NHẬT KÝ TUẦN TĨNH TÂM - NĂM 2016 NGÀY THỨ III

LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

 Người kéo tôi ra chỗ thảnh thơi,

vì yêu thương tôi nên Người giải thoát.” (Tv 17,20)

 Khi ôn lại hành trình đi theo Chúa, ai trong chúng ta cũng muốn ôn lại ý nghĩa của đời tu vốn được thể hiện cách cụ thể qua ba lời Khuyên Phúc Âm. Quan điểm của cha Tillard, được cha Paul Lebeau nhắc đến trong một tác phẩm tu đức của ngài, nhấn mạnh rằng lời khấn không chỉ được giản lược cho một ý nghĩa nhất định là đi theo Chúa để phục vụ trong hoạt động tông đồ (dù biết rằng đây là khía cạnh thực tiễn và hữu hiệu của Lời Khấn); Lời khấn tiên vàn cần được nhìn nhận theo nền tảng thần học của chúng, đó là một sự hiến thân trọn vẹn cho Chúa trong nếp sống tu trì. Người ta biết về lý tưởng và nền tảng của đời tu, với những điều kiện kèm theo: là một cuộc hoán cải không ngừng (metanoia). Trước tiên, điều này là công trình của ân sủng.[1]

Chúng ta cùng lược qua đôi nét về Ba Lời Khuyên Phúc Âm, vốn là những yếu tố xác định nếp sống tu trì của người tu sĩ. Thứ tự của Ba Lời Khuyên Phúc Âm được xếp theo trật tự mà Công Đồng Vaticanô II đã trình bày. Nội dung được trình bày sau đây ít nhiều đã được đề cập đến trong những năm gần đây tại những nơi con có dịp chia sẻ, nên chắc một điều là không thể tìm một sự mới mẻ trong phần nội dung trình bày. Nhưng những điểm thần học về Ba Lời Khuyên Phúc Âm giúp chúng ta sống cách cụ thể những yêu sách của Tin Mừng trong đời sống tu của mình.

Ở một số thời kỳ trong Lịch Sử Giáo Hội, đời tu được nhấn mạnh ở điểm này hay điểm khác, có khi kể cả những điều ngoài Ba Lời Khuyên Tin Mừng, như việc từ bỏ, khổ chế, đời tu đồng nghĩa với “cái chết”: chết cho thế gian, chết cho tính xác thịt của con người. Không ít người nhìn nhận rằng nếu không cảnh giác, đời tu sẽ thành nơi củng cố điều mình muốn từ bỏ. Thực ra, khổ chế trong đời tu, cho dù đôi khi chịu ảnh hưởng phần nào của trào lưu triết lý, tận căn vẫn phản ánh giá trị của Tin Mừng. Phong trào ẩn tu khởi đầu cho nếp sống tu trì trong Giáo Hội cho thấy điều đó: tinh thần của khổ chế là muốn tiếp nối tinh thần tử đạo, là hình thức tử đạo hằng ngày trong nếp sống khổ hạnh.

Trước khi Ba Lời Khấn được Giáo Luật xác định, thì từ thời đầu trong Giáo Hội, các ẩn sĩ và sau đó là đan sĩ, tu sĩ đã sống lời khuyên Tin Mừng. Họ sống qua nếp sống tự nguyện đi theo Chuá, tự nguyện sống khổ hạnh. Vào thời Trung Cổ, Thần Học Kinh Viện đề cập nhiều đến nếp sống và ý nghĩa thần học của đời tu khi tiếp nối dòng suy tư của các Giáo Phụ. Xét theo dòng lịch sử phát triển của Ba Lời Khấn, chúng ta thấy là đời tu được sống trước, rồi sau đó mới có cách định luật, quy tắc để quy định cho nếp sống này.

Nếu các Lời khuyên Tin Mừng chỉ được xét về tính pháp lý và khổ chế, chúng không bao trùm toàn bộ đời sống Tin Mừng, không bao trùm đòi hỏi của việc làm môn của Đức Giêsu một cách đệ triệt. Chìa khoá nối kết Ba Lời Khấn là Đức Ái, mối dây trọn lành bao trùm mọi hành vi của đời sống tu trì. Nếu như nhân cách của con người bị chi phối bởi ba giá trị cơ bản: chiếm hữu, quyền bính và đời sống tình cảm, thì Ba Lời Khấn trở thành dấu chỉ đối kháng trước ba giá trị cơ bản nói trên.

Tuân phục, xét như việc làm trọn ý Thiên Chuá và phục vụ huynh đệ là đối kháng với ước muốn quyền bình; Khiết tịnh, xét như việc từ bỏ mọi sự để trọn vẹn dâng hiến cho Thiên Chuá trong việc thờ phượng Người, là đối kháng với tình cảm và tính dục, vốn quy chiếu tiến trình sinh nở và trao truyền sự sống; Khó nghèo, xét như việc từ bỏ mọi ràng buộc vật chất, để thanh thoát cho cuộc đời tu trì và sứ vụ, trở thành đối kháng với tiền tài. Tất cả những yếu tố này có nguồn gốc từ Tin Mừng, trở thành phương thế giải thoát người tu sĩ khỏi những ràng buộc mà thanh thoát đi theo Đức Kitô.

Sống trong một xã hội như Việt Nam ngày nay đang mở ra với thế giới văn minh văn hoá, Ba Lời Khấn, trong khi thi hành chức năng khổ chế rất quan trọng trong đời tu, càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Những thách đố đến từ những trào lưu sống, từ những ảnh hưởng của xã hội đương đại nhắc người tu sĩ ý thức cảnh tỉnh trong việc giữ các lời Khuyên Tin Mừng. Những việc khổ chế trong đời tu có giá trị khi phát xuất từ hứng khởi Tin Mừng, làm cho chúng có giá trị trong đời thánh hiến.

 MỤC 5

 LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

Quan niệm về khiết tịnh ngày nay tìm thấy nền tảng Tin Mừng cách sâu xa, giúp chúng ta hiểu về lời khấn khiết tịnh với chỗ đứng quan trọng trong đời tu, và là chỗ đứng rất quan trọng, bởi điều này liên quan đến tình cảm và bản tính của con người nói chung. Trong ánh sáng Tin Mừng, người ta nhìn vấn đề này không chỉ là những chuyện “cấm kỵ” (theo truyền thống cổ điển, vốn cũng có những giá trị nhất định), nhưng còn hướng đến giá trị của sự thanh tịnh tâm hồn người môn đệ Đức Kitô (xét theo chiều kích Hồng Ân). Trong chiều kích Giáo Hội Học, người ta tìm thấy giá trị thánh thiêng mà Giáo Hội ấp ủ và kêu gọi con cái sống: Nên thánh như Thủ Lãnh của Giáo Hội là Đức Kitô, Đấng Chí Thánh.

Trong Tin Mừng, trình thuật về những cơn cám dỗ mà Đức Giêsu đã phải đối diện không nói đến cơn cám dỗ này. Đoạn Tin Mừng Mt 4,1-11 cho thấy những cám dỗ cản trở đường hoạt động sứ vụ của Đức Kitô là: sở hữu, vinh quang, quyền lực, mà không thấy nói về cảm xúc. Trên bước đường đi theo Chuá, các môn đệ được mời gọi từ bỏ mọi sự, trong đó có gia đình. Mục tiêu của từ bỏ là để đi theo Chuá cách triệt để hơn. Nếu xét theo cái nhìn về tội, thì những khuynh hướng về tình yêu đôi lứa, tình cảm và gia đình không phát xuất từ Tội Nguyên Tổ, bởi tội này có gốc rễ từ thái độ bất tuân lệnh Chuá. Vậy đâu là ý nghĩa của lời khấn khiết tịnh?

Xét ra, nếu nói đến lời khấn này, chúng ta thấy liên quan đến hai chữ yêu thương. Chúng ta có khuân mẫu yêu thương tuyệt vời nhất là Đức Kitô, Đấng đã yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.

1, Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được (Lc 14,25-26)

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu cho các môn đệ biết giá trị của tình yêu thương. Dĩ nhiên là việc thảo kính cha mẹ, yêu thương đồng loại là điều cao trọng trong giới luật yêu thương. Nhưng Đức Giêsu cũng cho các môn đệ biết trật tự của yêu thương: “Ai yêu thương cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy; ai yêu con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy; ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37-38).

Điểm nhấn mạnh ở đây hệ tại việc thanh thoát để đi theo Chuá. Những giá trị, an toàn về tình cảm và định chế của đơn vị gia đình (vốn là quý, đặc biệt trong văn hóa Việt Nam vốn mang đậm tính làng xã) có thể làm giảm bớt tự do trong việc làm môn đệ Đức Kitô. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu vẫn có những mối tương giao với nhiều người: Mẹ, anh em, các môn đệ, người thân. Thái độ của Người không làm “xơ cứng” những tương quan này; Trái lại, Người mở ra mối tương quan mới, cao thượng hơn vì Nước Trời.

Độc thân vì Nước Trời là một đặc sủng. Đời sống này có nguồn gốc từ cảm nghiệm về tình yêu Chuá, một cảm nghiệm thần học mà mỗi người có ơn gọi tu trì được mời gọi đào sâu và tiến bước theo Chuá. Đức Giêsu đã yêu mến Thiên Chuá Cha đến độ thực hiện hành vi vâng phục tột đỉnh là chịu chết trên thập tự. Tình yêu đó dành cho Thiên Chuá và cho con người mạnh mẽ đến độ không còn điều gì ngăn cản được nhiệt thành của Người cho sứ vụ cứu độ. 

2, Lời mời gọi làm môn đệ

Sống thanh sạch, một khái niệm có tính luân lý mang phạm vi rộng hơn khái niệm khiết tịnh, không chỉ dành cho đời tu, mà cho mọi Kitô hữu, dù sống trong bất kỳ bậc sống nào. Riêng trong đời tu, đức khiết tịnh có một chỗ quan trọng. Thời đầu của Giáo Hội đánh dấu nét đẹp qua bậc sống của các trinh nữ, được đặt ngang hàng với tử đạo: đó là con đường siêu đẳng để đi theo Chuá Giêsu. Sau các cuộc bách đạo, bậc sống này được ca ngợi là bằng chứng cao cả cho tình yêu Thiên Chuá. Đây là một dạng khổ chế chuyên biệt thời đầu lịch sử đời tu.

Nếu nhìn lời khấn này theo quan niệm sạch/dơ (nét chủ đạo trong tu đức cổ điển mà thần học đời tu gọi đó là ảnh hưởng của truyền thống tư tế - theo cách nhìn của Thánh Kinh), người ta thường nhấn mạnh về chiều kích thanh sạch, đối lại với khái niệm dơ bẩn. Và điều thanh sạch đang nói đến là sự thánh thiện, thánh thiêng trong việc tế tự. Sự thánh thiện đến từ Thiên Chuá. Theo hướng này, những người thánh hiến coi nhân đức này là giá trị nhất, và nếu đi ngược lại với nó, chẳng hạn như tâm hồn, lời nói, hoặc hành động không thanh tịnh, là đáng ghê sợ. Những trường hợp vi phạm thường gây cho đương sự bối rối, đau khổ.[2]

Khuynh hướng này thường đề nghị cho các huấn sinh những phương pháp ngăn ngừa, những hình thức tự kỷ luật, cấm đoán để bảo vệ nhân đức này. Theo cách nhìn này, người ta thấy được ưu điểm là phòng ngừa được những nguy cơ có thể xảy đến, giúp tu sĩ ý thức thân phận mỏng dòn của của con người, với bản tính nhân loại yếu đuối vì tội lỗi; nhưng chưa diễn tả hết yếu tố quan trọng của đời tu: tình yêu mến và lòng tự nguyện đi theo Đức Giêsu.

Để bổ túc cho khuynh hướng nói trên, có cái nhìn theo chiều kích hồng ân. Đời tu có mục đích là đi theo Chuá. Người môn đệ của Đức Kitô được mời gọi đi con đường hẹp, tuy khó khăn (và có vẻ là khác thường), nhưng nhờ hồng ân Chuá trợ giúp mà người tu sĩ cố gắng trung thành trong đời tu trì. Đời sống khiết tịnh là một dấu chỉ về hồng ân Thiên Chuá ban, và là một dấu chỉ cánh chung về Nước Trời đang hiện diện (trong Nước Trời, không có chuyện dựng vợ, gả chồng).

Như vậy, hai đặc điểm của lời khấn khiết tịnh dưới ánh sáng Tin Mừng được diễn tả theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II là: vì Nước Trời và hồng ân. Nếu quên đặc điểm này, con người có nguy cơ quên đi mục đích của hành vi tự hiến tế trong đời tu, dễ dàng ỉ vào sức mình, tự loay hoay với khả năng chống chọi của mình, và nếu thất bại, sẽ rơi vào thất vọng.

3, Thanh thoát để đi theo Chuá

Đời tu tận hiến cho Chuá, cả thể xác lẫn tinh thần là nhắm đến việc loan báo Tin Mừng, như các môn đệ của Đức Giêsu. Việc tận hiến này vượt quá sức con người, nên cần nhìn theo hướng ân ban của Thiên Chuá: Chuá chọn và Chuá giữ gìn. Khi tuyên khấn hoặc tuyên hứa trong lời khấn hoặc trong tác vụ (phó tế, linh mục, giám mục), người thụ ân luôn ý thức một điều: Nhờ ơn Chuá giúp, con xin hứa. Một cách nào đó trong lời khấn, người tu sĩ cam kết với Chuá, và dâng hiến cuộc sống mình cho Đấng mình yêu nhất là Đức Giêsu Kitô, để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân và cộng đoàn mình đang sống.

Do đó, khi dấn thân cho sứ vụ vì tình yêu, người tu sĩ không thể hờ hững với những người họ gặp, sẵn sàng đồng cảm và làm chứng về tình thương của Thiên Chuá dành cho con người. Sống cuộc đời thanh khiết, vui tươi, bằng tình huynh đệ, bằng sự trung tín sẽ là dấu chỉ của tình thương Thiên Chuá giữa lòng đời. Đích điểm của lời khấn này hệ tại việc giúp tu sĩ trở nên thanh thoát cho Nước Trời. Tình cảm gia đình, ngay cả tình yêu đôi lứa, luôn hàm chứa ít nhiều sự sở hữu hoặc riêng tư (kiểu sống một góc vườn riêng, nói theo kiểu thời nay, xuất hiện ngay cả trong đời sống gia đình).

Đời tu, một khi đi theo Chuá với trọn tâm hồn và thể xác, sẽ giúp tu sĩ thoát ra khỏi những “chấp hữu” đó, để toàn vẹn cuộc đời cho Chuá và cho sứ vụ. Tuy nhiên, cầu lưu ý đến khía cạnh quân bình của tình cảm, cũng như nét quân bình trong tương giao với tha nhân: đồng cảm với tha nhân để hiểu thân phận con người, để cảm thông với con người, nhưng vẫn phải giữ một khoảng cách nhất định bởi tính cấp bách và đòi hỏi của Tin Mừng. Về điều này, kỷ luật đời tu và các định chế trong nếp sống này có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn về nếp sống: sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.

4, Cộng đoàn và đời sống khiết tịnh

Nếu như xưa kia người ta nói đến chiều kích khổ chế và kỷ luật của lời khấn này là để thánh hoá bản thân, thì ngày nay người ta trình bày nó theo chiều kích cộng đoàn và sứ vụ. Đức Ái là điều mà ba lời khấn nhắm đến, thì với lời khấn khiết tịnh, Đức Ái càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong cộng đoàn. Một cộng đoàn quy tụ những thành viên đến từ những gia đình khác nhau, sẽ có tính cách, tập tục, thói quen, … khác nhau. Nhưng những điểm khác biệt của từng cá nhân, vốn được coi là nét phong phú đa dạng cho cộng đoàn, có thể trở nên quà tặng cho cộng đoàn, và làm cộng đoàn nên phong phú.

Cộng đoàn là môi trường để người tu sĩ thực hiện đức ái cụ thể nhất. Niềm vui, phong cách sống tốt của một cộng đoàn, vvv sẽ giúp tu sĩ coi tu viện là nhà, và cộng đoàn là gia đình của mình. Và ngược lại, những thành viên sống tốt trong cộng đoàn sẽ giúp cộng đoàn có được nét vui tươi, bình an, vvv. Những cơn khủng hoảng về ý nghĩa đời tu thường là nguyên cớ cho tu sĩ muốn đi tìm một hướng khác cho đời mình. Việc lơ là giữ kỷ luật đời tu dễ làm tu sĩ quên đi việc bổn phận và căn tính của mình. Nội vi, thời khắc trong ngày, các giờ Kinh Thần Vụ, là những yếu tố giúp tu sĩ sống chia sẻ được với nhau đời sống cộng đoàn, thì cũng là nơi giúp họ sống tích cực nhất đời sống thánh hiến.

Kỷ luật, khổ chế, giá trị luân lý vốn có giá trị trong đời sống tu trì. Nhưng tu sĩ cần hiểu rằng không có kỷ luật tu trì nào đủ sức biến việc giữ luật thành một cảm nghiệm Tin Mừng, nếu không hướng con người có thái độ tích cực và tự nguyện tuân giữ nếp sống tu trì. Nó có thể giúp tránh nguy hiểm, nhưng không đủ sức để thăng tiến tinh thần của đức khiết tịnh trong đức mến.

Cộng đoàn tu trì kinh điển tìm mọi cách để bảo vệ đời sống độc thân của các thành viên, thường thì cách này được xem là cần thiết, hơn là nói về tính nhân đức: chuyện khắt khe về nội vi, về những mối quan hệ với trần gian, hạn chế quá đáng những mối quan hệ bạn bè. Nhưng những cảm nghiệm cộng đoàn với lối sống giản đơn, nhân bản hơn, tế nhị hơn sẽ dễ mở rộng thông giao với thế giới bên ngoài. Cộng đoàn kiểu mới này yêu sách hơn về ý thức tự do, trưởng thành, đòi phải có một nền đào tạo cứng cáp và chuyên biệt.

Cảm nghiệm thần học trong lời khấn này đòi hỏi một sự khiêm tốn thẳm sâu và một lương tâm trong sáng, luôn cảnh giác về những yếu đuối của mình. Óc thực tiễn và sáng suốt là cần để vượt qua những cơn khủng hoảng tình cảm. Để củng cố sự trung kiên trong đời tu, ngoài ơn Chuá ban, tu sĩ cần duy trì đời sống cầu nguyện liên lỉ, tăng thêm tình huynh đệ trong cộng đoàn, biết lắng nghe và có khả năng tha thứ.

Trưởng thành nhân bản và tình cảm cũng là điều cần lưu ý để tu sĩ tự rèn luyện con người mình trong hành vi, lời nói, và chừng mực trong các mối tương giao; đồng thời chúng ta cũng không loại trừ những phương thức giải trí lành mạnh, hầu giúp cho sự quân bình nơi bản thân người tu sĩ, từ thân xác đến tinh thần và nếp sống.

[1] x. Phần trích dẫn được cha Paul Lebeau nhắc đến trong cuốn « La vie religieuse, un chemin d’huminité » (Đỗ Ngọc Bảo : Đời Tu Một Nẻo Nhân Sinh, tr. 7-8).

[2] F. D. Martinez, sđd, tr. 220.