Thứ Ba 10/11/2020 – Thứ Ba tuần 32 thường niên. – Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Ba 10/11/2020 – Thứ Ba tuần 32 thường niên. – Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Đúng vị trí – làm điều phải làm.

"Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

 

* Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Người qua đời năm 461.

 

Lời Chúa: Lc 17, 7-10

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: "Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa", mà trái lại không bảo nó rằng: "Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống"? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

"Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: "Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Đầy tớ vô dụng

Suy niệm:

Vào thời xưa, những tù binh bại trận phải làm nô lệ cho phe thắng.

Khi nhân phẩm của từng con người chưa được nhận ra

thì chuyện mua bán nô lệ là chuyện dễ hiểu (Xh 21, 21).

Dân Ítraen cũng có kinh nghiệm về việc bắt làm nô lệ ở Ai-cập,

và kinh nghiệm được Thiên Chúa giải phóng để trả lại tự do.

Những kinh nghiệm này khiến cho chế độ nô lệ ở Ítraen bớt tàn nhẫn.

Người chủ không có quyền bạc đãi nô lệ của mình (Xh 21, 26-27).

Có những nô lệ còn được trao trách nhiệm quản trị thay cho chủ.

Nếu nô lệ là người Do thái thì sau sáu năm phục vụ,

năm thứ bảy anh phải được trả tự do (Xh 21, 2).

Hơn nữa, sách Lêvi còn nói đến việc chuyển đổi biên chế

để một nô lệ Do thái trở thành người làm công trong nhà (25, 39-55).

Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn nói về chuyện một ông chủ.

Ông có một đầy tớ, hay đúng hơn ông sở hữu một anh nô lệ (doulos).

Có một sự khác biệt lớn giữa nô lệ và người làm công.

Anh nô lệ được mua về, và anh phải hoàn toàn lệ thuộc vào chủ.

Khác với người làm công, anh nô lệ không được đòi hỏi gì.

Người nô lệ phải làm mọi việc chủ bảo làm

mà không được đòi lương hay bất cứ ân huệ nào khác.

Đức Giêsu mời các môn đệ đặt mình vào hoàn cảnh của ông chủ.

Có thể ông chỉ có một anh nô lệ thôi,

nên anh vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải lo việc cơm nước.

Khi anh từ ngoài đồng về, sau cả ngày làm việc,

sau khi đã vất vả đi cày hay đi chăn chiên (c. 7),

liệu ông chủ có mời anh ngồi vào bàn, ăn cơm tối cùng với mình không?

Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.

Anh sẽ phải tiếp tục phục vụ chủ bằng cách vào bếp, dọn bữa tối.

Sau khi bữa tối được dọn xong, khi ông chủ ngồi ăn uống thảnh thơi,

thì anh nô lệ phải đứng hầu bàn,

thắt lưng gọn gàng trong tư thế của người đang làm việc (c. 8).

Chỉ khi ông chủ ăn uống xong, bấy giờ mới đến lúc anh ăn uống.

“Ông chủ có biết ơn anh nô lệ, vì anh đã làm theo lệnh truyền không?”

Câu trả lời vào thời đó dĩ nhiên là không.

Ông chủ chẳng phải trả công cho anh nô lệ.

Và anh cũng không chờ bất cứ một lời khen hay ân huệ nào từ ông chủ.

Anh hồn nhiên làm điều anh phải làm mỗi ngày, thế thôi.

Dụ ngôn này của Đức Giêsu gây sốc cho chúng ta ngày nay,

những người vất vả lo việc Chúa, những người ít khi được nghỉ.

Chúng ta cũng thuộc về Chúa tương tự như một nô lệ (Cv 4, 29).

Chúng ta làm điều phải làm (c. 10),

nhưng không như người làm công chờ lương,

cũng không đòi tiếng khen, quyền lợi, hay đặc ân nào khác từ chủ.

Người tông đồ giống như người đi cày (Lc 9, 62),

chăn chiên (Cv 20, 28), hay hầu bàn (Lc 22, 27).

Khi chu toàn mọi việc được giao, vẫn nhận mình là đầy tớ vô dụng,

không một chút kiêu hãnh, đòi hỏi công lao hay tự hào về thành quả.

Thanh thoát với chính những công việc lớn lao mình đã làm,

siêu thoát khỏi cái tôi muốn phình to bằng công đức,

đó là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ cho những ai làm việc cho Chúa.

Dù sao ta không được phép nghĩ Thiên Chúa như một ông chủ tàn nhẫn.

Đức Giêsu đã mang lấy thân phận một nô lệ để cứu chúng ta (Ph 2, 7).

Ngài đã sống như người hầu bàn cho các môn đệ (Lc 22, 27).

Và Ngài sẽ cư xử như một người hầu bàn ăn cho ta

khi Ngài đến mà thấy ta vẫn tỉnh thức đợi chờ (Lc 12, 37).

 

Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

xin dạy con biết sống quảng đại,

biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

biết cho đi mà không tính toán,

biết chiến đấu không ngại thương tích,

biết làm việc không tìm an nghỉ,

biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TÔI TỚ VÔ DỤNG

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Vào thời Chúa Giê-su tồn tại chế độ nô lệ. Nô lệ không có quyền làm người. Không có quyền sống. Nô lệ được sống là nhờ chủ mua về. Vì thế anh thuộc về chủ. Biết ơn chủ ban cho sự sống. Và toàn tâm toàn ý phục vụ chủ. Vui mừng vì được phục vụ. Vì như thế anh được sống. Vì thế khi làm việc rồi anh không có gì tự hào. Đó là nhiệm vụ. Hơn nữa đó là sự sống của anh. Chỉ làm những việc phải làm thôi.

Con người phải tuỳ thuộc Thiên Chúa như thế. Vì chính Chúa ban sự sống cho con người. Và hơn nữa đã chuộc lại sự sống. Khi con người tội lỗi đánh mất sự sống. Mọi sự trong ta là của Chúa. Vì thế phải làm việc phụng sự Chúa là bổn phận của ta. Là vinh dự cho ta. Là sự sống cho ta.

Nhưng trần gian cho như thế là khờ dại. Sự khôn ngoan trần gian muốn tự khẳng định mình. Muốn chối bỏ Thiên Chúa. Muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa. Nên họ coi những kẻ phụng sự Thiên Chúa là khờ dại. Những người hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa là bị trừng phạt. Sách Khôn ngoan khuyên ta hãy kiên trì chịu gian khổ vì Thiên Chúa. Đó là những thử thách mau qua. Như lửa thử vàng. Rồi vàng ròng sẽ xuất hiện. Tôi trung của Thiên Chúa sẽ được vinh quang. “Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là Vua của họ đến muôn đời” (năm lẻ).

Một trong những thử thách là bổn phận nhàm chán hằng ngày. Người tôi trung của Thiên Chúa phải biết kiên trì và khiêm nhường chu toàn bổn phận. “Các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành”. “Vợ trẻ biết yêu chồng, thương con…Các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự…”. Sống như những người tôi trung. Vì Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho ta. “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (năm chẵn).

Là tôi tớ. Nhưng chúng ta được yêu mến. Được có một định mệnh cao quí đang chờ đợi. Trong niềm hi vọng đó, hãy trung tín chu toàn bổn phận của ta.

 

Suy Niệm 3: Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực

Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc nhớ và thương mến nhất, hẳn phải là Mẹ Terêsa Calcutta, một người đã được nhiều giải thưởng nhất: giải Magsaysay do chính phủ Phi Luật Tân dạo thập niên 60; đầu năm 1971, Mẹ lại được Ðức Phaolô VI trao giải Gioan XXIII vì hòa bình; giải thưởng Kenedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng, tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kenedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn nữa là giải Nobel Hoà bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến, cũng như những lần khác, khi một viên chức chính phủ Ấn gọi điện thoại để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".

"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực đã thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu khiêm tốn, nghèo khó, làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Thông thường, các giải thưởng cho một người nào đó như một sự nhìn nhận vào cuối một cuộc đời phục vụ làm việc hay một công trình nghiên cứu; nhưng đối với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.

Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới sẽ hiểu hơn thế nào là tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng tỏ hơn; trái lại, khuôn mặt Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.

Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi". Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?

Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: "Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại định hướng cơ bản trong cuộc sống chúng ta: đâu là mục đích và ý nghĩa cuộc sống chúng ta? đâu là giá trị đích thực mà chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng trong cuộc sống hiện tại.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nô lệ không đòi gì

“Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả theo lênh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm những việc bổn phận đấy thôi.” (Lc. 17, 10)

Đức Giêsu dùng nhiều thí dụ cụ thể trong đời sống thường ngày để loan báo sứ điệp của Người. Hôm nay Người tiếp tục giáo huấn về đức hạnh của các phần tử của Hội thánh.

Chỉ lo phục vụ chủ mình:

Biệt phái quan niệm giao ước như là một bản hợp đồng về những luật lệ của Thiên Chúa đối với con người. Khi người ta hoàn tất những giới răn như luật dạy, Thiên Chúa mắc nợ với con người: người ta có quyền đòi con nợ của mình. Quan niệm này là nền tảng cho kiêu ngạo và tự mãn của họ.

Trong khi dạy các phần tử của Hội thánh sống khiêm tốn và nương tựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đức Giêsu đối lập lại với thái độ của biệt phái. Người kể gương người nông phu đã nêu cao tinh thần phục vụ lên hàng đầu, vừa đi cày về, còn mau mau dọn cơm cho chủ ăn. Ở đây, Đức Giêsu không muốn dạy bài học luân lý. Người muốn hơn nữa: không những vô vị lợi mà còn chỉ cho con người phải sống như đầy tớ của Thiên Chúa. Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật.

Người đầy tớ làm ruộng như một nông nô không có quyền gì với ông chủ của nó. Nó phải làm điều chủ đòi nó làm. Nó không được chờ đợi bất cứ điểm tốt nào hay bất cứ một lời cảm ơn gì. Cũng thế, con người ta là một đầy tớ cùng khốn đối với Thiên Chúa. Nó không được quyền gì để cho mình có giá trị. Thiên Chúa không phải trả công hay tưởng thưởng nó. Nó chẳng đáng gì, ngoài ra phải làm phận sự đầy tớ của mình, vì chính Thiên Chúa đã ban đời sống cho nó, gìn giữ nó sống và nâng cao đời sống nó lên.

Không một phần thưởng

Các tông đồ bỏ tất cả theo Đức Giêsu và chấp nhận mọi yêu sách cốt yếu nhất của Chúa. Như Phê-rô đã hỏi: “Vậy chúng con sẽ được gì?”. Cả các ông cũng chỉ là những đầy tớ vô dụng ư? Câu đáp của Đức Giêsu là các anh đã chỉ làm việc bổn phận mình thôi. Các anh không có quyền đòi cung cấp chi hết. Do lòng thương yêu của Chúa, Chúa đã tặng không mọi sự cho con người, con người phải làm vinh danh và nhớ ơn Thiên Chúa.

Giáo huấn của Đức Giêsu muốn duy trì sự bình an trong Giáo hội. Mỗi người là một đầy tớ vô dụng, được kêu gọi làm theo lệnh Chúa, với tinh thần hoàn toàn khiêm tốn. Không ai có thể dành riêng cho mình một địa vị ưu tiên nào, vì Thiên Chúa là chủ mọi ân huệ và phân phát cho ai tùy Ngài muốn.

RC

 

Suy Niệm 5: ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ (Lc 17, 7-10)

Xem thêm CN 27 TN C

Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời...! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển...

Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ... Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa chứ không phải cho mình được nổi trội.

Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão... Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ...

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.

Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người.

Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế "Vui mừng và hy vọng" đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được vai trò của người môn đệ, và xin cho chúng con biết can đảm lựa chọn trong tinh thần của người tôi tớ. Amen.

Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News