Những thách thức các nữ tu Trung Quốc đối diện

Tìm hiểu kỹ hơn về đời sống tu trì của nữ giới cho thấy một thực tại phức tạp và luôn thay đổi

Các nữ tu cầu nguyện tại một nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc. Ảnh: Michel Chambon

Ở miền bắc Trung Quốc có một dòng tu nổi tiếng đó là dòng Các Nữ Tu Thánh Tâm Đức Mẹ. Nhà dòng là một cộng đoàn thuộc giáo phận gồm có 95 nữ tu. Tại Trung Quốc chỉ có các cộng đoàn thuộc giáo phận, vì không có các dòng tu cấp quốc gia hay quốc tế được đăng ký chính thức. Nhưng nếu loại hình duy nhất này thể hiện một tổ chức đồng nhất, nhìn kỹ hơn về đời sống tu trì của nữ giới sẽ thấy một thực tại phức tạp và luôn thay đổi.

Hầu hết các dòng tu thuộc giáo phận có lịch sử lâu dài. Vào thế kỷ 19, dòng Các Nữ Tu Thánh Tâm Đức Mẹ bắt đầu chỉ có một nhóm trinh nữ sống đời tận hiến chăm sóc y tế cơ bản, giáo dục người nghèo, giảng dạy về Chúa Kitô, và trợ giúp giáo sĩ. Lối sống của họ thu hút nhiều phụ nữ trẻ đến độ năm 1932 họ trở thành một dòng tu được Tòa Thánh chính thức công nhận.

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, miền bắc Trung Quốc xảy ra hỗn loạn. Nhà Thanh tan rã, Nghĩa Hòa Đoàn mang đến thảm họa, Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu và Liên Xô nuôi dưỡng cộng sản địa phương.

Trong thời gian xảy ra nội chiến, chăm sóc y tế và giáo dục không phải là ưu tiên của các lãnh đạo Trung Quốc. Do đó, gian đoạn này cần có người phục vụ và các nữ tu đã tham gia các hoạt động như quản lý trạm xá, trường học và trại mồ côi cũng như các viện dưỡng lão.

Nhưng đến khi cộng sản nắm quyền kiểm soát nhà nước Trung Quốc năm 1949, các nữ tu đã phải bỏ sứ vụ và các dịch vụ xã hội. Các nữ tu không bỏ sang Đài Loan phải trở về gia đình. Nhưng các nữ tu lớn tuổi khẳng định nhiều nữ tu vẫn duy trì đời sống cầu nguyện bí mật và tiếp tục phục vụ những người cần giúp đỡ xung quanh mình.

Khi cộng sản Trung Quốc bớt chống tôn giáo và tiến hành cải cách vào cuối những năm 1970, các cộng đồng Công giáo và dòng tu được phép hoạt động ở những nơi công cộng. Nhờ sự giúp đỡ của giám mục địa phương và một vài người Công giáo tận tâm, hơn 10 nữ tu lớn tuổi của dòng Các Nữ Tu Thánh Tâm Đức Mẹ tập trung và bắt đầu lại đời sống cộng đoàn.

Nhưng Trung Quốc đã thay đổi. Các nữ tu phải tìm cách mới để tồn tại và phục vụ Giáo hội và xã hội cũng như tự thay đổi.

Hiện nay, các nữ tu đã xây lại một tu viện lớn trong thành phố lịch sử của họ. Trên các con đường gần đó, người ta đã quen cảnh các nữ tu mặc tu phục đặc trưng của nhà dòng. Mặc dù không còn có khả năng quản lý trường học được nữa, một vài nữ tu trợ giúp y khoa cơ bản cho những người bị bỏ rơi trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Một số nữ tu quản lý viện dưỡng lão trong tu viện.

Nhiều nữ tu phục vụ tại các giáo xứ khác trong vùng. Tại đây họ tham gia hầu hết các công tác mục vụ, giám sát việc chuẩn bị các bí tích, dạy giáo lý và giúp trông coi nhà xứ.

Rõ ràng số lượng nữ tu tương đối đông và phạm vi phục vụ rộng là nhờ ơn Chúa. Nhà dòng còn thể hiện tình yêu của Chúa Kitô trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Nhưng thách thức và khó khăn vẫn còn nhiều.

Trước hết, các nữ tu đang hết sức khó khăn về tài chính. Cho đến nay, họ vẫn sống một cuộc sống giản dị. Nhưng môi trường xã hội – tu trì của họ đang phát triển nhanh chóng. Để có thể mua bảo hiểm y tế cho cả 95 nữ tu, nhà dòng cần có một triệu Mỹ kim ban đầu và sau đó góp khoảng 100.000 Mỹ kim mỗi năm.

Nhưng do tính chất phục vụ, họ không thể kiếm được một số tiền lớn như thế do đó đa số các nữ tu vẫn không có bảo hiểm y tế. Người Công giáo Trung Quốc thích quyên tiền cho các dự án cụ thể như xây nhà chẳng hạn. Vì thế các nữ tu khó mà mong có được sự đóng góp rộng tay để giải quyết những khó khăn về tài chính của mình.

Thách thức thứ hai đối với các nữ tu liên quan đến quan điểm của các giáo sĩ Trung Quốc.

Trong bối cảnh các nữ tu dòng Các Nữ Tu Thánh Tâm Đức Mẹ học hành ngày càng cao, họ có kinh nghiệm quốc tế và chuyên môn mục vụ cao, có được mối quan hệ hòa hợp với các linh mục triều địa phương là một thách thức. Linh mục và nữ tu có quan điểm khác nhau về Giáo hội và sứ mạng cũng như bổn phận của mình.

Tất nhiên, đây là do quan điểm trọng nam khinh nữ. Trong thập niên qua, căng thẳng trong các giáo xứ địa phương giữa linh mục và nữ tu ngày càng phổ biến. Và gần như nữ tu là người cuối cùng phải ra đi.

Những căng thẳng này cũng tồn tại ở cấp giáo phận giữa một số giám mục và cộng đoàn thuộc giáo phận. Trường hợp nổi tiếng nhất là ở giáo phận Changzhi, tỉnh Sơn Tây, Đức cha Li Suguang giải tán dòng tu địa phương và tịch thu tài sản chung của họ.

Thách thức thứ 3 cũng là thách thức cuối cùng liên quan đến tên tuổi của nhà dòng. Trong lịch sử hiện đại, Giáo hội Công giáo cho rằng một dòng tu phải tự khẳng định mình thông qua một nhà sáng lập và đặc sủng riêng. Nhưng với dòng Các Nữ Tu Thánh Tâm Đức Mẹ, cũng như hầu hết các dòng tu thuộc giáo phận ở Trung Quốc, không có vị sáng lập rõ ràng như thế.

Trong một thời gian dài, các nữ tu của nhà dòng là trinh nữ tận hiến [phụ nữ Công giáo quyết định giữ trinh tiết suốt đời thường làm việc dưới sự hướng dẫn của giám mục địa phương] hoạt động trong nhiều lĩnh vực, và được người khác động viên, trong đó có các giám mục nước ngoài.

Chỉ sau này họ mới trở thành dòng tu và hiện nay họ tiếp tục điều chỉnh sứ mạng của mình. Các nữ tu Trung Quốc tự quyết định nên tập trung vào công tác chăm sóc y tế, giáo dục hay các dịch vụ khác của giáo phận.

Sau gần 40 năm tái lập và phát triển, đời sống tận hiến của người Công giáo hiện diện khá rõ ràng ở Trung Quốc hiện nay. Tuy nhiên, thách thức và khó khăn vẫn còn đó, trong đó phần lớn không phải xuất phát từ chính nhà nước nhưng từ những thay đổi kinh tế-xã hội và những kỳ vọng của Giáo hội.

(UCAN 06.09.2017)