NHẬT KÝ TUẦN TĨNH TÂM - NĂM 2016, NGÀY VII

Thể hiện lòng thương xót

khi phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ

Thiết nghĩ rằng, một lần nữa, chúng ta cần nhắc lại số 2 của Misericordiae Vultus với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha: “Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời.” Mục số 08 mà chúng ta đã nói đến gắn mỗi người trong chúng ta với anh em trong cộng đoàn, nơi chúng ta được mời gọi sống lòng thương xót qua nếp sống chung.

Tinh thần này cũng được mời gọi thể hiện nơi những ai mà người tu sĩ gặp gỡ trên đường đời, nhất là đối với chúng ta, những người hằng ngày tiếp cận những con người đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì khổ đau tinh thần (bởi nỗi đau thể xác thường đi đôi với nỗi đau tinh thần). Thiết nghĩ đây là sứ mạng mà mỗi tu sĩ chúng ta cần sống:

Năm Ðời sống thánh hiến chất vấn chúng ta về sứ vụ đã được uỷ thác. Những công tác, cơ sở, sự hiện diện để đáp ứng điều mà Thánh Linh đã yêu cầu các vị sáng lập có còn tương xứng để theo đuổi những mục đích trong xã hội và Giáo hội thời nay nữa không? Có điều gì cần phải thay đổi không? Chúng ta còn giữ được lòng say mê với đồng loại, chúng ta có gần gũi với những người thân cận để chia sẻ những niềm vui nỗi khổ của họ, để hiểu thấu những gì họ đang cần, ngõ hầu góp phần vào việc đáp ứng các nhu cầu đó không? Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu:

"Lòng quảng đại và hy sinh đã thúc đẩy các vị sáng lập cũng phải thúc đẩy các con, là những người con cái tinh thần của họ, hãy duy trì các đặc sủng cách sinh động để cho chúng được phong phú và thích nghi mà không giảm bớt tính cách độc đáo, với cũng một sức mạnh mà Thánh Linh đã gợi lên, để phục vụ Giáo hội và góp phần vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa.” (Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I, 2).

1, Đời tu, dấu chứng của tình yêu

Việc dấn thân của nhiều người nam nữ trong nếp sống tu trì diễn tả một sự quảng đại dấn thân cho Chuá để phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảm kích diễn tả sự ngưỡng mộ và tình liên đới với các tu sĩ trong lời cầu nguyện của ngài: “Chúng con tạ ơn Cha vì món quà đời sống thánh hiến: họ hằng tìm kiếm Cha trong đức tin và qua sứ mạng trên khắp hoàn vũ, mời gọi mọi người đến gần Cha.”[1] Đời sống của các tu sĩ làm chứng cho một tình yêu dành cho Đức Kitô khi họ bước trên hành trình theo lời khuyên Tin Mừng, và trong niềm hân hoan sâu xa, dấn thân trong cùng một lối sống mà Đức Kitô đã chọn cho họ.[2] Chính nếp sống này giữa lòng đời trở thành lời chứng đích thực cho một nếp sống khác với lối sống của thế gian, với nền văn hoá văn minh đương đại, vốn yêu chuộng hiệu quả của công việc, của tiền tài, danh vọng, quyền bính. Căn cứ vào nếp sống này, đời sống thánh hiến giúp người tu sĩ tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, đồng thời cũng đề nghị một phương dược thiêng liêng nhằm chữa trị các điều ác hại trong thời đại.

Một tình yêu dành cho Đức Kitô được thể hiện trong chính đời sống này. Sự hiện diện năng động của các thế hệ, của các hình thức tu trì trong Giáo Hội hiện nay diễn tả nét phong phú trong phục vụ của đời tu trì, làm cho sự hiện diện của Đức Kitô rực sáng lên trong thế giới, cũng như làm rõ nét hơn sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng đời.[3]

Trong những năm gần đây, nhiều nơi và nhiều đấng bản quyền địa phương chú trọng đến chiều kích hiệp thông và truyền giáo, một dấu chỉ khả giác của tình yêu dành cho Chuá và tha nhân. Bên cạnh đó, nỗ lực đào sâu chiều kích đời tu và thanh luyện cũng không kém phần quan trọng[4] nhằm đào tạo cho Giáo Hội “những thợ gặt lành nghề”.

Đối diện với nhu cầu này, các hội dòng đang phải tăng cường và củng cố để phát huy tính năng động của mình trong Giáo Hội và xã hội. “Người ta đánh giá cao nỗ lực đáng khen nhằm tìm kiếm một cách thức thực thi quyền bính và vâng phục qua việc khẳng định, soi sáng, hợp nhất, hoà nhập và hoà giải, được gợi hứng từ Tin Mừng hơn.”[5] Những cách thức phục vụ này là hoa trái của một lòng mến: từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Kitô.

Sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm được đến con tim và khối óc của con người. Hiền Thê của Đức Kitô phải noi theo cách sống của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến với mọi người, không trừ ai..... Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha.” (Misericordiae Vultus, 12). Đây cũng là sứ mạng của mỗi tu sĩ chúng ta.

2, Nhận biết và phục vụ Đức Kitô

Được kêu gọi đi theo Đức Giêsu, người tu sĩ bước theo Người trong cuộc đời thánh hiến để tiếp tục sứ mạng của Người trên trần gian. Chính đời sống thánh hiến, dưới tác động của Chuá Thánh Thần, trở thành một sứ vụ. Người tu sĩ càng để cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thì Đức Kitô càng hiện diện và sống động trong lịch sử vì phần rỗi mọi người.

Nhiệt tâm xây dựng Nước Thiên Chuá và mang ơn cứu độ đến cho anh chị em là một bằng chứng cho thấy các tu sĩ sống đời thánh hiến thật sự dâng hiến bản thân. Do vậy, mọi nỗ lực canh tân được xem là động lực thúc đẩy cho sứ vụ phúc âm hoá.[6] Về điểm này, Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô đánh giá cao việc thường huấn trong đời tu mà qua đó, với những kinh nghiệm mà các tu sĩ có được trong khi phục vụ, họ có thể chọn lựa trong số những kinh nghiệm thiêng liêng để can đảm quyết định dấn thân phục vụ. Việc gia tăng lòng yêu mến phục vụ Đức Kitô sẽ giúp các tu sĩ biết dấn thân vì Tin Mừng. Trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều tu sĩ đã không ngần ngại dấn thân trong việc phục vụ, truyền giáo, và ngay cả dám hy sinh, với những khó khăn, để trung thành trong phục vụ.[7]

[1] Vita Consecrata, số 111.

[2] Vatican II, Lumen Gentium, số 44.

[3] Thánh Bộ về Đời Sống Thánh hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, Xuất Phát Từ Đức Kitô, số 6.

[4] Sđd, số 6.

[5] Sđd, số 6.

[6] Sđd, số 9.

[7] Sđd, số 9.