Thứ Bảy 04/07/2020 – Thứ bảy đầu tháng, tuần 13 thường niên. – Ăn chay đẹp lòng Chúa.

Thứ Bảy 04/07/2020 – Thứ bảy đầu tháng, tuần 13 thường niên. – Ăn chay đẹp lòng Chúa.

"Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang còn đang ở với họ".

 

Lời Chúa: Mt 9, 14-17

Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?"

Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Giữ được cả hai

Suy niệm:

Mỗi năm người Do thái dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay.

Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23, 29).

Tuy nhiên cũng có những ngày ăn chay khác có tính tập thể

để kỷ niệm những biến cố đau buồn của dân tộc.

Ngôn sứ Giôen đã mời người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2, 12).

Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu

còn ăn chay do lòng đạo đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc 18, 12).

Nhìn chung bầu khí ăn chay không phải là bầu khí vui tươi phấn khởi.

Bởi đó có người cố mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi

về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c. 14).

Đối với họ ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu

trong đời sống của một nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác.

Gián tiếp Ngài nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới.

Chính vì thế chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào.

Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến.

Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17),

nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25, 1-13),

nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội.

Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn,

khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay.

Các Kitô hữu sơ khai vẫn giữ việc ăn chay (Cv 13, 2; 14, 23; 2 Cr 6, 5)

đặc biệt vào những ngày thứ tư và thứ sáu (sách Điđakhê 8, 1),

thay vì thứ hai và thứ năm như người Do thái.

Nhưng họ ăn chay không phải để chờ một Đấng chưa đến,

mà để chuẩn bị lòng mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh quang.

Đức Giêsu đem đến những giáo huấn và tinh thần mới mẻ.

Liệu có thể ghép những cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ không?

Bằng hai ví dụ, Ngài cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy hại.

Miếng vải mới được vá vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách thêm.

Rượu mới được đổ vào bầu da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy ra.

Đối với Đức Giêsu, muốn giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có bầu mới.

Bầu mới chính là cách sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa

như đã được Ngài giải thích lại trong Bài Giảng trên núi.

Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui,

bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu.

Chàng rể đã bị đem đi, nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28, 20).

Bầu khí của tiệc cưới và rượu mới

vẫn là bầu khí của mọi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.

(dịch theo Learning Christ)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Thái độ dứt khoát

Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Mới và cũ

Chẳng ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu da sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.” (Mt. 9, 16-17)

Đức Giêsu, con người tự do

Chúa Giêsu yêu mến các truyền thống, nhưng Người không phải là con người bảo thủ. Người thông thạo Lề Luật, vàbiết cách tuân thủ, nhưng không làm nô lệ cho Luật. Người tôn trọng những cái cũ, nhưng không để cho những cái đó làm trở ngại cho đời sống được canh tân và được thể hiện vuông tròn.

Chúa Giêsu yêu thích cái mới, tạo nên cái mới, sống chết vì sự canh tân. Phúc âm của Người, chính là nguồn sinh lực mới mẻ và tươi mát. Không có chi lải nhải. Chúa Giêsu không chống lại việc giữ chay theo Luật truyền. Người thường ăn chay. Nhưng không ngại bãi bỏ việc giữ chay không có lý do thích hợp vì nó cản trở niềm vui chan hòa của con người. Chúa Giêsu nhìn nhận rằng người ta không thể suốt đời cứ huênh hoang tự đắc về những tập tục cũ kỹ và những cách suy nghĩ lỗi thời. Người đã rao giảng sự canh tân thường xuyên con người, việc làm và cách làm. Người luôn có những bước khởi đầu mới mẻ, với nhiệt tình hăng say luôn mới. Người là con người tự do, có khả năng xông pha mạo hiểm.

Chúng ta có là những con người tự do không?

Chúng ta có là những con người tự do như Chúa Giêsu không? Mặc dầu vẫn phải tôn trọng quá khứ, chúng ta có được khả năng sống luôn hướng về tương lai không? Dù ở tuổi nào, ta vẫn có được óc sáng kiến, tinh thần sáng tạo chứ? Có những ngày nào, ta thấy thích thú đoạn tuyệt với nhưng lề thói cũ, sẵn sàng hướng về những phiêu lưu mới mẻ, sẵn sàng đương đầu với những thách đố mới không?

Nếu cuộc sống của ta chẳng bao giờ có được điều chi mới mẻ, nếu lòng tin của ta không hề thúc đẩy ta làm được việc gì mới lạ, nếu ta chỉ sống với những gì đã cũ kỹ, dã qua, đã được làm rồi, nếu cuộc đời thường ngày của ta, mỗi ngày chỉ là rập theo vết xe lăn cũ, thế thì chúng ta đã tự giam hãm mình vào những bầu rượu cũ và chúng ta đang sống xa, rất xa tinh thần Phúc âm rồi đấy.

 

Suy Niệm 4: HÃY ĐỔI MỚI ( Mt 9, 14-17)

Xem lại CN 8 TN B, Thứ Hai tuần 2 TN, thứ Sáu sau lễ Tro, và thứ Sáu tuần 22 TN.

Đã nhiều lần Đức Giêsu bị những người Pharisêu cho rằng Ngài không giữ Lề Luật của Môsê. Họ kết án Đức Giêsu là người vô kỷ luật. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã phủ nhận chuyện đó và Ngài đã khẳng định: “Tôi đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”. Thật vậy, Lề Luật Cựu Ước chỉ là một sự chuẩn bị cho Con Người và sứ vụ của Đức Giêsu đến mà thôi.

Nhưng nay, thời đã điểm và Đức Giêsu đã đến, Ngài hiện diện như những gì các tiên tri đã tiên báo và Lề Luật của Môsê hướng tới. Vì thế, giờ đây, chính Ngài là nội dung của Luật, nên hãy sống với một tinh thần mới chứ không phải mong đợi nữa, vì Chàng Rể là Đức Giêsu đã đến.

Tinh thần mới ở đây chính là lòng bao dung, tha thứ, hiền hòa, nhân hậu, từ bỏ con đường tội lỗi. Đổi mới bầu da cũ là bỏ đi nếp sống không còn phù hợp với Tin Mừng và thay vào đó là những cách sống mà Đức Giêsu đã vạch ra, đó là: “Mến Chúa và yêu người”. Thiên Chúa không thể đổ tràn ân sủng mới của Ngài vào trong một thân thể cũ với đầy những tội lỗi, những thù hằn, ghen ghét ...

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức mình là người tội lỗi, để đáng được đón nhận

Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News