Giáo hội và vấn đề trợ tử

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 96: GIÁO HỘI VÀ VẤN ĐỀ TRỢ TỬ

LM Cao Gia An, S.J.

Hỏi: Con thấy nhiều phong trào đang ủng hộ trợ tử. Trong khi đó con nghe Cha xứ nói Giáo hội Công giáo không ủng hộ hoặc cho phép làm điều ấy. Quan niệm đúng đắn của Giáo hội về vấn đề này là gì?

Trả lời:

Theo nguyên ngữ, “trợ tử” có nguồn gốc từ một từ Hylạp: Euthanasia. Từ này được lập thành bởi hai thành tố: tiếp đầu ngữ eu-, nghĩa là “tốt đẹp”, được thêm vào gốc từ -thanasia, đến từ chữ thanatos, có nghĩa là “chết”. Như thế, về lý thuyết, Euthanasia là thuật ngữ được dùng để chỉ về những cái chết êm đẹp, theo nghĩa là không phải vật vã đau đớn. Tuy nhiên, trong thực tế, thuật ngữ ấy được dùng để chỉ về chính hành động can thiệp của con người với mục đích giúp cho người chết có được một cái chết gọi là êm đẹp.

Trong tiếng Việt, Euthanasia có thể được dịch là “trợ tử” hoặc “an tử”. Gọi là “trợ tử” nếu đứng từ phía những người ngoài cuộc, khi các bác y bác sĩ hoặc những người thân trong gia đình quyết định can thiệp giúp cho người bệnh chết sớm hơn, với mong ước giúp cho người ấy khỏi phải kéo dài đau đớn. Gọi là “an tử” nếu đứng từ phía người bệnh, khi chính người ấy quyết định xin được chết sớm. Một tên gọi khác, hay được sử dụng cho cả hai, là “chết êm dịu”. Câu hỏi đặt ra: những cái chết như thế có êm dịu thật không? An tử liệu có phải là một quyết định sáng suốt và đáng được tôn trọng? Trợ tử liệu có phải là một hành động nhân đạo và bác ái không? Đâu là nền tảng luân lý để dựa vào đó người ta biện minh cho hành động an tử hoặc trợ tử? Tại sao Giáo hội Công giáo chẳng những đã không ủng hộ mà còn luôn phản đối và kết án mọi hình thức an tử hoặc trợ tử?

Một trường hợp trong Kinh Thánh

Có một trường hợp trong Kinh Thánh hay được gọi là “trợ tử”. Tin Mừng Gioan kể rằng, một thời gian sau khi đã đóng đinh Chúa Giêsu và hai người khác trên thập giá, nhằm tránh tình trạng có xác người chết treo trong ngày Sa-bát, những người lính đã đến xin phép Phi-la-tô để đập giập ống chân của những người tử tội còn chưa chết. Họ đã làm như thế với hai người chịu đóng đinh cùng với Đức Giêsu (x. Ga 19, 31-33).

Chúng ta biết rằng những người bị đóng đinh trên thập giá thường phải đối diện với cái chết từ từ, do đau đớn và mất máu. Khi bị treo giăng ngang hai tay trên cao, cả cơ thể của người tử tội trên thập giá sẽ bị trì xuống, lồng ngực bị ép lại làm cho hô hấp của người ấy trở nên rất khó khăn. Thỉnh thoảng người ấy phải đạp chân vào điểm tựa bên dưới, nâng cơ thể lên, làm cho lồng ngực được giãn ra và có thể thở được. Khi ống chân bị đập giập, chỉ cần vài phút sau người ấy sẽ chết vì không thở được. Do đó, việc đập giập ống chân của những tử tội bị đóng đinh trên thập giá được nhiều người xem là một hành động trợ tử. Nếu bạn đặt mình vào vị trí của người tử tội trên thập giá, đang cố nhoi người để tìm từng hơi thở, bạn có thật sự muốn ống chân của mình bị đập giập không? Bạn có muốn được trợ tử không? Nhìn vào từ góc độ bên ngoài, việc đập giập ống chân của tử tội trên thập giá có thể được xem như một hình thức nhân đạo, hay đơn giản đó chỉ là bước cuối cùng của một quy trình giết người?

Những lối lý luận khác nhau

Thật ra, từ rất sớm trong dòng lịch sử nhân loại, việc an tử hoặc trợ tử đã được bàn đến. Có nhiều lý luận ủng hộ, và có nhiều trường hợp an tử được nhắc đến. Lý luận chính của những người theo hướng này là: con người có quyền chọn cho mình một cái chết xứng đáng với phẩm giá của mình.

Chẳng hạn, khi bị cáo tội làm băng hoại giới trẻ, bị tống giam, và bị kết án bất công, Socrates đã chọn uống thuốc độc để được chết một cái chết xứng đáng với phẩm giá của mình. Trong những câu chuyện chiến tranh, có trường hợp những quân nhân bị dồn vào bước đường cùng đã chọn kết liễu mạng sống mình thay vì phải bị rơi vào tay quân thù.

Ngày nay không hiếm trường hợp những người bệnh xin cho mình được chết, để khỏi trở thành gánh nặng cho những người thân của mình. Cũng có trường hợp chính những người thân hoặc chính các nhân viên y tế quyết định ngừng mọi chăm sóc y tế cho người bệnh để người ấy được chết sớm. Không thiếu trường hợp chính những người có chuyên môn về y khoa đi bước trước, hướng dẫn và giới thiệu về khả thể an tử hoặc trợ tử.

Tuy nhiên, cũng rất sớm trong dòng lịch sử nhân loại, đã có nhiều ý kiến hoàn toàn ngược lại. Một trong những cung giọng đáng lưu tâm nhất là Hyppocrates, ông tổ của ngành y. Trong bản văn được gọi là “lời thề Hyppocrates”, vẫn còn được hầu hết tất cả các y bác sĩ đọc trong nghi thức tuyên thệ khi ra trường, có đoạn này: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu. Tôi sẽ không tự mình gợi ý cho họ. Cũng vậy, tôi sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai”. Hyppocrates cũng trình bày rõ quan điểm y khoa của mình: “Tôi sẽ không bao giờ cho toa thuốc chết người để làm hài lòng một ai đó, cũng sẽ không bao giờ đưa ra những lời khuyên có thể dẫn đến cái chết”. Theo Hyppocrates, ơn gọi của y khoa ngay từ khởi đầu là phò sự sống. Một người theo học y khoa mà lại ủng hộ việc trợ tử là phạm vào y đức và phản bội chính cội nguồn của mình.

Nền tảng của những quyết định

Tại sao có những quyết định trái chiều như thế? Đó chỉ đơn giản là những ý kiến trái chiều, và ý kiến nào cũng đáng được tôn trọng, hay ẩn đằng sau những ý kiến trái chiều ấy là những nền luân lý hoàn toàn khác nhau, cần được chúng ta cân nhắc và suy xét cẩn thận?

Nếu bạn là người theo chủ nghĩa duy vật, tin rằng con người chỉ thuần là vật chất và sự sống thật ra chẳng có một giá trị thánh thiêng nào, thật dễ và gọn gàng để quyết định, phải không?

Hitler đã từng mơ về một nhân loại hùng cường bằng cách lập kế hoạch loại bỏ hết những người già yếu và bệnh tật. Stalin từng tắm máu hàng chục ngàn sinh viên biểu tình để dập tắt tiếng nói của những người đi ngược với mình.

Nếu tin rằng con người chỉ thuần là vật chất, như một con chó chết là hết chuyện, người ta rất dễ tự cho phép mình quyết định theo hướng mà họ cảm thấy là cần, là tốt, là ổn. Nếu tin rằng con người chỉ thuần là “phương tiện sản xuất”, chẳng có gì đặc biệt, cá vị, thánh thiêng, rất dễ để một số người có quyền và có khả năng quyết định sinh tử vận mệnh của một số những người khác, phải không?

Dĩ nhiên, chúng ta không thể loại trừ trường hợp có những người phải quyết định với ý hướng ngay lành và với lòng thương cảm thật sự. Đó là những quyết định đau đớn xé lòng. Có những người đau khổ lâu năm trên giường bệnh, họ xin được chết để chấm dứt những đau khổ của đời mình, và để mình không còn là gánh nặng cho những người thân. Có những người thấy người thân của mình phải vật vã lâu năm trên giường bệnh, không đành lòng, nên muốn tìm cách trợ giúp để người ấy an bình ra đi và không phải chịu đau đớn khổ sở nữa. Cả hai đều xuất phát từ ý hướng tốt, nhân danh lòng bác ái để giúp giải thoát con người khỏi khổ đau. Nếu chỉ nhìn từ góc độ cảm tính, những quyết định ấy cần được thông cảm, phải không? Nhưng bạn có tin rằng trong bất cứ trường hợp nào, một con người có thể có quyền quyết định sinh tử đối với một con người không?

Nếu bạn tin rằng có một Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, chính Thiên Chúa ấy mới là chủ tể của mọi sự sống, thì mọi chuyện sẽ rất khác, phải không? Quan điểm của Giáo hội được xây nền từ đây.

Quan điểm của Giáo hội

Xác tín nền tảng của Giáo hội Công giáo là thế này: con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Dù là bụi đất mọn hèn, con người mang nơi mình tính thánh thiêng của sự sống được thông truyền từ chính Thiên Chúa (x. 2,7). Sự sống ấy là thánh thiêng, và do đó, bất khả xâm phạm. Sự sống ấy không thuộc về chính con người, nhưng thuộc về Thiên Chúa. Như vậy, con người hoàn toàn không có quyền quyết định, nhất là quyết định chấm dứt đối với sự sống, dù đó là sự sống của mình hay của một ai khác.

Có rất nhiều tài liệu của Giáo hội lên tiếng với cung giọng mạnh mẽ bảo vệ sự sống và lên án những lạm quyền của con người đối với sự sống. Chúng ta chỉ xét đến một vài tài liệu quan trọng gần đây.

Tin vào tính thánh thiêng của sự sống và phẩm giá cao vời của con người, Công Đồng Vatican II (1965) đã gọi trợ tử là một điều ô nhục, sánh ngang với những tội ác khác như phá thai, nô lệ, mãi dâm, buôn người… vì tất cả những điều này xâm phạm đến sự sống và nhân phẩm của con người (x. Gaudium et Spess, số 27). Khi một con người tự cho mình quyền hạn để quyết định sinh tử và vận số của một con người khác, người ấy tự biến mình thành một ông chủ, một thiên chúa, và người khác bị giản lược thành một đối tượng, một vật thể, một món hàng, một sự vật… chứ không còn là một con người có phẩm giá nữa.

Sau Công Đồng Vatican II, một tài liệu quan trọng chính thức của Giáo hội về vấn đề này là Tuyên ngôn ngắn của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1980. Tài liệu này tuyên bố: “Chẳng điều gì và chẳng một ai có quyền cho phép việc giết chết một con người vô tội, dù đó là một thai nhi trong bụng mẹ, một hài nhi mới chào đời, một người mang những chứng bệnh không thể cứu chữa hay một người đang chết.”[1]

Gần đây nhất, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người gióng lên những cung giọng mạnh mẽ nhất ngang qua những giáo huấn phò sự sống. Trong Tông Thư Evangelium Vitae ban hành năm 1995, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng trợ tử hoặc an tử là một hành động nghiêm trọng vi phạm luật Thiên Chúa. Dù người ta có nại vào bất cứ lý do gì đi nữa thì cũng không thay đổi được bản chất của việc can thiệp làm cho một con người chết sớm hơn: tự nó là một hành động giết người. Không một lý do gì có thể biện minh cho việc giết một con người (số 65).

Với những người nại vào lý do thương xót và nhân đạo để ủng hộ trợ tử, Đức Giáo Hoàng phản biện: “Lòng thương xót thật sự dẫn chúng ta đến việc chia sẻ nỗi đau với người khác, chứ không phải là giết chết người đang đau khổ chỉ vì chính chúng ta không chịu đựng nổi sự đau khổ của họ” (số 66). Ngài cảnh tỉnh rằng chúng ta phải rất tỉnh thức để không phò theo văn hoá sự chết là văn hoá khiến con người hành động tiếm quyền của Thiên Chúa, làm hạ giá nhân phẩm con người, chống lại sự sống, tấn công vào nhân loại.

Như thế, theo lối nhìn của Công giáo, sự sống tự bản chất mang một giá trị thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Mạnh khoẻ hay ốm đau, lành lặn hay tàn tật… tất cả đều chỉ là những dạng thức bên ngoài của sự sống. Sự sống của con người từ lòng mẹ cho đến lòng đất phải được xem là thánh thiêng và phải được tôn trọng cách tuyệt đối. Do đó, Giáo hội chưa bao giờ cho phép hay ủng hộ việc trợ tử.[2]

Ngược lại, Giáo hội luôn có những lối tiếp cận mục vụ để có thể gần gũi và thể hiện lòng thương cảm cách thật sự với những người bệnh đang tuyệt vọng và buông xuôi. Chẳng hạn, Giáo hội dạy rằng trong trường hợp an tử, lời xin được chết thực chất trong thẳm sâu là tiếng kêu tuyệt vọng của một con người bệnh đang cần đến tình yêu, tình liên đới, tình người. Điều mà một bệnh nhân đang đối diện với cái chết thật sự cần không chỉ là thuốc men và những can thiệp y khoa, nhưng quan trọng hơn là tình yêu và hơi ấm của tình người, chứ không phải là một giải pháp gọn gàng tiện lợi. Trong rất nhiều trường hợp, lời xin chết của một người thực chất là một tiếng kêu cứu và phản ánh khát vọng sâu thẳm của một người muốn được sống và được đối xử xứng đáng với phẩm giá con người.

Hơn nữa, cần nhận ra rằng nhiệm vụ của y tế và những phát triển y khoa chưa bao giờ là giúp cho con người chết. Cả những khi không còn hy vọng gì nữa, con người vẫn có quyền được chăm sóc.

Cuối cùng, cần nhận ra rằng an tử hay trợ tử không chỉ là một vấn đề tách biệt và cô lập. Luôn có những hệ luỵ kèm theo. Chẳng hạn, nếu trợ tử là được phép, thì án tử hình cũng là điều nên được ủng hộ, phải không? Người ta nhân danh luật pháp chính đáng để kết liễu một mạng người. Theo cách đó, sai lầm vì đã gây ra cái chết cho một người lại được sửa sai bằng cái chết của một người khác. Bạn có nghĩ công bằng theo cách đó là đúng đắn không?

Cũng vậy, nếu trợ tử là được phép, đâu có lý do gì để phản đối việc phá thai, phải không? Những người muốn phá thai thực ra luôn có “lý do” của họ. Nào là họ chưa được chuẩn bị để làm cha làm mẹ. Nào là đứa con sinh ra sẽ là một gánh nặng hay một chướng ngại về công việc và tương lai của họ. Nào là đứa trẻ có nguy cơ sinh ra không phải là một đứa trẻ lành lặn, thay vì không sinh ra thì hơn là để con mình phải sống một cuộc sống tật nguyền… Tất cả đều là những lý luận theo hướng cảm tính và ích kỷ. Nhưng quan trọng hơn cả, người ta đặt mình làm chủ tể của sự sống, tự cho mình quyền sinh sát trong tay đối với những con người chưa thể hoặc không thể tự quyết về cuộc sống của mình.

Chẳng có một cái chết nào có thể được gọi là dịu êm, nếu đó là cái chết đến từ sự can thiệp của con người. Nếu bạn tin rằng con người mang nơi mình sự sống đến từ Thiên Chúa, sự sống không chỉ là một quà tặng vô giá mà còn là một điều thánh thiêng bất khả xâm phạm. Nếu cả tính thánh thiêng của sự sống mà còn bị tước khỏi con người, cả sự sống và cái chết của con người còn có ý nghĩa gì nữa chăng?

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (08.08.2023)

Đọc thêm những câu hỏi đã được trả lời:

Bài 109: "Hôn nhân đồng tính" có theo luật tự nhiên và thiên luật?

Bài 108: Của cho không bằng cách cho

Bài 107: Ý nghĩa của lao động

Bài 106: Tình yêu Thiên Chúa và sự dữ trong thế giới con người

Bài 105: Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Bài 104: Đức Giêsu, người thật việc thật

Bài 103: Người tu sĩ đồng tính

Bài 102: Ấp ủ ơn gọi

Bài 101: Cám dỗ nơi người tu sĩ

Bài 100: Bình an nội tâm

Bài 99: Nguồn sống đang bị đe dọa

Bài 98: Công việc người trẻ trong đường hướng của Thiên Chúa

Bài 97: Giáo dân xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô

Bài 96: Giáo hội và vấn đề trợ tử

Bài 95: Thời đại 5G mà còn cầu nguyện à?

Bài 94: Đức tin hay mê tín

Bài 93: Khủng hoảng đức tin có tội chăng?

Bài 92: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong vụ nổ Big Bang?

Bài 91: Khi nào đến ngày tận thế?

Bài 90: Thiên đàng hỏa ngục hai bên

Bài 89: Đòi hỏi của Chúa Giêsu có còn hợp với thời đại công nghệ?

Bài 88: Kính lão đắc thọ

Bài 87: Sự sống thai nhi – Hồng ân bị loại bỏ

Bài 86: Người ngoại đạo chết, linh hồn sẽ đi đâu?

Bài 85: Con nhà người ta

Bài 84: Quan điểm của Giáo hội về hôn nhân đồng tính

Bài 83: Vấn đề ly hôn của người Công giáo

Bài 82: Để trở nên cha mẹ Công giáo tốt

Bài 81: Thánh Giuse - Đấng bảo hộ gia đình

Bài 80: Kinh Thánh có thật là Lời Chúa?

Bài 79: Hỗ trợ sinh sản thông qua y học, nên hay không?

Bài 78: Người kitô hữu sống đức tin giữa lòng thế giới

Bài 77: Không biết không thể phục vụ

Bài 76: Một Giêsu cho người trẻ

Bài 75: Cách Giáo hội đồng hành với con người

Bài 74: Vấn đề độc thân của linh mục

Bài 73: Tình yêu thực sự là gì?

Bài 72: Sống trung thành trong giao ước hôn nhân

Bài 71: Nhẫn nhục làm nên hạnh phúc gia đình

Bài 70: Bất khả phân ly

Bài 69: Gia đình khác đạo

Bài 68: Vượt qua lười biếng

Bài 67: Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa

Bài 66: Chúa ơi! Con là người ngoại giáo

Bài 65: Kính nhớ tổ tiên theo truyền thống dân tộc

Bài 64: Giáo hội và vấn đề đồng tính

Bài 63: Kitô hữu là ai?

Bài 62: Chỉ một lần sống trên đời, nên sống sao cho trọn vẹn?

Bài 61: Hoàn thiện trong Đức Kitô

Bài 60: Nghe là làm theo Lời Chúa

Bài 59: Vấn đề sự sống đời sau

Bài 58: Các Thánh trong Cựu Ước và Tân Ước

Bài 57: Ươm mầm đức tin

Bài 56: Tự do

Bài 55: Sống chiều sâu

Bài 54: Bận lòng cùng Chúa

Bài 53: Đức Mẹ đồng trinh trọn đời

Bài 52: Tóm lược đạo Công Giáo

Bài 51: Vợ, hay "con vợ"?

Bài 50: Gia đình Công Giáo đóng góp cho xã hội Việt

Bài 49: Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình

Bài 48: Khôn ngoan thì tha thứ

Bài 47: Thủ dâm có phạm tội không?

Bài 46: Chúa dựng nên con cách lạ lùng

Bài 45: Người Công Giáo có nên đi xem bói?

Bài 44: Thiên Chúa và sự đau khổ

Bài 43: Nguyên nhân người trẻ rời xa Thiên Chúa

Bài 42: Khi con đau khổ, Thiên Chúa ở đâu?

Bài 41: Làm sao tu? Tu làm sao?

Bài 40: Con người trực giác về Thiên Chúa

Bài 39: Sao Thiên Chúa trong Cựu ước ác thế?

Bài 38: Hai nhân vật Giuse trong Kinh Thánh

Bài 37: Phương tiện truyền thông xã hội

Bài 36: Những nơi thờ phượng

Bài 35: Thiên Chúa ở đâu trong trái tim tôi?

Bài 34: Robot thánh

Bài 33: Sống cảm thức cùng Giáo hội

Bài 32: Lập gia đình theo luật Công giáo

Bài 31: Quan điểm của Giáo hội Công giáo về các phương pháp ngừa thai

Bài 30: Có Thiên Chúa thật không?

Bài 29: Cám dỗ tính dục

Bài 28: Chết trong an bình?

Bài 27: Thái độ dành cho những người thuộc giới tính thứ ba

Bài 26: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 2)

Bài 25: Đức tin bén rễ trong Chúa & hoà điệu với đời sống hằng ngày (phần 1)

Bài 24: Giống nhau không?

Bài 23: Khoa học và đức tin: Tưởng thù hóa ra bạn

Bài 22: Để tin vào Thiên Chúa vô hình

Bài 21: Một đời để sống

Bài 20: Những ngày lễ truyền tin của cuộc đời

Bài 19: Cảm nghiệm về Thiên Chúa!

Bài 18: Kế hoạch của Thiên Chúa trong đời ta

Bài 17: Nghiệp quả từ góc nhìn của đức tin Công giáo

Bài 16: Tương thân tương ái

Bài 15: Áo giáp chống nạn

Bài 14: Đức tin kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội

Bài 13: Vấn đề truyền giáo

Bài 12: Thờ kính ông bà tổ tiên

Bài 11: Truyền giáo cho người trẻ ngoại đạo

Bài 10: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Bài 09: Vấn đề “theo đạo rồi mới cho cưới”

Bài 08: Gieo suy nghĩ tốt

Bài 07: Nhanh từ từ thôi

Bài 06: Hiện tượng bóng ma

Bài 05: Vượt qua khủng hoảng!

Bài 04: Vấn đề rước Mình Máu Thánh Chúa

Bài 03: Đừng cám dỗ nhau nhé!

Bài 02: Sao lại kỳ thị người tu xuất?

Bài 01: Nhận định ơn gọi cho cuộc đời

Lời giới thiệu: Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo

 

[1] Sacred Congregation for the Doctrine of the Faith, Declaration on Euthanasia, II

[2] Giáo lý Hội Thánh Công giáo về cái chết êm dịu (Euthanasia)

2276. Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn hoặc khuyết tật (handicap) phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống bình thường, bao nhiêu có thể.

Cái chết êm dịu trực tiếp, với bất cứ lý do nào hoặc dùng phương tiện nào, cốt tại việc chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được.

Như vậy, một hành động hoặc một thiếu sót, tự nó hoặc với ý hướng, gây ra cái chết để chấm dứt sự đau đớn, là một tội giết người, nghịch lại một cách nghiêm trọng với phẩm giá của nhân vị và với sự tôn trọng Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Hoá của con người. Một phán đoán sai lầm mắc phải cách ngay tình, không thay đổi bản chất của hành vi sát nhân này, một hành vi luôn phải cấm chỉ và loại trừ (X. Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Tuyên ngôn Jura et bona: AAS 72 (1980) 542-552).

Việc ngưng các phương tiện y khoa, quá tốn kém, mạo hiểm, ngoại thường hoặc không tương xứng với những kết quả mong muốn, có thể là hợp pháp. Đây là sự từ chối “việc trị liệu khắc nghiệt”. Theo cách này, ta không muốn đưa đến cái chết, nhưng chấp nhận vì không thể ngăn cản được cái chết. Chính bệnh nhân phải quyết định, nếu họ có thẩm quyền và khả năng, nếu không, việc quyết định phải do những người có quyền theo luật pháp, nhưng luôn phải tôn trọng ý muốn hợp lý và quyền lợi hợp pháp của người bệnh.

Dù cái chết xem ra gần kề, vẫn phải chăm sóc bình thường cho bệnh nhân, chứ không thể ngưng một cách hợp pháp. Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, để làm dịu bớt sự đau đớn của người hấp hối, cả khi có nguy cơ rút ngắn những ngày sống của họ, về mặt luân lý có thể được coi là phù hợp với nhân phẩm, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích hay như phương tiện, nhưng chỉ tiên đoán và phải chấp nhận cái chết như điều không thể tránh. Việc chăm sóc để giảm đau là một hình thức tuyệt vời của đức mến vô vị lợi. Vì thế, công việc này cần được khuyến khích.

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/