Tâm thức “hậu hiện đại”: cơn ác mộng hay chân trời mới?

Ý niệm “Hậu hiện đại” Khoảng mấy mươi năm trở lại đây, phong cách tư duy mang tên “hậu hiện đại” đã đặt lại vấn đề cho nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc, văn chương cho đến chính trị, giáo dục, và không thể không kể đến triết học. Mặc dầu “Hậu hiện đại” đã và đang tạo nên một dấu ấn càng ngày càng rõ nét, khái niệm “Hậu hiện đại” vẫn chưa thể nào được định nghĩa cách tỏ tường và dễ dàng làm “mồi ngon” cho những lối diễn giải hàm hồ. Người ta không biết tâm thức “hậu hiện đại” bắt đầu từ khi nào, nhưng chỉ có thể khẳng định nó mới công khai xuất hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX, với sự ra đời của tác phẩm Hoàn cảnh Hậu hiện đại của Jean-François Lyotard (1924-1998).

Chủ trương của “Hậu hiện đại”

Tâm thức hậu hiện đại không tin tưởng vào tính hợp thức của các đại tự sự hiện đại (như “Phép biện chứng của Tinh thần”, “Thông diễn học về ý nghĩa”, “Sự giải phóng chủ thể lý tính và lao động”) vốn mang những đặc trưng sau đây: “tư duy toàn thể hóa, ủng hộ sự thuần nhất (homogénéité), bài trừ sự dị đồng (hétérogénéité), tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc đoán và bạo lực”[i]. Nói cách khác, các nhà tư tưởng hậu hiện đại đều chủ trương rằng tư duy hậu siêu hình không còn đặt nền trên một cơ sở tuyệt đối nào cả, cho dù giữa họ vẫn còn tồn tại những khác biệt về mặt tư tưởng, chẳng hạn, nếu như Habermas nhấn mạnh đến sự “đồng thuận”, Lyotard lại chủ trương cổ võ tính dị biệt và sự bất đồng thuận.

“Hậu hiện đại” là một cơn ác mộng?

Có lẽ đối với những ai quan niệm hậu hiện đại như là chủ trương muốn phủ nhận hay phá đổ mọi giá trị nhân văn mà “Hiện đại” đề cao như tự do, công bằng thì “Hậu hiện đại” được phác họa lên như là kẻ hủy diệt, kẻ gây ra những xáo trộn và làm cho mọi thứ “chẳng ra làm sao cả”. Nếu quả như thế, “Hậu hiện đại” ắt hẳn phải mở ra một viễn tượng đen tối, đáng kinh hãi cho con người. Chẳng lẽ tâm thức “hậu hiện đại” vốn dĩ kịch liệt phê phán những nguy cơ “khủng bố” và “độc đoán” của tư duy “hiện đại” lại đi cổ võ cho một kiểu “khủng bố” còn đáng sợ hơn sao? Một kiểu quan niệm như thế xem ra vẫn chưa làm nổi bật được giá trị của phong cách tư duy “hậu hiện đại”, thậm chí còn “bóp mép”, “xuyên tạc” tinh thần hậu hiện đại. Song song với cái nhìn tiêu cực đó, cũng có một nhận định tích cực và lạc quan dành cho “Hậu hiện đại”.

“Hậu hiện đại” là một chân trời mới?

“Hậu hiện đại” được quan niệm không phải như là một lý thuyết xuất hiện “sau” (post) thời “Hiện đại” (Modernité), cũng không phải như là một chủ trương chống hiện đại (anti-modernisme), nhưng như là nhận định có tính chất phê bình đối với những “lệch lạc” của dự án tư duy hiện đại nhằm để vượt ra khỏi lối tư duy đó. Theo hướng đi như thế, tâm thức “hậu hiện đại” muốn giải thoát con người ra khỏi mọi khuynh hướng bị đóng khung trong bất cứ kiểu “chủ nghĩa toàn trị” nào và đặt con người trong tư thế hướng về một viễn ảnh xa hơn, rộng mở hơn, về một khả thể “khác”.

Chủ trương cổ võ sự nghịch biện (paralogie) và tôn trọng sự khác biệt của “Hậu hiện đại” có lẽ không mang nghĩa là dung túng và khích lệ những hành vi như “phản đối quá tùy tiện” hay những cách hành xử như những “kẻ phá hoại mất trí”, những cách sống mất phương hướng, coi thường đạo lý luân thường, buông mình nổi trôi theo dòng đời. Nhưng ngược lại, chủ trương đó nhằm đưa con người đạt tới những giá trị theo như phát biểu sau đây của Lyotard: “Càng nhiều phản biện, càng nhiều tranh luận bao nhiêu thì càng làm phát triển trách nhiệm trước Ý niệm luân lý, càng làm chin muồi hơn điều mà Kant gọi là “sự đào luyện Ý chí”[ii]. Với một chủ trương như thế, tâm thức hậu hiện đại đã có những tác động mạnh mẽ và có ý nghĩa đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta có thể lấy làm ví dụ minh họa điển hình.

Tâm thức “hậu hiện đại” đặt lại vấn đề cho giáo dục”

“Hiện đại” đã có tham vọng hay mơ ước xây dựng một tư duy giáo dục phổ quát có thể áp dụng cho mọi người vào mọi thời dựa trên nền tảng lý tính. Phương thức giáo dục đó được hy vọng sẽ đào tạo nên những con người tài đức vẹn toàn, có khả năng mang lại hạnh phúc cho bản thân và có người khác, có khả năng kiến tạo hòa bình và đảm bảo sự phát triển cho thế giới. Ước mơ đó là tuyệt vời, đáng được khen ngợi và cần được thực hiện. Tuy nhiên, tư duy giáo dục theo kiểu “Hiện đại” có chắc chắn 100% là sẽ hiện thực hóa được mơ ước đó hay không, đó mới là vấn đề mà “Hậu hiện đại” muốn nhấn mạnh tới.

Hai cuộc Thế Chiến chắc chắn là hai ví dụ phản chứng dư sức để đánh thức những ai còn ở trong giấc mộng đó. Một ví dụ khác, nền giáo dục Pháp có thể được xem là một trong những nền giáo phát triển rực rỡ nhất  và thấm nhuần tư duy “hiện đại” nhất, đã từng được dùng làm công cụ để “khai minh” cho các nước thuộc địa, nhưng vẫn không thể đứng vững trước một “biến cố” (événement) mang tên “Hậu hiện đại”. Quả thế, khủng hoảng của nền giáo dục Pháp luôn được quan tâm và nghiên cứu, ít nhất là từ 1945[iii] cho đến ngày nay[iv]. Những trường hợp minh họa này nhằm để tái khẳng định rằng nền tảng của tư duy giáo dục hiện đại bị chao đảo và đứng trước nguy cơ bị sụp đổ trước những thay đổi và biến động của đời sống xã hội.  

Chính tâm thức “hậu hiện đại” đã mở ra một viễn ảnh mới cho giáo dục. Tư duy giáo dục ngày nay có vẻ như dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc mù quáng vào một đại tự sự về giáo dục. Người ta đã bắt đầu xem xét và đánh giá lại nhiều phương diện liên quan đến giáo dục: mục tiêu hay vai trò của giáo dục, phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy, tương quan giữa người dạy và người học, tiêu chí và cách thức để lượng giá, v.v. Một nền giáo dục đa diện và đa ngành đang được khuyến khích mạnh mẽ, chứ không còn dành quá nhiều ưu tiên cho một chuyên ngành hay cho việc phát triển một năng lực của con người.

Tư duy giáo dục hiện nay dường như không còn bị đóng khung hoàn toàn trong những “nhà tù” hay “tháp ngà” cổ kính của “Hiện đại”, nhưng nó đang mở ra với những khả thể khác để hy vọng có thể tìm thấy những lời đáp cho những vấn đề giáo dục mới vốn không ngừng phát sinh trong những môi trường xã hội khác nhau. Giáo dục Việt Nam không thể tránh khỏi được cái gọi là “tâm thức hậu hiện đại”, nhưng câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện thành công những cuộc “vượt ngục” nhằm thoát khỏi những chủ trương toàn trị về giáo dục và hướng tới một chân trời mới sáng sủa hơn?” cho đến nay có lẽ vẫn còn là một nan đề (aporie).

“Dấu chấm” (.) và “dấu chấm hỏi” (?) cho tâm thức hậu hiện đại

Chúng ta có thể đưa ra một vài đúc kết và mở rộng sau đây. Thứ nhất, tác giả bài viết này chỉ tập trung khai triển tâm thức “hậu hiện đại” xét theo nghĩa là tinh thần chung của những tư tưởng gia “hậu hiện đại”, nhằm để kín múc tối đa có thể những nguồn lợi nơi tâm thức ấy, chứ không phải để làm cho tâm thức “hậu hiện đại” trở thành cái gì đó có giá trị phổ quát và vĩnh hằng. Thứ hai, tâm thức “hậu hiện đại” nên được xem là khuynh hướng giúp mở ra một viễn ảnh, một hướng đi khác, hơn là giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại nơi tư tưởng “hiện đại” hay như là một lý thuyết. Thứ ba và cũng là cuối cùng, việc tìm hiểu tâm thức hậu hiện đại cho phép chúng ta nêu lên một vài câu hỏi như sau:

Tinh thần “hậu hiện đại” phải chăng đã bắt đầu từ thời “hiện đại” với Rousseau và Nietzsche, là những người đã phê phán khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của lý trí?

Nếu không còn dựa vào một nền tảng tuyệt đối nào nữa, “phong cách tư duy hậu hiện đại phải làm thế nào để có thể hoàn toàn tránh được khuynh hướng duy tương đối và khuynh hướng hoài nghi tuyệt đối?

Nếu ý niệm “chân lý” bị chối bỏ, ý niệm “niềm tin” liệu có đứng vững được hay không?

Liệu tâm thức “hậu hiện đại” có mở đường cho một “tâm thức” khác xuất hiện hay không?

[i] Xem J.- F. Lyotard, Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu, NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2008, p. 9.

[ii] Ibid., p. 50.

[iii]  Xem Morazé Charles. La crise de l’éducation française. In: Annales d’histoire sociale. 8ᵉ année, N. 2, 1945. pp. 120-126.  DOI : 10.3406/ahess.1945.3173. En ligne: www.persee.fr/doc/ahess_1243-258x_1945_num_8_2_3173

[iv]  Xem Franck Giol. L’EDUCATION SCOLAIRE EN FRANCE (1980-2005): ENTRE CRISE, RECOMPOSITION ET RECHERCHE D’UN NOUVEAU MODELE EDUCATIF. Congrès AREF 2010 – Communications orales, Sep 2010, Genève Switzerland. En ligne https://plone2.unige.ch/aref2010, 2011. <halshs-00597655>

Petrus Phạm Hữu Cường, CVK

Nguồn: http://dongten.net