Times, với tựa đề “Người chết thắng cuộc” (Death Man Wins) về việc cho phép các y sĩ giúp bệnh nhân tự tử rằng: “Như cựu bộ trưởng Y Tế (General Surgeon) C. Everett Koop và ông Francis Scheaffer, năm 1979 đã viết trong cuốn “Sự ghê gớm nào đã xảy ra cho nhân loại?” (Whatever happened to the Human Race?) cho rằng ngôn ngữ là dụng cụ quan trọng để thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của mình. Những mỹ từ như “quyền được chết” (right-to-die) và “chết trong nhân phẩm” (death with dignity) là những khẩu hiệu “đã mang ý nghĩa mới khi được các tòa án diễn giải. Quyền được chết có thể nghe rất êm tai, cho đến khi chúng ta nhận thấy rằng, một cách hợp pháp, nó có nghĩa là, anh có thể tự giết mình hay người nào đó có thể giết anh, ngay cả khi anh chưa muốn chết.”

Hôm 28/12/2010, trước việc T.T. Obama sắp biến “death panels” thành luật, ông Carl Thomas lại viết một bài bình luận nữa về chủ đề này, theo đó, ông lo rằng: “Khi chính phủ cho việc cắt giảm (những phí tổn về y tế) như “ưu tiên” cao nhất và “trả lương” cho các bác sĩ để khuyên những bệnh nhân, đến khám bệnh hàng năm, rằng họ có thể quyết định kết liễu mạng sống của họ thay vì tiếp tục việc chữa chạy…. Đó là bước tiến kế tiếp đưa đến việc tự tử có y sĩ trợ lực (như bác sĩ Kevorkian đã làm), và nếu không buộc ngừng lại, thì (điều này) sẽ đưa đến việc chính phủ cho phép ‘giết người cách êm ái.’ Euthanasia.”

Trong thực tế, đã có hai tiểu bang ở Mỹ là Oregon và Washington cho phép các y sĩ trợ giúp người muốn tự tử. Vì vậy, có lý do để người ta lo ngại rằng “death panels” có thể là một khởi đầu cho việc “giết người cách êm ái” được hợp lệ trên toàn quốc.

Tuần này, Hạ Viện Mỹ với đa số dân biểu là người của đảng Cộng Hòa sẽ biểu quyết “phá” (repeal) thành quả về chương trình Trợ Cấp Y Tế (Obama-care) của quốc hội khóa cũ. Nhưng điều này chỉ có tính cách tượng trưng, hầu như không thể thực hiện được vì sau đó còn phải có sự đồng ý của Thượng Viện mà đảng Dân Chủ vẫn đang nắm đa số. Ngay cả việc Thượng Viện đồng ý với Hạ Viện, ông Obama vẫn có thể dùng quyền của tổng thống để phủ quyết (Veto) kết quả đó của lưỡng viện Quốc Hội.

Những tranh luận nói trên càng làm cho quyết định của các bệnh nhân Công giáo, hay thân nhân của họ quan trọng hơn.

TÓM LẠI

Có hai cách tương đối thực tế giúp các bệnh nhân Công giáo hay thân nhân của họ quyết định:

1. Các bệnh nhân còn tỉnh trí phải tự nhận định, sau khi đã tham khảo, suy tư, và cầu nguyện, rằng phương thức chữa chạy có ngoại thường hay không? Ngay cả khi họ thấy rằng phương thức ấy chỉ tạm gọi là ngoại thường, họ vẫn có thể, một cách công tâm, theo đuổi việc chữa chạy đó.

2. Thân nhân của người bệnh, không còn tự quyết định cho mình được, bắt buộc phải thực hiện phương thức chữa chạy thông thường. Mặt khác, họ chỉ có thể từ chối phương thức ngoại thường khi có lời yêu cầu trước của bệnh nhân; nếu không, họ phải quyết định như cho chính họ vậy.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Tùng 

Nguồn: VietCatholic News