Thánh Lễ trực tuyến và Thánh Lễ cuộc đời

Ngày 25-3-2020 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Saigon đã ra thông báo về việc tạm ngưng các sinh hoạt cộng đoàn kể từ 16g00 ngày 26.3.2020, qua đó Đức Tổng Giám mục Saigon đã nhắc nhở như sau:


“Bắt đầu từ 16g00 ngày 26 tháng 3 năm 2020, cho đến khi có thông báo mới, trong tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng giáo phận, sẽ tạm ngưng cử hành thánh lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham dự của cộng đoàn.

“Các nhà thờ không tổ chức cầu nguyện cộng đoàn, nhưng vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng trước Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa nhân loại “mọi ngày cho đến tận thế”.

 

“Không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ, anh chị em lại càng ý thức hơn về bổn phận cầu nguyện, hoặc riêng tư hay trong gia đình, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, hoặc sốt sắng tham dự lễ trực tuyến. Mỗi ngày đều có thánh lễ lúc 5g30 và 17g30 được phát trực tiếp và lưu lại trên trang mạng của Tổng giáo phận”. [1]

 

Thánh lễ trực tuyến

 

Vì lý do đó nên ngày 28-3-2020, nhiều gia đình trong các họ đạo đã bắt đầu theo dõi thánh lễ trực tuyến tại nhà. Việc này là mới mẻ nên đã gây nhiều lúng túng và lập cập cho nhiều người. Đó là chưa nói đến việc phải chuẩn bị tinh thần, thái độ và không gian thích hợp để có thể theo dõi một cách sốt sắng thánh lễ diễn ra trên màn hình nhỏ, vì nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng phân tâm, lo ra vô ích.  

 

Nhân dịp này, có người đã đề nghị nhiều cách thức cụ thể để giúp chúng ta có thể tham dự thánh lễ trực tuyến cách tích cực, chẳng hạn:

 

- Tìm nơi yên tĩnh để đặt máy tính hoặc TV;

 

- Thắp nến để thêm lòng tôn kính và sốt sắng;

 

- Lắng đọng tâm hồn để dọn mình trước thánh lễ;

 

- Trang phục xứng hợp tuy đang ở nhà mình;

 

- Tắt điện thoại và các thiết bị gây chia trí;

 

- Tham dự thánh lễ cách tích cực, đối đáp xứng hợp, theo dõi các bài đọc Thánh Kinh, nghe giảng, đứng hoặc ngồi (và quỳ gối nếu có thể) theo nghi thức thánh lễ;

 

- Không ăn uống, không trò chuyện với người trong nhà mình;

 

- Thay vì rước lễ thật, hãy đọc kinh Rước Lễ thiêng liêng, chú ý đến từng lời cầu nguyện trong kinh;

 

- Sau thánh lễ, đọc "Lời nguyện trong cơn Dịch bệnh" nếu kinh này chưa được đọc trong thánh lễ vv… [2]

 

Quả thực, tham dự lễ trực tuyến một cách sốt sắng và có hiệu quả không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng, bởi các lý do sau:

 

- Thiếu vắng sự hiện diện thánh thiêng và đích thực của Chúa Giê-su Thánh Thể, trung tâm của thánh lễ, của lễ nghi phụng tự và của cộng đoàn dân Chúa.

 

- Tất cả cử hành phụng vụ diễn ra trên màn hình dù là trực tiếp nhưng thông qua “tuyến kỹ thuật” nên sẽ thiếu một sự hiện diện “thực thể”, không có bầu khí cộng đoàn, không có hơi thở của hiệp thông, không có sức sống của cầu nguyện, của lời kinh, tiếng hát, câu đối đáp…

 

- Thánh lễ trực tuyến đưa ta vào một cảm giác gần mà xa, xa mà gần, thực thực ảo ảo vì thiếu vắng sự tương tác sống động giữa chủ tế và cộng đoàn. Ta có thể nhìn thấy chủ tế nhưng chủ tế chẳng thấy ai cả. Ta có thể nghe thấy tiếng chủ tế nhưng tiếng nói của chủ tế vang vọng đến một “cử tọa” vô hình. 

 

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, bên cạnh việc sốt sắng tham dự thánh lễ trực tuyến, chúng ta còn có những việc đạo đức khác cũng giúp ta gặp Chúa và anh em, chẳng hạn việc cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, lần hạt Mân Côi, đọc sách thiêng liêng vv.

 

Vừa qua, Đức Giám mục giáo phận Teruel–Albarracín, Đức cha Antonio Gómez Cantero đã viết một bài suy tư được công bố trên trang web của các Giám mục Tây Ban Nha Ecclesia, ngay sau khi lệnh phong toả nghiêm ngặt vì Covid-19 ở Tây Ban Nha bắt đầu có hiệu lực vào ngày 14 tháng 3, với việc đình chỉ các thánh lễ công khai và lệnh cấm công dân di chuyển tự do trên toàn quốc. Đức cha Gómez Cantero đưa ra quan sát rằng, với đại dịch Covid-19, một số linh mục đã trở nên rất lo lắng, nhất là liên quan việc phát sóng các chương trình cầu nguyện trực tuyến và phát trực tiếp các thánh lễ. [3]

 

Trong bài viết này, ngài đã thẳng thắn đặt vấn đề cho các giám mục và linh mục, rằng: “Há không phải là chúng ta đang đối xử với các tín hữu như thể họ không biết cầu nguyện và nên phụ thuộc vào hàng giáo sĩ?”

 

Ngài viết tiếp: “Điều gì quan trọng hơn, một khoảng thời gian cầu nguyện và Lectio Divina với Lời Chúa, hay việc nhìn vào một màn hình máy tính?”

 

“Hơn nữa, chúng ta biết rõ rằng một màn hình sẽ không bao giờ giúp bạn gặp gỡ chính mình, mà đó lại là điều rất cần thiết!”

 

“Tất cả các tín hữu đều là người trưởng thành và họ biết cách chịu trách nhiệm, mặc dù chúng ta không bao giờ đối xử với họ như vậy. Người tin thì luôn biết cách cầu nguyện”.

 

Thánh lễ cuộc đời

 

Dù là tham dự thánh lễ trực tiếp (nhà thờ) hay thánh lễ trực tuyến (màn hình), thì sau đó, mỗi người chúng ta đều trở về đời sống thực của mình. Đời sống với địa chỉ cụ thể, ngôi nhà cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, những con người cụ thể, nghề nghiệp và kinh tế cụ thể, những khó khăn vất vả cụ thể…  

 

Người Ki-tô hữu chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả những cái-cụ-thể ấy hợp thành một thánh lễ nối dài, đời sống mỗi người là một hiến lễ, bản thân mỗi người là một của lễ dâng lên Chúa Cha qua sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô chết- sống lại. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ tín hữu: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 1-2).

 

Vừa qua, ĐGM GB Bùi Tuần (Gp Long Xuyên), đã chia sẻ một bài viết có tựa đề “An tâm sống thánh lễ cuộc đời”, trong đó có đoạn ngài viết như sau: [4]

 

“Để phòng chống đại dịch lây lan, các nhà thờ trên khắp thế giới hiện nay đều hủy bỏ các cuộc tụ họp đông người, cho dù để tham dự thánh lễ bàn thờ, các ngày lễ trọng. Không được tham dự thánh lễ bàn thờ, đó là điều tôi đau xót. Nhưng tôi được an ủi, vì Chúa dạy tôi về thánh ý Chúa lúc này là hãy sống thánh lễ cuộc đời một cách tích cực hơn.

 

“Sống thánh lễ cuộc đời là hãy gặp Chúa Giêsu trên mọi ngả đường cuộc sống đầy khổ đau ngay tại lúc này.

 

“Ngay tại Việt Nam này, ngay chính lúc này, Chúa Giêsu đang chịu muôn vàn khổ đau để cứu các linh hồn. Đó là thánh lễ cuộc đời, mà Chúa Giêsu đang thực hiện.

 

“Chúa muốn tôi cũng hãy dùng tinh thần, tình cảm, để đi vào cuộc sống thực tế của đồng bào tôi, tại đây lúc này, để cùng với Chúa Giêsu mà cứu họ. Đó là thánh lễ cuộc đời. Tôi dâng đời tôi làm của lễ ở giữa đời. Cứu đời như thế cũng là cứu bản thân tôi.

 

“Theo tôi, sống thánh lễ cuộc đời cốt yếu là biết đau cái đau của đồng bào mình, biết khổ cái khổ của những người xung quanh mình, nhất là đối với những người túng nghèo, bệnh tật, già yếu, những người bị kỳ thị, bị ngược đãi, bị bỏ rơi.

 

“Được như vậy không phải là chuyện dễ. Phải có ơn Chúa. Mà để có ơn Chúa thì phải cầu nguyện. Lúc này, khi việc tập trung đang bị cấm, thì việc cầu nguyện rất cần được thực hiện riêng.

 

“Tôi cầu nguyện riêng, nhưng thực sư tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, với thánh Giuse, với Chúa Thánh Thần, cùng vời Đức Giáo Hoàng và tất cả Hội Thánh trên trời, dưới đất.

 

“Cầu nguyện riêng của tôi tập trung vào sám hối, xin ơn tha tội và giải cứu mọi người khỏi hỏa ngục đời này, nhất là hỏa ngục đời sau.

 

“Hỏa ngục đời này là tình trạng cố tình đi theo Satan, sống tinh thần Satan là kiêu ngạo, lừa dối, ghen tương, hận thù, chia rẽ. Hỏa ngục đời sau là tình trạng phải xa Chúa mãi mãi đời đời.

 

“Khi cầu nguyện riêng, lúc này tôi cũng tha thiết xin Chúa thương giúp tôi mau mắn hiểu được thánh ý Chúa về những sáng kiến cần có, để sống thánh lễ cuộc đời một cách thiết thực trong tình hình cực kỳ nghiêm trọng này.

 

“Dừng lại ngay, hoặc bỏ đi ngay những công trình, mà trước đây coi là tốt, nhưng bây giờ coi là không thích hợp. Đó là sáng kiến cần. Bỏ đi ngay cách suy nghĩ trước đây coi là làm sáng danh Chúa, nhưng bây giờ thì không còn thích hợp. Đó là sáng kiến cần.

 

“Làm những việc tốt nhỏ và âm thầm, không cần di chuyển, đó là sáng kiến cần. Nắm bắt ngay mọi cơ hội để phục vụ, đó là sáng kiến cần. Chọn những kinh nguyện, những bài hát sao cho thích hợp với thánh lễ cuộc đời trong diễn biến phức tạp hiện nay. Đó là sáng kiến cần.

 

“Chúng ta sẽ sống như thánh lễ cuộc đời, chúng ta sẽ chết như thánh lễ cuộc đời. Nghĩa là sống trong Chúa, chết trong Chúa”.

 

Vừa qua, báo chí Công giáo cũng nói nhiều đến trường hợp một linh mục khoác lại áo bác sĩ, đến bệnh viện giúp điều trị cho những người nhiễm virus corona. Ngài đã tuyên bố: “Bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh”. [5]

 

Trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch virus corona và nước Ý đang thiếu các nhân viên y tế, linh mục bác sĩ Alberto Debbi đã mặc lại chiếc áo trắng thầy thuốc, trở lại bệnh viện để giúp đỡ những người đang đau khổ trong phòng bệnh.

 

Báo Gazzeta di Reggio Emilia và các báo địa phương khác đã tường thuật quyết định của cha Alberto Debbi, 44 tuổi, cha sở giáo xứ Correggio thuộc tỉnh Modena của Ý. Ngày 18-3-2020, cha Debbi trở lại phòng bệnh của bệnh viện ở Sassuolo để trợ giúp y tế tại khoa phổi, trung tâm Covid-19 ở khu vực Modena, cho đến cuối tháng tư. Cha tạm cất chiếc áo dòng đen của linh mục vào tủ để mặc chiếc áo choàng của bác sĩ và phụ giúp điều trị cho những người bị nhiễm virus corona.

 

Được biết, trước khi vào chủng viện, cha Debbi đã học y khoa tại bệnh viện đa khoa của tỉnh Modena và tốt nghiệp bác sĩ năm 2001, chuyên ngành các bệnh về hô hấp. Cha đã làm việc tại khoa phổi ở bệnh viện Sassuolo gần 7 năm, nơi cha trở lại để trợ giúp trước tình trạng khẩn cấp này. Năm 2018 cha được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm đại diện của tổ chức mục vụ ở Correggio.

 

Cha Debbi đã gửi một tin trên Facebook để giải thích với các tín hữu về chọn lựa của mình: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Từ thứ Tư (18-03) tôi sẽ lại bắt đầu (tạm thời) nghề bác sĩ tại bệnh viện Sassuolo, ở khoa phổi, trung tâm Covid-19. Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khó khăn và đau khổ này, đây cũng là một cách để ‘bẻ chính mình ra’ và sẵn sàng phục vụ với mọi thứ chúng ta có. Nó đã là một phần của tôi, vẫn còn sống động, và bây giờ hơn bao giờ hết, nó thúc đẩy tôi phải dấn thân. Tôi cảm ơn Đức cha và cha Sergio đã cho tôi cơ hội để làm điều đó. Ngay cả khi ‘xa cách hơn một chút’ tôi vẫn có thể tiếp xúc bằng điện thoại di động và những cách khác ...

 

Tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện và cử hành thánh lễ cho tất cả anh chị em. Bây giờ, như một người bạn đã nói với tôi, bàn thờ của tôi lúc này chính là giường của người bệnh. Tôi chào tất cả mọi người! Can đảm lên!”. (Theo Avvenire 17-3-2020) ./.

 

Aug. Trần Cao Khải

 

__________________

 

[1] tgpsaigon.net

 

[2] Nguồn: Fbook Nguyễn Đình Diễn ngày 29-3-2020

 

[3] dcctvn.org

 

[4] facebook.com

 

[5] facebook.com