Tuổi trẻ và Lời Chúa

 

TUỔI TRẺ VÀ LỜI CHÚA

 

Manoj Sunny

(Kỹ sư, 13 năm làm việc trọn thời gian cho mục vụ giới trẻ)
Lê Văn Khuê chuyển ngữ

WHĐ (5.8.2020) - Tôi thực sự vui mừng khi được dịp suy niệm về chủ đề “Giới trẻ và Kinh Thánh” trong bối cảnh châu Á. Tôi xin bắt đầu với lời trích từ Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2006: “Các bạn trẻ thân mến, hãy yêu Lời Chúa và yêu Giáo hội, và điều này sẽ làm các bạn tiếp cận được một kho tàng rất quý giá và sẽ dạy các bạn cách thế để đánh giá được sự phong phú của nó.”

Người trẻ là ai?

Nói chung, các cơ quan và tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc chẳng hạn định nghĩa người trẻ là những người từ 14 đến 24 tuổi. Đa số các Hội đồng Giám mục gọi họ là những bạn trẻ từ 18 đến 30 hoặc 35.

Người trẻ là tầng lớp năng động nhất của bất cứ xã hội nào và là giai đoạn quyến rũ nhất của cuộc đời. Khi chúng ta nghĩ đến tuổi trẻ, chúng ta thường nghĩ đến tất cả những gì là đẹp trong cuộc sống như thời trang, thể thao, nghệ thuật, truyền thông, những công nghệ mới, vui đùa, mạo hiểm, những mối liên hệ, chủ nghĩa lý tưởng, sáng tạo và những giấc mộng lớn. Như vậy, tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn của tuổi đời mà còn là một trạng thái tâm hồn và một thái độ. Hãy nhớ rằng gần 50% dân số thế giới là dưới 25 tuổi – đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới trẻ!

Ba đặc điểm của người trẻ châu Á:

Châu Á trẻ hơn thế giới – Văn hoá thanh niên châu 1. Á xác định văn hoá thanh niên thế giới – Sự trỗi dậy của văn hoá thanh niên châu Á như một tác động của thế giới hơn là các văn hóa thanh niên châu Mỹ hay châu Âu, đang được gia tốc bởi dân số. 61% của 3 tỷ người dưới 25 tuổi sống trên trái đất này đang sống ở châu Á. Nghĩa là 57% dân số thế giới sống ở châu Á và 47% dân số châu Á dưới 25 tuổi đời. Nói cách khác, ¼ dân số thế giới dưới 25 tuổi và sống tại châu Á. (Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ).

Một diễn tiến lý thú khác là văn hoá thanh niên càng 2. ngày càng được địa phương hoá, đặc biệt là tại Á châu. Có một khuynh hướng gia tăng chống lại sự Tây Phương hoá/Toàn Cầu Hoá. Một sự kiện rõ ràng là những kênh truyền hình hàng đầu về nhạc như MTA Á châu phát hình 80% nhạc địa phương và chỉ 20% nhạc nhập khẩu trong năm nay.

Một trong những từ quan trọng trong thế giới thanh 3. niên ngày hôm nay là “Hoà mạng”. Họ không thể tồn tại nếu không được liên lạc với nhau. Họ muốn được trang bị để tiếp xúc với những người khác 24/7 và họ cũng cần được tiếp xúc nữa.

“Đặc điểm châu Á” này được khám phá và được xác định rõ ràng nhất không phải trong sự đương đầu hay chống đối mà trong tinh thần bổ sung cho nhau và trong sự hài hoà. Chính trong bối cảnh bổ sung cho nhau và hài hoà này mà Giáo hội có thể rao giảng Tin Mừng theo một cách thức trung thành vừa với truyền thống của mình vừa với tâm hồn châu Á” (Ecclesia in Asia).

Thế giới Thanh niên châu Á: một cái nhìn cận cảnh

- Không còn điện thoại bàn trong thế giới thanh niên – Họ sẽ không bao giờ dùng nó nữa.

- Mọi sự đều trở thành di động.

- Sự kết thúc của truyền hình cổ truyền đang đến gần bởi vì tuổi trẻ không muốn xem theo thời khoá biểu của người khác. “Tôi muốn xem theo sở thích của tôi và khi tôi cảm thấy thích xem”.

- Họ sẽ có nhiều bạn ảo hơn là bạn thật. Họ thích là thành phần của các mạng xã hội vì ba lý do: họ cần tự do ngôn luận, họ cần được người khác lắng nghe họ và họ cần trải nghiệm của một cộng đồng.

- Họ là mục tiêu của mọi hàng hiệu với tư cách là một thế hệ người tiêu dùng mới và bởi vì họ tin rằng họ có vô vàn lựa chọn. Trong bối cảnh này, tôi tin là chúng ta nên có nhiều loại phong trào hoạt động cho thanh niên khác nhau để họ lựa chọn.

- Phần lớn thanh niên là học sinh, sinh viên và còn độc thân.

- Họ có nghề nghiệp, trọng y khoa, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ sư, truyền thông, công nghệ giải trí, vân vân.

- Họ thích nghĩ là mình không bị ảnh hưởng bởi các hàng hiệu hay quảng cáo, nhưng thực sự không phải vậy. Ngay khi vừa mới chào đời, mọi sự đều đã được xác định trước – phải mặc gì, dùng xà bông gì, phải xem đài truyền hình nào, vân vân.

- Các chính trị gia và các ý thức hệ thao túng họ, đôi khi dẫn đến những hành động cực đoan bạo lực.

- Thể thao tiếp tục gây ảnh hưởng lớn nơi thanh niên.

Tuổi trẻ ngày hôm nay là:

- Ăn nói thẳng thừng – họ diễn đạt tư tưởng mà không e sợ bất cứ điều gì.

- Thích được liên hệ, một từ chủ yếu của tuổi trẻ hôm nay.

- Rất cá nhân chủ nghĩa – muốn thắng với bất cứ giá nào trong cuộc đua chen làm ăn.

- Sinh ra trong một thế giới kỹ thuật số.

- Là công dân của một thế giới truyền thông với những cơ may vô hạn.

- Đa năng và đa công việc. Giỏi sử dụng mọi giác quan cùng một lúc.

- Mặt khác, sự thách thức của nghèo đói và thất nghiệp đang gia tăng và nhiều lúc tuổi trẻ bị ném vào một thế giới hậu hiện đại. Họ có thể thấy mình bị lạc lõng trong giai đoạn chuyển tiếp nhanh chóng này.

Mục vụ Giới Trẻ Công Giáo

Giáo hội có nhiều điều để nói với giới trẻ và giới trẻ cũng có nhiều điều để chia sẻ với Giáo hội (Xem thêm Christifidelis Laici, 46).

Trong thực tế, phần lớn các phong trào giới trẻ hoạt động với 2 thành phần khác nhau: thành phần thứ nhất là những người trẻ đã chịu phép rửa tội nhưng không được học hỏi về Tin Mừng hoặc đào sâu về Tin Mừng; thành phần thứ hai là những người trẻ đã không chịu phép rửa tội cũng không được giảng dạy về Tin Mừng. Chúng ta cần giúp họ có được một sự gặp gỡ riêng tư với Đức Kitô sống động, và họ cần được nâng đỡ, đào sâu và dấn thân vào công việc rao giảng. Nói cách khác, bốn công tác của Mục vụ Giới Trẻ là: 1. Giúp người trẻ có được một trải nghiệm riêng tư với Thiên Chúa; 2. Trải qua một giai đoạn huấn luyện để trở thành một Môn đệ và một tông đồ; 3. Lớn lên như một thành phần của một cộng đoàn và 4. Được gửi đi rao giảng và sinh hoa kết quả.

Giáo hội đối thoại với người trẻ

“Tuổi trẻ có một ảnh hưởng rất quan trọng trong xã hội hiện đại. Các hoàn cảnh của cuộc đời họ, của thói quen suy nghĩ, các mối quan hệ của họ với gia đình đã hoàn toàn thay đổi. Sự lớn mạnh của tầm quan trọng xã hội của họ đòi hỏi họ phải có một hoạt động tông đồ tương xứng; và quả thực, đặc tính tự nhiên của họ hướng họ về chiều hướng này” (Xem Vatican II, Apostolica Actuositatem, 12)

Có hai quan niệm sai lầm về tuổi trẻ khá phổ biến nơi giới lãnh đạo Giáo hội:

- Tuổi trẻ không ưa chuyện thiêng liêng: họ chỉ thích trò chơi và vui đùa. Cách duy nhất để thu hút họ và giữ họ lại với chúng ta là tổ chức những cuộc thi đua và những buổi vui chơi.

- Tuổi trẻ không bao giờ khép mình vào kỷ luật được. Họ không ổn định và không thể tin cậy được.

Giáo hội có nhiều điều để cho và nhận từ tuổi trẻ. Nỗ lực đồng hành với tuổi trẻ và đối thoại trong bối cảnh khó khăn này sẽ thay đổi tâm tư và bộ mặt của Giáo hội. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã nói, liên quan đến chủ đề của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2006: “Chủ đề mà tôi đề nghị với các bạn là một câu trong Thánh vịnh 119 ‘Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi’ (câu 105). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kính mến của chúng ta đã giải thích câu của thánh vịnh đó như sau: ‘những ai cầu nguyện thì nói lên không ngớt những lời cảm tạ về luật của Chúa mà họ đã lãnh nhận như ngọn đèn soi cho họ bước trên con đường đầy tối tăm của cuộc sống’” (Buổi tiếp kiến chung, thứ tư 14.11.2001).

Lời Chúa chiếu soi con đường của tuổi trẻ như thế nào?

7.1. Giúp người trẻ có được trải nghiệm riêng tư với Thiên Chúa

Câu hỏi chủ yếu của giới trẻ ngày hôm nay là “Có thực vậy không?” “Có đúng vậy không?” Cuộc sống của họ dễ bị thay đổi vì tình cảm hơn là vì lý trí. Chính ở đây mà Lời Chúa tạo nên sự biến đổi nơi người trẻ vì “Quả thế, Lời Chúa sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não, cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ” (Dt 4, 12).

“Lời hằng có và thánh thiện đi vào không gian và thời gian và mặc lấy một khuôn mặt và một bản thể con người. Chính vì thế mà sự hiểu biết tối hậu về Kinh Thánh không phải là kết quả của một sự lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả mà là một sự gặp gỡ với một biến cố, một con người, mang đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát” (Deus caritas est, 1).

Có rất nhiều câu chuyện của những người trẻ đã trải nghiệm được sức mạnh thay da đổi lòng của Lời Chúa. Khi còn trẻ tôi đã kinh nghiệm được sự sâu thẳm của tình Chúa yêu thương qua câu thi ca này của Kinh Thánh: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi” (Is 49, 15).

7.2. Giúp người trẻ trở thành thừa sai

“Nếu các người lưu lại trong lời Ta, thì hẳn thật, các ngươi là môn đồ của Ta, và các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cho các ngươi được tự do” (Ga 8, 31–32). Lời của Chúa nói thẳng với trái tim của người trẻ, và mặc dầu họ phải liên tục tiếp cận với những lời nói ngược lại với Tin Mừng, họ vẫn tiếp tục khát khao sự chân thật, sự tốt lành và chân lý. Và đối với nhiều người trẻ cũng như đối với các tông đồ, sự gặp gỡ Đức Kitô là khởi đầu cho một cuộc mạo hiểm phi thường, đó là trở thành người tông đồ giữa những người đương thời của họ. Họ bắt đầu hiểu rằng “người kitô hữu có sứ vụ thông báo lời của hy vọng bằng cách chia sẻ với những người nghèo khó và với những người đau khổ qua việc làm chứng về lòng tin của mình vào vương quốc của chân lý và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, của tình yêu và hoà bình, qua sự gần gũi với họ mà không hề phê phán hay lên án nhưng luôn nâng đỡ, sáng soi, an ủi và tha thứ. (Thông điệp kết thúc của Hội nghị các Giám mục 2008, đoạn 13).

Đúng như lời Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói trong thông điệp của ngài nhân Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2008: “Những ai để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình sẽ hiểu rằng phục vụ Tin Mừng không phải là một công việc nhỏ nhặt muốn làm cũng được mà không làm cũng không sao, bởi vì họ ý thức được sự cấp bách phải truyền đạt Tin Mừng cho người khác.”

7.3. Hướng dẫn các hoạt động thường ngày qua suy niệm Lời Chúa hằng ngày

Cổ vũ việc đọc Kinh Thánh trong giới trẻ là một trong những đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI mời gọi: “Các bạn trẻ thân mến, tôi thúc giục các bạn hãy làm quen với Kinh Thánh và luôn có sẵn Kinh Thánh bên mình để nó có thể trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho bạn. Khi đọc Kinh Thánh, các bạn sẽ học biết Đức Kitô” (Thông điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 20, tháng 4 năm 2006). Hãy nhớ lời thánh Hiêrônimô về vấn đề này: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (PL 24, 17; xem Dei Verbum, 25)

Việc đọc Kinh Thánh bao gồm nhiều bước. Trước hết là đọc đi đọc lại một đoạn Kinh Thánh và tự hỏi: “đoạn văn này có ý nghĩa gì?” (Lectio). Bước tiếp theo là suy niệm “đoạn văn có ý nghĩa gì đối với tôi” (Meditatio). Đoạn văn có liên hệ gì với cuộc đời tôi không? Chúa muốn nói với tôi điều gì qua đoạn văn trên?”. Bước nữa là nói chuyện với Chúa “Đoạn văn thúc giục tôi nói gì với Chúa?” (Oratio) nói lên sự vui mừng, cảm tạ, ngợi khen hay ăn năn, hối lỗi? và bước cuối cùng là chiêm nghiệm và hành động (Contemplatio, actio). Chiêm nghiệm là nhìn thực tại với một ánh sáng mới, ánh sáng của Lời Chúa, nhìn thực tại với một đôi mắt mới, đôi mắt của lòng tin. Và hành động ở đây là thực hiện Lời Chúa, thực hiện thánh ý Chúa. Sự kết hợp giữa chiêm nghiệm và hành động là có được tâm tình và thái độ của Đức Kitô (1Cor 2, 16), là sống trước sự hiện diện của Chúa và luôn tìm cách thực hiện thánh ý Chúa.

7.4. Giúp giới trẻ đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời họ

“Các bạn thân mến, hãy thường xuyên suy niệm Lời Chúa và hãy để Chúa Thánh Thần trở thành người Thầy của các bạn. Lúc đó các bạn sẽ khám phá ra rằng cách suy nghĩ của Chúa không giống cách suy nghĩ của loài người. Các bạn sẽ thấy mình được hướng dẫn để chiêm nghiệm Thiên Chúa thực sự và đọc được những biến cố của lịch sử qua con mắt của Ngài. Các bạn sẽ nếm được sự hân hoan đến từ chân lý. Trong cuộc hành trình của cuộc đời, thực sự không dễ dàng và đầy dẫy những thất vọng, các bạn sẽ gặp những khó khăn và đau khổ và có lúc các bạn bị cám dỗ thốt lên “lạy Chúa, con bị khốn khổ ê chề” (Thánh Vịnh 119, 107), thì đừng quên mà thêm rằng “lạy Chúa, chiếu theo lời Ngài, xin cứu sống con. Mạng con hầu như luôn luôn chết hụt, nhưng con đã không quên thánh chỉ của Ngài” (Tv 119, 107, 109). Sự hiện diện của Chúa, qua lời Ngài, là ngọn đèn xua tan bóng đêm của sợ hãi và thắp sáng lối đi ngay cả khi khó khăn nhất (Thông Điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2006).

7.5. Giúp thiết lập bản sắc kitô hữu trong cuộc sống nghề nghiệp

Kinh Thánh là điểm quy chiếu cho bất cứ ai chấp nhận để Tin Mừng hướng dẫn trong cuộc đời lao động và nghề nghiệp, để Tin Mừng soi sáng con đường nên thánh của mình.

7.6. Giúp giới trẻ lớn lên làm người kitô hữu trưởng thành

Thánh Giacôbê dạy rằng: “Hãy làm theo Lời, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Vì ai nghe Lời mà không làm, thì nó giống như người soi gương xem mặt mày ra sao. Soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào. Còn người cắm cúi vào Luật hoàn hảo, luật tự do, một cách lưu luyến, không phải nghe đấy quên đấy, nhưng là thực thi bằng việc làm, thì phúc cho người ấy vì đã thi hành” (Giacôbê 1, 22–25). Những ai nghe và luôn nghĩ đến Lời Chúa là xây dựng cuộc đời của mình trên những nền móng vững chắc. “Vậy phàm ai nghe các lời này của Ta và thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Nó sẽ không sụp đổ khi mưa sa, nước cuốn hay bão táp.

7.7. Thiết lập mối liên hệ “thầy – trò”

Kinh Thánh là một cuốn sách giáo huấn. Các giáo huấn chúng ta nhận được từ Kinh Thánh không chỉ giới hạn vào lĩnh vực trí thức hay văn hóa mà bao trùm toàn bộ cả cuộc đời, một giáo huấn về cuộc đời, bao gồm các khía cạnh khác nhau của cuộc đời, từ thiêng liêng, tình cảm, luân lý cho tới sáng tạo, huynh đệ và vĩnh cửu.

7.8. Thách thức giới trẻ từ bỏ chính mình và vượt qua cuộc sống tiện nghi để đem Tin Mừng đến cho những ai chưa hề nghe nói đến Đức Giêsu. Như đoạn 10 của Sứ điệp của Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa viết: Đức Kitô sống lại đã kêu gọi các tông đồ đang còn do dự ra khỏi chân trời yên lành của họ: “Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân. Dạy họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi” (Mt 28, 19–20).

Kinh Thánh đầy dẫy những lời kêu gọi “Đừng im lặng”, “Hãy nói ra”, “Hãy công bố lời mọi nơi mọi lúc”, “Hãy trở thành người lính canh xé tan màn đêm của sự thờ ơ lãnh đạm”. Riêng trường hợp cá nhân tôi, tôi đã trải qua một giai đoạn phân vân cách đây 13 năm không biết nên tiếp tục sự nghiệp kỹ sư của tôi hay chuyển qua công việc truyền giáo. Và một trong những lời Kinh Thánh đã cho tôi sức mạnh và quyết tâm để làm công việc truyền giáo là lời trong sách thánh Matthêu: “Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6, 33).

Xây dựng cuộc sống của mình nơi Đức Kitô, nhận lấy Lời Người với lòng hân hoan, thực hành lời dạy của Người, đó là chương trình hành động của các bạn trẻ thuộc thiên niên kỷ thứ 3. Đây là một đòi hỏi cấp bách để có được một thế hệ tông đồ mới, bám chặt vào lời của Đức Kitô, có khả năng đáp ứng các thách thức của thời đại chúng ta, chuẩn bị để phổ biến Tin Mừng rộng khắp. Đó là điều mà Thiên Chúa yêu cầu các bạn thực hiện; đó là điều mà Giáo hội mời gọi các bạn tham gia và đó là điều mà thế giới trông mong nơi các bạn cho dù thế giới không ý thức rõ rệt điều này. Nếu Đức Giêsu kêu gọi các bạn, đừng sợ đáp ứng với lòng quảng đại, đặc biệt khi Người yêu cầu các bạn theo Người bằng cuộc đời thánh hiến hay cuộc đời linh mục. Đừng sợ, hãy tin tưởng Người và các bạn sẽ không bị thất vọng (Thông điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới trẻ Thế giới 2006).

Những cách thức Lời Chúa đến với người trẻ

Truyền thông ngày nay đã bao trùm toàn thế giới, và lời kêu gọi của Đức Kitô đã mang một ý nghĩa mới: “Điều Ta nói với các ngươi trong bóng tối, các ngươi hãy nói ra nơi ánh sáng; điều các ngươi rỉ tai nghe được hãy rao trên sân gác” (Mt 10,27). Đương nhiên, lời thánh phải có được sự trong sáng nguyên khởi của nó và được phổ biến qua các bản văn in, với những bản dịch qua nhiều ngôn ngữ khác nhau của hành tinh chúng ta. Nhưng Lời Chúa cũng phải được vang lên qua các đài phát thanh, qua Internet, qua CDs, DVDs, ipod, v...v... Lời Chúa cũng phải xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, phim ảnh, trên báo chí và trong những sự kiện văn hoá và xã hội (Sứ điệp của Thượng Hội đồng – 2008, số 11).

Mang lấy hình thức của ngày hôm nay

Cũng như Đức Giêsu đã mang hình hài con người và giao tiếp với nhân loại ngay trong hoàn cảnh của con người, nhu cầu phải giải thích và trình bày Lời Chúa trong bối cảnh văn hoá và kỹ thuật của giới trẻ ngày hôm nay trở thành quan trọng hơn bao giờ hết.

Lối sống và hình thức

Trước hết, cần phải hiểu biết những lối sống nào đang tác động đến giới trẻ để có thể trình bày Lời Chúa theo những hình thức phù hợp với họ. Ngoài những yếu tố rõ ràng như nhạc và phim ảnh, cũng cần phải hiểu biết những văn hoá và ngôn ngữ nào vốn đã trở thành yếu tố một phần thiết yếu của văn hoá giới trẻ ngày nay. Điều này sẽ làm cho giới trẻ nhận thức rằng Lời Chúa không phải đã lỗi thời mà là phi thời gian và hữu hiệu ngay trong lối sống của giới trẻ hôm nay.

Do đó, về hình thức, hôm nay chúng ta bắt đầu chứng kiến những cuốn Kinh Thánh dành cho giới trẻ với những ngôn từ rất trẻ trung, những thánh lễ và phụng vụ dành cho giới trẻ, âm nhạc lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, những khẩu hiệu Thánh Kinh dán trên xe hơi và in trên áo thun, những tín thư Thánh Kinh trong nhạc R&B hay nhạc ráp, những bộ phim lấy cảm hứng từ Thánh Kinh, những địa điểm giới trẻ hay lui tới hay quán cà phê nơi mà Thánh Kinh và nhạc được trình bày, những đoạn phim video có nội dung Thánh Kinh được thiết kế cho các mạng xã hội, các mạng tin nhắn. Nhưng đương nhiên đây chỉ là những bước khởi đầu. Con đường còn dài và nhiều chông gai lắm.

Thực vậy, ngay cả ngày hôm nay khi mà internet đã trở thành hầu như phổ biến thì cũng khó mà tìm được những mạng thanh niên được yêu thích có những nội dung và hình thức được thiết kế đặc biệt để lôi kéo giới trẻ về với Lời Chúa.

Âm nhạc và Kinh Thánh

Nếu nhìn kỹ hơn đến những hình thức và nội dung mà giới trẻ ưa thích thì chúng ta sẽ thấy rằng âm nhạc có một chỗ đứng quan trọng. Nếu chữ in đã có ảnh hưởng lớn trong văn hoá và thay đổi nhận thức của các thế hệ trước thì hình thức nghe – nhìn xem ra đã chiếm lĩnh trong thế giới trẻ, đặc biệt tại châu Á.

Một cuộc thăm dò dành cho Hội nghị về Giới trẻ châu Á từ tuổi 15 đến 24 tại Trung Hoa, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam cho thấy rằng nhạc đặc biệt gần gũi với tâm tư của giới trẻ tại Ấn Độ (83%) và Philippines (80%), kế đến là Việt Nam (77%), Trung Hoa (69%), Thái Lan (67%) và Indonesia (65%).

“Mối tình giữa âm nhạc và người tiêu dùng trẻ thành thị tại Á châu là không thể phân ly, và có gì ngạc nhiên khi nhạc vẫn tiếp tục là một phần quan trọng của cuộc sống hằng ngày của họ” (Steve Garton, giám đốc điều hành truyền thông, tại Hội nghị Supnovate).

Như vậy, âm nhạc luôn là hình thức đơn giản nhất để giới thiệu Kinh Thánh cho giới trẻ hôm nay. Tuy các ban nhạc hay nhóm nhạc Kitô giáo đã tăng nhiều trong thời gian vừa qua nhưng có rất ít những nhóm nhạc được đào tạo kỹ lưỡng, tích cực về mặt thần học và trình bày Kinh Thánh với thứ nhạc hàng đầu được giới trẻ yêu thích.

Kinh Thánh cần được thính thị hoá

Nếu được yêu cầu nhớ lại điều đã ảnh hưởng đến họ thì phần lớn người trẻ hôm nay hoặc sẽ nghĩ đến một cuốn phim hoặc một bài hát nào đó chứ không phải một cuốn sách nào đó. Sự chuyển đổi từ chữ viết đến tượng hình là một đặc điểm điển hình của giới trẻ ngày hôm nay. Thay vì nghĩ đến 10 cuốn sách hay nhất thì họ nghĩ đến 10 phim hay nhất; thay vì 10 tạp chí hay nhất thì họ nghĩ đến 10 video trên mạng hay nhất; thay vì những câu trích dẫn ưa thích nhất thì họ nghĩ đến những cảnh phim ưa thích nhất. Văn hoá nghe nhìn là điều hướng dẫn thế giới trẻ.

Như vậy việc trình bày Kinh Thánh theo hình thức nghe nhìn như phim ảnh, video, hoạt hình hoặc trò chơi điện tử là thiết yếu đối với lĩnh vực truyền thông ngày hôm nay. Tuy đã có một số phim ảnh lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, nhưng thực ra quá ít để có thể có ảnh hưởng sâu rộng trên văn hoá giới trẻ hiện đại. Ngoài phim ảnh sống động, những thiết kế hình tượng và in ấn cũng là những thứ lôi kéo được sự chú ý của giới trẻ. Do đó, những áp phích, mạng vi tính, tờ dán xe hơi, áo thun có nội dung Kinh Thánh và các hình quảng bá khác cũng là những phương thức cần được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa.

Kinh Thánh theo những hình thức ngắn gọn hơn

Các mạng thông tin nhỏ như twitter và các hệ thống mạng xã hội khác như facebook cần có những câu trích dẫn Kinh Thánh và những suy tư ngắn, đặc thù, phù hợp và dễ nhớ. Do đó, chuyển tải Kinh Thánh theo hình thức mạng và điện thoại di động là cần thiết.

Kinh Thánh – thảo luận trực tuyến

Blog trên hệ thống mạng đã dần dà trở thành tương đương với những bài bình luận hàng tuần của tạp chí và những buổi hội thảo. Đối với một nhóm người tham gia thường xuyên, những blogs này trở thành nơi lui tới, nơi ẩn náu và thường ảnh hưởng đến những quyết định của họ. Từ công nghệ cho đến lối sống, những blogs tốt nhất của ngày hôm nay đã trở thành chất xúc tác trong việc tạo nên ý kiến và quan điểm khắp thế giới.

Các blogs về Kinh Thánh tạo nên một diễn đàn hoàn hảo để thảo luận về cách sống hằng ngày dựa trên Kinh Thánh hoặc những vấn đề nghiên cứu Kinh Thánh lâu dài. Ngày nay chúng ta có khá nhiều blogs dựa trên Kinh Thánh trên mạng. Nhưng blogs thanh niên thì ít hơn. Đây là một hình thức có nhiều tiềm năng thu hút giới trẻ và giúp họ dấn thân lâu dài và sâu đậm hơn với Lời Chúa.

Những điểm tiếp cận

Tiếp đến, tiếp cận giới trẻ hôm nay là tiếp cận được những địa điểm mà họ chịu ảnh hưởng. Trong vòng một thập niên vừa qua, những địa điểm đã xoay quanh internet, được chuyển tải qua những phương tiện di động, máy nghe nhìn di động và máy vi tính. Và những diễn đàn di động này luôn hiện diện trong cuộc sống của giới trẻ 24/7 liên tục ảnh hưởng đến họ. Do đó, nội dung và hình thức để quảng bá Kinh Thánh ngày hôm nay cần được thay đổi để trình bày Kinh Thánh cho thế hệ trẻ này. Sau đây là một số phương cách để Lời Chúa đến được với giới trẻ hôm nay.

Phụng vụ, các bài giảng và những suy niệm về các bài đọc trong thánh lễ được đưa lên mạng hay email.

Phụng vụ giờ kinh và các buổi đọc Kinh Thánh (Lectio Divina).

Hội thảo, những buổi nói chuyện, các lớp Kinh Thánh.

Các nhóm học hỏi Kinh Thánh.

Tài liệu để tự học hỏi Kinh Thánh.

Sách bào về Kinh Thánh.

Nhạc.

Blogs.

Các Hội nghị học hỏi Kinh Thánh trên mạng.

Nhắn tin.

Lời kinh dựa trên Kinh Thánh.

SMS.

Các nhómemail.

Kết luận

Giáo hội ở châu Á sẽ như thế nào trong những năm tới tuỳ thuộc vào cách thức Giáo hội tiếp cận với thách thức lớn lao nhất của ngày hôm nay, đó là giới trẻ đang lớn lên và thay đổi nhanh chóng. Thiên niên kỷ này đã hé rạng với lời tiên tri của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quá vãng về việc gặt hái lòng tin ở vùng đất châu Á. Bao nhiêu người trong chúng ta hiểu được sự cấp bách phải phổ biến câu chuyện về Đức Giêsu trên lục địa rộng lớn này qua hành động và lời nói của chúng ta? Và chúng ta đã có một Đức Thánh Cha ngày hôm nay hiểu được những thách thức cũng như tâm tình của giới trẻ thế giới. Ngài nói trong thông điệp của ngài nhân Ngày Giới trẻ Thế giới 2006: “Từ giây phút này, các bạn thân mến, trong một bầu khí luôn lắng nghe Lời Chúa, các bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh để các bạn có thể công bố Tin Mừng mà không sợ sệt cho đến tận cùng thế giới. Đức Mẹ đã hiện diện trong nhà hội với các Thánh Tông đồ khi chờ đợi Thánh Thần hiện xuống, xin Người là Mẹ và người hướng dẫn của các bạn. Xin Mẹ dạy các bạn biết lãnh nhận Lời Chúa, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (xem Lc 2, 19) như Mẹ đã làm suốt cuộc đời của Mẹ. Xin Mẹ giúp các bạn nói lời “xin vâng” với Chúa khi bạn sống lời xin vâng của lòng tin. Xin Mẹ giúp các bạn mạnh mẽ trong lòng tin, kiên trì trong lòng cậy và bến đỗ trong lòng mến, luôn lắng nghe Lời Chúa”.

Trong thông điệp “Giáo hội ở Á châu”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trích dẫn lời của Thánh Phaolô Tông đồ: “Mọi kẻ kêu Danh Chúa sẽ được cứu. Vậy làm sao kêu lên với Đấng mà người ta không tin? Làm sao tin Đấng mà người ta không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng?” (Rm 10, 13–14). Như vậy, chúng ta tự hỏi: “Nếu tôi không làm sứ vụ này thì ai khác sẽ làm đây? Nếu tôi không làm điều này thì tôi có thể làm gì tốt hơn trong cuộc đời tôi? Và nếu tôi không làm ngay thì lúc nào tôi mới làm?”

“Nếu chúng ta không thi hành sứ vụ này thì ai khác sẽ thi hành? Nếu chúng ta không làm điều này thì chúng ta có thể làm gì tốt hơn trong cuộc đời của chúng ta, vì nếu chúng ta không làm bây giờ thì khi nào chúng ta mới làm?”

Và cuối cùng, ai là người sẽ không bao giờ biết đến Đức Kitô nếu chúng ta chỉ làm những gì chúng ta làm hôm nay? Với tư cách là người hoạt động trong mục vụ giới trẻ trong suốt 22 năm qua, tôi cảm thấy rất vui sướng khi làm việc với giới trẻ. Đó là một ân huệ rất lớn lao. Tôi sung sướng với cuộc đời làm người thừa sai công giáo. Tôi xin kết thúc với lời cầu nguyện, với một ít từ ngữ của ĐTC Bênêđictô XVI, cầu xin Chúa làm trỗi dậy một thế hệ tông đồ mới, bám chặt vào Lời Chúa và dám mang thập giá mình mà theo chân Đấng đã yêu thương chúng ta vượt lên trên mọi giới hạn.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, số 69 (tháng 3 & 4 năm 2012)