NHẬT KÝ TUẦN TĨNH TÂM - NĂM 2016, NGÀY V

ĐỀ TÀI SỐ 7

LỜI KHẤN VÂNG PHỤC

Trong cuốn Refounding Religious Life, cha F. D. Martinez đã trích một câu nói khá nổi tiếng: “Khi bề trên truyền lệnh, thì tôi là một thuộc nhân; còn bây giờ các thuộc nhân truyền lệnh, tôi được làm bề trên.”[1] Dù thành ngữ trên không tìm được xuất xứ chính xác, cũng không có tính thần học chặt chẽ, nhưng một cách nào đó nó nói lên một điều là quyền bính và tuân phục đã thay đổi nhiều trong các cộng đoàn tu trì.

Trong thay đổi này, hai chiều kích được xét đến: Liệu tuân phục tìm được mẫu gương từ sự tuân phục của Đức Kitô? Hay hành vi tuân phục chỉ dừng lại ở tương quan ngôi vị giữa bề trên và thuộc nhân? Nếu có chăng một khủng hoảng trong đời sống cộng đoàn tu trì, thì liệu khủng hoảng này đến từ khủng hoảng về quyền bính, hay là về thái độ tuân phục của tu sĩ?

Về điểm thứ nhất, khủng hoảng quyền bính cho thấy một thái độ tiêu cực có thể đến từ phía người lãnh đạo hoặc từ bề dưới, dựa trên tương quan quyền bính và tuân phục; chẳng hạn như, đứng trước bề trên tôi tuân phục hoặc chống đối bởi người đó làm tôi phục hoặc làm tôi chán ngấy (kiểu vâng phục này là kiểu vâng phục nô lệ, tuỳ theo người mình tùng phục, và thường làm cho người tu sĩ đánh mất căn tính của mình; bởi nếu bề trên là người mình không phục, thì hoặc là phản ứng nhẹ nhàng bằng cách bất cộng tác, nín thở qua sông đợi hết nhiệm kỳ của vị bề trên đó; hoặc là chống đối). Có thể có hình thức bề trên dùng quyền phán quyết để cai trị cộng đoàn, nhằm trả đũa những xung khắc của quá khứ.

Về điểm thứ hai, hành vi tuân phục mang chiều kích tâm linh, bởi chưng sự tuân phục có căn nguyên nền tảng từ Đức Kitô, Đấng đã học biết thế nào là tuân phục Thiên Ý đến cùng.

1, Kiểu mẫu tuân phục: Đức Giêsu Kitô đã tuân phục Chuá Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết

Việc từ bỏ của Chuá Giêsu là chiếu theo việc Người tuân phục Chuá Cha, thi hành Thánh Ý, một sự vâng phục liên kết chặt chẽ với sứ vụ Chuá Cha trao phó. Người không làm theo ý riêng. Trong Vườn Ghếtsêmani, Đức Giêsu đã phải đối diện với đau khổ cùng cực của kiếp nhân sinh, và tình huống này đặt Người đối diện với thái độ yêu mến và tuân phục. Khi nỗi đau khổ trở nên cao độ bởi nỗi đau thể xác, bởi sự sợ hãi, bởi cảm nhận cô đơn, Đức Giêsu đã thốt ra lời thân thương với Chuá cha, và cũng qua đó thể hiện rất thật thân phận con người:

Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này ; Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha.” Vâng, hành vi vâng phục này mang giá trị siêu việt, bởi chưng Đức Giêsu có thể dùng tự do của mình để tránh né đau khổ đó. Nhưng sự vâng phục đặt nền trên lòng mến đã đưa Đức Giêsu đến đích của hành vi vâng phục: Sẵn sàng đi vào Cuộc Khổ hình thập giá.

2, Những dạng thức của tuân phục trong đời tu

  1. Chiều kích thiêng liêng

Với các ẩn sĩ, khi chưa có lời khấn công khai trong Giáo Hội, sự tuân phục bao hàm việc tuân phục Thiên Chuá trong cô tịch. Các ẩn sĩ chưa phải vâng phục ai, ngoài vị thầy hướng dẫn. Trong thời sơ khai của nếp tu trì trong Giáo Hội, chúng ta thấy đã có từ bỏ nhiều điều (của cải, gia đình, vvv), nhưng lại không nói đến từ bỏ tự do riêng. Tuân phục mang tính thiêng liêng:

Tập sinh quy phục vị linh hướng như tuân phục người cha, người mẹ tinh thần. Nhưng đến khi tập sinh đã đủ trưởng thành để vào sống trong cô tịch, thì chấm dứt chuyện quy phục. Tập sinh này đã trở thành ẩn sĩ/đan sĩ và tự mình chiến đấu trong cô tịch. Kế tiếp đó, hình thức vâng phục thứ hai xuất hiện trong đời tu: vâng lời như từ bỏ ý riêng của con người, nó liên quan đến khổ chế của thân xác (xét theo khía cạnh tiêu cực). Đến giai đoạn phát triển thứ ba, vâng phục mới hướng đến nhân đức: Đức mến.

  1. Tuân phục và bác ái

Thời của thánh Pacôme, đời tu đã thành hình đời sống cộng đoàn bên Đông Phương. Trong cấu trúc đời tu này, người ta thấy đã có việc tuân phục kỷ luật và trật tự của cộng đoàn đưa ra. Lời khấn tuân phục đánh dấu bước tiến trong lịch sử của đời tu. Cộng đoàn tu trì hình thành với những quy tắc, kỷ luật nền tảng cho đời sống cộng đoàn, giúp cộng đoàn ổ định và giữ được nếp sống hài hoà nhất có thể.

  1. Tuân phục và đức tin

Sau thời ẩn tu, đời sống đan tu phát triển dần. Truyền thống Biển Đức coi tuân phục như thái độ của đức Tin. Từ ngữ vâng phục nói lên điều này. Ob-auditio fidei: vâng phục trong niềm tin, lắng nghe Ý Thiên Chuá qua bề trên. Trách nhiệm của Viện Phụ là dạy dỗ, chỉ bảo, quyết định, điều hành, nhất là lo đời sống tâm linh. Vâng lời viện phụ là vâng lời Ý Chuá. Nếu được dùng hình ảnh để diễn tả thái độ vâng phục này, chúng ta có thể dùng hình tháp để nói đến điểm quy chiếu của lời khấn:

Tu sĩ vâng phục đan viện trưởng, bởi đan sĩ đọc ra Thánh Ý Chuá qua lời giảng dạy, quyết định, điều hành, những chỉ dạy thiêng liêng. Rõ ràng rằng việc vâng phục trong nếp sống tu này diễn tả thái độ của niềm tin, trong khiêm tốn, lắng nghe. Đây là yếu tố chủ lực của việc làm môn đệ Đức Kitô.[2] Bề trên[3] được gọi là Abba (cha), vì ngài là cha tinh thần của một gia đình đan viện.

  1. Tuân phục vì sứ vụ

Sau đó, vào thời Trung Cổ, khi các dòng hành khất ra đời, lịch sử dòng tu cho thấy đã thấy xuất hiện tính tuân phục vì sứ vụ, đặt nền trên những yếu tố thần học về đời tu đã có sẵn trong truyền thống lịch sử đời tu của Giáo Hội. Sự vâng phục, ngoài chiều kích siêu nhiên là để lắng nghe ý Chuá, còn diễn tả tính tuân phục hướng đến sứ vụ. Bề trên được gọi bằng một tên khác, prior (người đứng đầu). Prior chịu trách nhiệm phối hợp, làm cho cộng đoàn được linh hoạt dưới ánh sáng của Tin Mừng, và phối hợp sức mạnh của từng cá nhân cũng như cộng đoàn để thi hành sứ vụ.

Xét trong bối cảnh tiền Công Đồng Vaticanô II, lời khấn vâng phục thuộc về kỷ luật đời tu: Dù rằng chiều kích thiêng liêng và thần bí vẫn có trong việc giữ Ba Lời Khấn, nhưng quyền lực pháp lý và kỷ luật lại là những căn nguyên buộc người tu sĩ tuân phục. Việc cải tổ hậu Công Đồng cho thấy hình thái này bớt dần tính pháp lý, kỷ luật, và nhấn mạnh đến khía cạnh thần học.

Hình thức pháp lý và kỷ luật có thể giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng, mau lẹ, hiệu quả cho công việc và cộng đoàn, nhưng lại không phải là con đường tốt nhất giúp tu sĩ phát huy hết khả năng sử dụng tự do và trưởng thành Kitô giáo, đặc biệt trong chiều kích Đức Tin và Đức Mến.

Thực trạng đời tu cho thấy yếu tố cần được nhấn mạnh trong lời khấn vâng phục mang chiều kích cá nhân: từng cá nhân tu sĩ và cả bề trên. Cả hai đều được mời gọi lắng nghe Thánh Ý, cả trong việc vâng phục (cá nhân tu sĩ) và trong lệnh truyền (phía bề trên). Chính thái độ và ý thức của từng tu sĩ đánh giá mức độ trưởng thành trong lời khấn này, và nói rộng hơn, là trong đời sống đức tin.

Thời trước, trong truyền thống cổ kính, việc vâng phục xem ra rất dễ dàng, vì cả hai đều đặt Thánh Ý là trên hết, và cả hai đều chú trọng đến việc rèn nhân đức. Chuyện đối thoại trước đây xem chừng không cần thiết, vấn đề nhân quyền cũng không phải cần xem xét lại, vì việc thực thi trách nhiệm và quyền hạn trong lời khấn này được duy trì trong một môi trường trật tự, an bình, hài hoà.

Hình thức này có nét hay của nó, nhưng cũng phô diễn phần nào nhược điểm của cách sống này, chẳng hạn như: vâng phục không suy xét. Thời nay, kiểu mẫu đời tu tự do du nhập những yếu tố mới trong việc thực thi quyền bính: Tôn trọng quyền cá nhân và đối thoại. Với việc tôn trọng quyền cá nhân, kinh nghiệm Kitô giáo và đời tu cho thấy đời tu không làm mất giá trị này nơi con người.

Mỗi cá nhân đều có tự do, lương tâm và lý trí để hiểu biết về sự vâng phục. Vâng phục vì biết rằng lệnh truyền của bề trên là không sai, cho dù có thể đôi khi ... hơi … kém so với điều mình hiểu. Nhưng nguyên tắc “vâng phục thì không sai lầm” có giá trị trong trường hợp này. Theo quy tắc thần học kinh viện, việc tuân phục này mang giá trị luân lý, bởi nó nói lên sự từ bỏ của bản thân tu sĩ. Nhưng nếu biết quyết định của bề trên là sai lầm, gây đến tội lỗi, mà còn làm theo, thì không thể tha thứ được.

Theo nguyên tắc thần học kinh viện: Nếu bề trên khiến thuộc hạ làm điều dữ, điều tội, thì không thể nghe theo. Kiểu mẫu vâng phục trong đối thoại được khai triển ngày rộng, vì xét một khiá cạnh nào đó, kiểu mẫu này phản ánh tính Tin Mừng nhiều hơn, và cũng nói lên được việc lắng nghe Chuá Thánh Thần hướng dẫn qua trao đổi của cả hai phía: tu sĩ và bề trên.

Dù sao, với kiểu mẫu này, chúng ta phải lưu ý đến điểm yếu của nó: Sự bộc phát của thái độ tự do quá trớn. Ngày nay, thế giới chịu ảnh hưởng của nhiều trào lưu triết lý và phong cách sống, con người (đặc biệt là người trẻ) muốn có ý kiến, muốn tự khẳng định mình. Chủ nghĩa cá nhân đã làm chậm trễ hoặc hỏng những chương trình của cộng đoàn, tu sĩ đòi phải đối thoại hoặc đòi phải được quyền biết trước những điều mà lẽ ra bề trên không thể nói ra hết được trong sứ vụ người tu sĩ đó được sai đi.

Mỗi kiểu đều có nét đẹp và điểm yếu. Xét thấy thần học đời tu cần hơn là kỷ luật bó buộc.

3, Chiều kích cộng đoàn và sứ vụ

Đặc điểm tuân phục trong đời tu, một khi được đặt trong bối cảnh cộng đoàn, giúp chúng ta phân biệt và chu toàn Thánh Ý Thiên Chuá, qua trung gian lề luật, sứ vụ, dự phóng cộng đoàn, những tước hiệu quyền bính, vvv. Giáo luật đề cập đến quyền hợp pháp của bề trên hiểu theo nghĩa là bề trên được đề cử, hoặc do cộng đoàn bầu ra, một cách hợp pháp theo Giáo Luật quy định. Nhưng tiêu chuẩn này chưa đủ.

Việc từ bỏ ý riêng, xét theo tính con người, dường như là điều gì đó bất bình thường. Con người thường yêu chính mình, và thích hành xử theo tự do. Nhưng trong chiều kích cộng đoàn và sứ vụ, tự do của tu sĩ được nhắc đến, vì có liên quan thiết thân đến tuân phục. Xét theo nguyên nhân, tuân phục theo tinh thần Tin Mừng là trở nên dễ bảo trước tác động của Chuá Thánh Thần, Đấng hoạt động trong cộng đoàn, qua các vị linh hướng, ngay cả qua ý kiến của người có trách nhiệm, trong những điều thiện hảo.

4, Trách nhiệm quản trị và tự do trong đời tu

Từ Công Đồng Vaticanô II, trách nhiệm quản trị trong cộng đoàn tu trì được nhấn mạnh với nền tảng Tin Mừng, phục vụ cộng đoàn và vì sứ vụ. Bề trên phải là người làm cho đời sống cộng đoàn đượm tính chất của Tin Mừng, vừa xét theo cá nhân từng tu sĩ, vừa theo cộng đoàn. Có thể bề trên phải gợi lại cho từng cá nhân và cộng đoàn những yêu sách của Tin Mừng, và nhắc nhở mọi người phải dám đối diện với những yêu sách đó.[4]

Do vậy, bề trên không chỉ có tài quản trị (vốn là yếu tố thường được quan tâm hàng đầu khi cộng đoàn chọn bề trên cho mình), nhưng còn cần lưu ý đến chiều sâu về đặc sủng, về tính sẵn sàng của Tin Mừng, và cả uy tín luân lý. Chức năng này trở nên dễ dàng một khi bề trên là chứng nhân cho sự trung thành với Tin Mừng. Chức năng ngày càng trở nên quan trọng trong cộng đoàn khi ngày càng có thêm thành viên, và ngày càng có thêm sứ vụ mới. Những quyết định liên quan đến sứ vụ và việc gắn bó với những định chế trong cộng đoàn đặt cả bề trên và các tu sĩ trước thách đố chọn lựa. Tránh kiểu ra lệnh truyền ngẫu hứng vì đó là dấu hiệu của lạm dụng quyền. Điều đó dễ nảy sinh “chấn thương” cho các thành viên, có thể gây chống đối, hoặc thái độ nổi loạn.

Trong đời tu, thực hiện tuân phục không làm mất tự do cá nhân. Trái lại, thực hiện đúng hành vi tuân phục sẽ giúp tu sĩ lớn lên trong tự do đích thực và trong Thần Khí. Ngay cả khi tu sĩ thực hiện quyền và nghĩa vụ trong việc đưa ra quyết định theo trách nhiệm (công hội, tu viện hội), họ cũng không huỷ đi tính trách nhiệm của bề trên, nhưng là thể hiện trách nhiệm với cộng đoàn. Việc cá nhân lớn lên trong bước đường làm môn đệ Đức Kitô có thể được coi là thước đo sự thành công của việc thực thi trách nhiệm và thực hành đức tuân phục.

Quyền quản trị và tuân phục được thực hiện trong cộng đoàn. Chính cộng đoàn là nơi phân biện thánh ý Thiên Chuá, và khám phá ra sự chỉ dẫn của Thần Khí, Đấng khiến bất kỳ hoàn cảnh cụ thể nào đều là cơ hội để tu sĩ thể hiện lòng trung tín hơn nữa. Cộng đoàn cầu nguyện, lắng nghe Lời Chuá, suy xét và chọn lựa quyết định theo điều thiện, … đó là môi trường tốt để biện phân Thánh Ý. Tuy nhiên, cần phân biệt trường hợp cộng đoàn biện phân Thánh Ý và kiểu dân chủ phe nhóm.

Đa số ý kiến được thể hiện trong cộng đoàn (qua công hội, tu viện hội, tổng hội) trong tinh thần biện phân, cầu nguyện, trong niềm tin và tín thác vào Chuá Quan Phòng, là cách thể hiện ý chung trong một quyết định mà tự bản chất là đúng đắn. Nhưng nếu đa số ý kiến được quy tụ theo kiểu hội đồng dân biểu, làm áp lực cho một quyết định không đúng đắn, thì đó là điều phải tránh trong cộng đoàn tu trì. Trong trường hợp này, số đông chưa phải là đúng, mà đôi khi thiểu số đóng vai trò ngôn sứ khi họ đứng về phía bênh vực cho sự thiện và chân lý (vấn đề còn lại là làm thế nào, và phát biểu thế nào ý kiến của mình sao cho có thể chấp nhận được, tuỳ thuộc sự khéo léo của mỗi người).

Đôi khi trong đời tu, cần phải kiên nhẫn trước một vấn đề mà lúc đang bàn luận, những người khác chưa nhận ra được hết các khía cạnh để giải quyết, hoặc để thi hành. Tính kiên nhẫn rất cần để có thể tìm được bình an cho chính đương sự. Cha F. Martinez nhận định:

Thực tế cho thấy, đôi khi những thành viên nhiệt thành này, kể cả từng tu sĩ lẫn bề trên, phải công nhận rằng có khi đã dốc hết mọi phương cách để thuyết phục, thì họ không thể làm gì hơn nữa, vì không thể dựa trên những luật lệ, quy tắc để điều chỉnh những sai trái, hoặc những tính bất toàn của tu sĩ. Nếu căng quá thì chỉ làm cho càng thêm căng thẳng mà thôi, dù biết rằng người tu sĩ đó đang có hành vi sai trái nào đó sẽ gặp những khó khăn, thử thách trong đời tu (chẳng hạn như bất an, cảm thấy cô đơn, cảm thấy đời tu mất ý nghĩa, khi họ chỉ muốn chạy theo những công việc, hành xử theo cách rất đời của họ).[5]

5, Tuân phục và hy tế

Khi xét tuân phục trong chiều kích thánh hiến, chúng ta muốn xét trong  ý nghĩa của đời tu trì: người tu sĩ thánh hiến toàn bộ cuộc đời để phục vụ Thiên Chuá và tha nhân. Cũng có thể xét theo khía cạnh thờ phượng, lời khấn này nói lên hy lễ cuộc đời của người tu sĩ, như một hy lễ dâng trọn vẹn lên Chuá, và không dành lại cho mình một điều gì cả.

Trong hy lễ đền tội mà Đức Giêsu đã dâng lên Thiên Chuá Cha, sự tuân phục của Người là một lễ hy sinh cao độ. Xét theo chiều kích tư tế, lễ vật dâng lên Chuá được gọi là của thánh. Sự thánh thiêng được tập trung trong cuộc đời Đức Giêsu: hy lễ toàn thiêu, hy lễ đền tội Người đã dâng lên Thiên Chuá trên thập giá. Chính hy lễ này được thực hiện trong tuân phục và yêu thương. Người vừa là tư tế, vừa là bàn thờ, vừa là của lễ. Hy lễ Người dâng một lần là đủ. Đây cũng chính là tinh thần cho sự tuân phục tu trì, và cũng là tinh thần phụng tự đích thực của những ai theo Đức Giêsu.

Thánh hiến đời tu nằm ở chính cuộc đời người đi theo Chuá. Nghi thức tuyên khấn có một giá trị. Thánh Tôma Aquinô giải thích điều này khi khẳng định rằng vì không thể ngay một lúc dâng lên Thiên Chuá cả đời mình, nên người tu sĩ dâng điều đó trọn vẹn qua lời khấn dòng. Việc thánh hiến diễn ra nhờ việc chu toàn trung tín dự phóng cuộc đời mà chúng ta tuyên khấn vào một thời điểm nhất định.[6] Hy lễ đẹp lòng Chuá là tấm lòng nhân từ (Mt 12,6-7; Hs 6,6). Hành vi thánh thiêng đích thực chính là dâng đời mình để phục vụ Chuá và tha nhân. Đức Giêsu và các môn đệ đã thực hiện được điều đó, và cuối cuộc đời tại thế, Người đã dâng hy lễ qua nghi thức, không phải là bạo lực, mà là tuân phục và yêu mến (như chúng ta đã chia sẻ với nhau sáng nay).

Như vậy, xét theo lối nhìn về hồng ân, đời thánh hiến không chỉ dừng lại ở nghi thức khấn Dòng (vốn đậm nét trong văn hoá Việt Nam), mà là cả cuộc đời người tu sĩ. Hoạt động phụng tự thường ngày của tu sĩ nói lên nhiệm vụ của đời thánh hiến, nhưng hơn cả nhiệm vụ nữa, đó chính là cuộc đời của những kẻ đi theo Đức Giêsu: Ai đã tra cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không xứng đáng làm môn đệ của thầy. Sau Công Đồng Vaticano II, việc thánh hiến cho Thiên Chuá là vì sứ vụ, đức vâng phục không thể được coi là nằm bên lề sứ vụ.

Tuân phục, xét như phục tùng Thiên Chuá, không chỉ dành riêng cho đời tu, mà còn cho mọi người. Nhưng trong đời tu, người tu sĩ từ bỏ mọi sự để đi theo Chuá, vác thập giá mình mà theo Người vì họ muốn hoạ lại trong đời mình con đường thập giá. Cấp độ vâng phục bắt đầu từ vâng phục Thiên Chuá, tuân phục là tiến bước trong đức tin, trong sự trung tín trên con đường Chuá đi, theo mệnh lệnh Chuá truyền làm việc thiện.

Từ bỏ không phải là mục tiêu cuối cùng của tuân phục, nhưng là điều kiện để đi theo Chuá. Từ bỏ trong đời tu bao gồm sự từ bỏ như các môn đệ của Chuá: từ bỏ sở hữu, nghề nghiệp, gia đình (Mt 4, 22); kế đó là tuân phục Hiến Pháp, Luật lệ; cụ thể hơn, đó là tuân phục bề trên hợp pháp của mình trong chân lý và điều thiện hảo.

Tuân phục của Đức Giêsu không chỉ thu gọn vào chuyện chu toàn những lệnh truyền bên ngoài, nhưng có mục đích đạt đến sự tự do viên mãn,[7] trong đó, Đức Giêsu muốn làm sáng tỏ tuyệt đối thánh ý của Thiên Chuá: Những quy định, luật lệ do con người đặt ra phải thể hiện luật lệ của Thiên Chuá. Từ đó, chúng ta thấy rằng hành vi và cách sống của Đức Giêsu phản chiếu thái độ tuân phục Thánh Ý; cũng từ đó, Người đã thực hiện hành vi tế tự cao cả nhất, đó là tự hiến trên Thập Giá để chu toàn Thánh Ý Chuá Cha, chu toàn sứ vụ cứu độ. Chính trong chiều kích cứu độ này mà chúng ta thấy thái độ tuân phục của Đức Giêsu mang nét thiêng liêng cao cả: Chỉ vì tội bất trung của một người mà tội đã vào thế gian, thì cũng nhờ sự tuân phục của một Người mà thế gian được cứu độ.

Trở lại với vấn đề vâng phục và hy lễ, chúng ta cũng biết điều này đụng đến tự do của con người. Dùng tự do Chuá ban để tự đứng vững và thăng tiến trên đường nhân đức là điều quan trọng của hành trình người môn đệ Đức Kitô. Nhưng tính ích kỷ, tự ái, … là những khuynh hướng của con người đối lại với cách sống của “con người mới” trong Đức Kitô. Cảm nghiệm gánh nặng xác thịt, khuynh hướng khép kín nơi bản thân, lợi ích riêng, … là chuyện con người (và chỉ khi nào từ trần con người mới thoát khỏi chúng). Thường những tính xấu này là vô thức, hoặc ẩn dấu dưới dạng biện minh, hoặc nhân danh công lý, nhân danh những điều thiện, vvv để hành xử. Tuân phục sẽ giúp người tu sĩ biết mở ra với Lời Chuá, trở nên “ngoan ngoãn” trước sự hướng dẫn của Chuá Thánh Thần.

Việc biện phân ý Chuá có thể thực hiện qua vị linh hướng. Hướng tới sự hoàn thiện của đời thánh hiến, đức vâng phục giúp chúng ta theo Đức Giêsu ngày một sát hơn. Sự lớn mạnh của một nhân đức hệ tại việc người tu sĩ dám từ bỏ vì lòng mến để đi theo Chuá. Đức vâng phục được xem là nhân đức cao nhất, vì nó liên quan mật thiết đến lòng mến.

[1] F. D. Martinez, Refounding Religious Life, bản dịch tiếng Việt tựa đề Đời tu gạn đục khơi trong, bản việt ngữ do ts. Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, tr. 257.

[2] F. D. Martinez, sđd, tr. 260.

[3] Hạn từ “bề trên” đôi khi được giữ nguyên vì bối cảnh bản văn; khi áp dụng cụ thể, sẽ được thay thế bằng hạn từ “tu viện trưởng/ trưởng cộng đoàn”.      

[4] Sđd, tr. 291.

[5] xc. Sđd, tr. 267.

[6] Sđd, tr. 273.

[7] F. D. Martinez, Sđd, tr. 281.