Mục vụ và Tin Mừng hóa của Hội Dòng Gioan Thiên Chúa

CHIỀU KÍCH MỤC VỤ VÀ TIN MỪNG HÓA

CỦA HỘI DÒNG GIOAN THIÊN CHÚA

Trong Hội Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa ta nói về việc chăm sóc mục vụ ở hai mức độ: ở mức độ thứ nhất, ta nhìn việc ấy như việc tin mừng hóa và do đó cũng là việc mục vụ, như chiều kích của sứ mạng được Hội Dòng, nói theo thuật ngữ thực tế và có thể hiểu được, thực hiện trong mọi Trung Tâm Tông Đồ của ta. Ở mức độ thứ hai, ta ám chỉ tới sứ mạng đặc biệt do Ban Chăm Sóc Tôn Giáo và Thiêng Liêng thực hiện, một ban mà mọi Trung Tâm Tông Đồ trong Hội Dòng đều phải có, và gồm việc quan tâm đến những nhu cầu tôn giáo và thiêng liêng của các thân chủ của ta và gia đình họ, cũng như gồm các Anh Em ta và các Cộng Tác Viên trong các Trung Tâm của ta.

Mức độ này rõ ràng đã tạo nên một đặc tính căn bản của sứ mạng và kế hoạch Trợ Thế đặt nền trên Tin Mừng của các trung tâm của ta và góp phần quan trọng cho việc theo đuổi sứ mạng tin mừng hóa và mục vụ của những trung tâm này. Trong chương này, ta sẽ bàn cách đặc biệt về mức độ thứ nhất nói trên và sẽ diễn tả cách vắn gọn một số yếu tố của mức độ thứ hai, sẽ được khai triển chi tiết hơn trong các chương sau trong văn kiện này.

SỨ MẠNG CỦA HỘI DÒNG TRỢ THẾ: TIN MỪNG HÓA

Với tư cách là một hội dòng của Hội Thánh, sứ mạng hàng đầu của Hội Dòng ta là Tin Mừng hóa. Điều này đã được tuyên bố trong mọi văn kiện và tuyên bố của Hội Dòng: “Được ơn ta đã lãnh nhận khích lệ; ta hiến thánh đời mình cho Thiên Chúa và hiến thân phục vụ Hội Thánh trong việc trợ giúp các bệnh nhân và những người nghèo túng, ưu tiên cho những người nghèo khổ nhất. Như thế, ta chứng tỏ rằng Đức Kitô đầy lòng xót thương và nhân hậu của Tin Mừng vẫn đang sống giữa con người và ta làm việc với Người vì ơn cứu độ của những người ấy”[1]

“Việc tin mừng hóa thế giới đau khổ, khốn cùng này bằng cách đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe và/ hoặc các trung tâm và các viện xã hội, là những đơn vị cung cấp việc trợ giúp toàn diện cho con người”[2] theo cách của thánh Sáng Lập Gioan Thiên Chúa. “Việc chăm sóc sức khỏe và các Trung Tâm xã hội của ta là các công trình của Hội Thánh, nên sứ mạng của các nơi ấy là tin mừng hóa, khởi sự bằng cách dốc toàn tâm lực vào và chữa trị các bệnh nhân và những người nghèo túng”[3]Hội Dòng thi hành việc tin mừng hóa bằng cách thực hành việc Trợ Thế: nhất là bằng việc đọc Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô qua ánh mắt nhân từ và Trợ Thế, và nhờ những đoàn sủng và những ơn đặc biệt thánh Gioan Thiên Chúa đã lãnh nhận và ta cũng đang nhận lãnh.

Đức Gioan Phaolô II khuyến khích “Việc Tin Mừng hóa mới” đang có được những tiếng vang rất quan trọng trên Hội Thánh: đây cũng là việc tin mừng hóa vẫn luôn được thực hành trong Hội Thánh trước đây, nhưng việc tin mừng hóa ấy phải mới mẻ trong nhiệt tâm, trong phương pháp và cách diễn tả[4]. Điều này tạo nên nền tảng để ta nói về “Việc Trợ Thế Mới” trong Hội Dòng:

“Việc trợ thế ấy hiện gồm việc thực hành và thể hiện ơn ta được kế thừa từ nơi thánh Gioan Thiên Chúa khi sử dụng một thứ ngôn ngữ mới và bằng những hành động và phương pháp nhận được từ trong quá khứ mà hiện vẫn đáp ứng được các nhu cầu và ước vọng của những con người đang phải chịu bệnh hoạn, già nua, bị hất ra bên lề xã hội, thiểu năng, nghèo khổ và cô đơn”[5]

Và tất cả những điều ấy đã bắt đầu với thánh Gioan Thiên Chúa tại Granada, cách đây gần 500 năm. Bị đánh động bởi một kinh nghiệm mãnh liệt về tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mình, thánh Gioan cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi truyền thông tình yêu nhân ái ấy cho hết mọi người; nhất là cho các bệnh nhân, những người nghèo khổ và túng quẫn. Chính từ lúc ấy và từ lúc khai sinh ra Hội Dòng mà “lý do của sự hiện hữu của ta trong Hội Thánh chính là sống và thể hiện việc Trợ Thế theo tinh thần của thánh Gioan Thiên Chúa”[6]. đó cũng là chuyển giao tình yêu nhân từ của Thiên Chúa cho mọi người.

Vì thế mà việc tin mừng hóa chính là nền tảng của sứ mạng của Hội Dòng và việc tin mừng hóa ấy bao hàm việc bước theo Đức Giêsu Nazaret, người Samarita nhân hậu (Lc 10, 25), Đấng đã đi khắp cùng thế giới để làm ơn cho mọi người (x. Cv 10, 38) và chữa lành mọi thứ bệnh hoạn, tật nguyền (Mt 4, 32) như thánh Gioan đã làm, toàn hiến cho việc phục vụ bệnh nhân và những người nghèo khó[7].

Một đặc điểm rất quan trọng của sứ mạng Hội Dòng là nhu cầu diễn tả chiều kích có tính ngôn sứ của Hội Dòng[8]. Đây là một trong những đặc điểm nguyên thủy nhất của tinh thần Trợ Thế của thánh Gioan Thiên Chúa, người đã hiến mình cho Chúa Giêsu Kitô, bằng cách tự đồng hóa mình với người nghèo khổ, bệnh hoạn và phục vụ họ cho tới khi qua đời, làm lóe lên những con đường mới trong Hội Thánh và xã hội. Và mãi cho tới hôm nay, ai trong chúng ta đang cùng nhau làm nên Gia Đình của thánh Gioan Thiên Chúa đều được mời gọi sống và thể hiện chiều kích ngôn sứ của tinh thần Trợ Thế[9] nhờ chứng tá cuộc sống, khi ưu tiên chọn người nghèo[10], mặc lấy nhiệm vụ thức tỉnh lương tâm con người về thảm kịch nghèo đói và những đau khổ của con người, mặc lấy nhiệm vụ trở thành tiếng nói cho những kẻ thấp cổ bé miệng, bằng cách đề nghị với thế giới này lấy nền văn hóa Trợ Thế để đương đầu với nền văn hóa thù nghịch và tự gắn mình với một thứ Trợ Thế nâng cao sức khỏe, phẩm giá và các quyền của con người.

Ta thường nói về việc Tin Mừng hóa và việc Chăm Sóc Mục Vụ như thể đó chỉ là một việc duy nhất, nên ở đây cần phải làm sáng tỏ việc sử dụng và ý nghĩa của hai thuật ngữ này. Ở trên ta đã nói về việc Tin Mừng hóa. Bây giờ ta nói về việc Chăm Sóc Mục Vụ như một ngành thần học trong công trình của Hội Thánh. Việc Chăm Sóc Mục Vụ liên quan tới “hành động thực tiễn” được tổ chức và thực hiện đầy đủ để thi hành sứ mạng tin mừng hóa. Việc Chăm Sóc Mục Vụ  được thực hiện trên ba bậc: lời (việc loan báo, giáo lý…), phụng vụ trong đó ta cử hành sự hiện diện có tính bí tích của Đức Kitô và việc bác ái với những con người thật và nhờ chứng tá đời sống.

Có Thừa Tác Vụ Mục Vụ Tổng Quát và Thừa Tác Vụ Mục Vụ Đặc Biệt trong một lãnh vực đặc biệt nào đó, như việc Chăm Sóc Mục Vụ  Bệnh Nhân và Thừa Tác Vụ Mục Vụ Xã Hội. Nói cách khác, việc Chăm Sóc Mục Vụ  là Hội Thánh -  trong - hành động, nhằm làm cho phong trào của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô thành hiện thực suốt dòng lịch sử.

CHIỀU KÍCH TIN MỪNG HÓA VÀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ  TRONG CÁC TRUNG TÂM CỦA TA

Cách ta loan báo Tin Mừng có được hình thể cụ thể, đích thật nhờ việc Trợ Thế[11], kế hoạch Tin Mừng của việc Trợ Thế được thực hiện và hình thành trong mỗi Trung Tâm của ta. Đó là cách trở thành Hội Thánh của ta và là cách ta làm cho Hội Thánh hiện diện trong thế giới này, khi làm cho lòng nhân từ và tinh thần Trợ Thế dựa trên nền tảng Tin Mừng trở thành hữu hình, đoàn sủng mà Thánh Gioan Thiên Chúa đã lãnh nhận, và cả ta nữa, với tư cách là một Hội Dòng, cũng đã nhận lãnh. Đó là một đoàn sủng mà Anh Em ta thực hành nhờ việc hiến thánh Tu Sĩ, một đoàn sủng mà nhiều Cộng Tác Viên thực hành nhờ việc hiến thánh của bí tích Thánh Tẩy với tư cách là giáo dân, hoặc qua các niềm tin khác, hoặc với những động cơ khác có tính chuyên nghiệp hoặc thuộc về con người[12]. Các nguyên tắc căn bản là đặc điểm của các Trung Tâm Tông Đồ của ta:[13]

tập trung chú ý vào con người ta chăm sóc;

ta đề cào và bảo vệ các quyền của bệnh nhân và những người túng quẫn, tôn trọng đúng mức phẩm giá của con người họ;

ta cam kết bảo vệ và đề cao sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết cách tự nhiên;

ta nhìn nhận quyền được thông tin cách thích hợp của con người ta đang chăm sóc về hoàn cảnh của họ;

ta đẩy mạnh việc chăm sóc toàn diện dựa trên công việc của nhóm và vào việc làm cho mọi người chú ý đến một sự quân bình đúng đắn giữa kỹ thuật và việc nhân bản hóa trong tương quan chữa trị của ta;

ta tuân thủ và cổ võ những nguyên tắc đạo đức của Hội Thánh Công Giáo;

ta coi chiều kích tôn giáo và thiêng liêng như việc hình thành nên một phần quan trọng nhất của việc chăm sóc của ta và như việc đem lại sự chữa lành và ơn cứu độ, bằng cách tôn trọng các niềm tin và các chương trình sống khác;

ta bảo vệ quyền được chết xứng với phẩm giá và tôn trọng những ước muốn chính đáng của người hấp hối;

ta đặc biệt quan tâm đến việc chọn lựa, đào tạo và đồng hành của nhân viên trong mọi Trung Tâm Tông Đồ của ta, khi không chỉ quan tâm đến việc huấn luyện và ý kiến chuyên môn của họ mà còn quan tâm cả đến sự nhạy bén của họ đối với những giá trị nhân bản và các quyền của con người;

ta tuân thủ các đòi hỏi của việc giữ bí mật về chuyên môn và cố gắng bảo đảm rằng mọi người liên quan tới việc chăm sóc bệnh nhân và những người túng quẫn đều phải tôn trọng những đòi hỏi đó;

ta trân trọng và cổ võ chất lượng và những kỹ năng chuyên môn của các Cộng Tác Viên, bằng cách khuyến khích họ đóng những vai trò chủ động trong sứ mạng của Hội Dòng và cho họ tham gia vào các tiến trình đưa ra quyết định trong các Trung Tâm Tông Đồ của ta theo kỹ năng và những lãnh vực trách nhiệm của họ;

Ta tôn trọng tự do lương tâm của những người ta chăm sóc và của các Cộng Tác Viên của ta, nhưng ta cũng đòi họ phải tôn trọng căn tính của các Trung Tâm Tông Đồ của ta;

ta chống lại động cơ trục lợi, vì thế mà ta tôn trọng các qui luật kinh tế công bằng và một mức lương công bằng và ta cũng đòi người khác phải tôn trọng như thế.

Những giá trị chủ yếu được Hội Dòng đề cao trong các Trung Tâm Tông Đồ của ta là[14]:

Tinh Thần Trợ Thế như giá trị quan trọng duy nhất[15] vẫn luôn được phát triển và mang những hình thức cụ thể của bốn giá trị then chốt: chất lượng, tôn trọng, trách nhiệm và linh đạo.

Chất lượng, nghĩa là: sự tuyệt hảo, có tính chuyên môn cao, sự chăm sóc toàn diện, nhạy bén với những người nghèo túng kiểu mới; một mô hình của sự đoàn kết với các Cộng Tác Viên của ta, chăm sóc theo mô hình của thánh Gioan Thiên Chúa và một cấu trúc và môi trường tiếp đón, sự hợp tác với thành phần thứ ba.

Tôn trọng, muốn nói đến: việc tôn trọng tha nhân, việc nhân bản hóa, chiều kích nhân bản, tinh thần trách nhiệm hỗ tương giữa các Cộng Tác Viên và Anh Em ta, sự hiểu biết, một cái nhìn toàn diện, đẩy mạnh công bằng xã hội và sự tham gia của gia đình các thân chủ của ta.

Trách nhiệm, nghĩa là: sự trung thành với lý tưởng của thánh Gioan Thiên Chúa và Hội Dòng, đạo đức (đạo đức sinh học, đạo đức xã hội và đạo đức về việc quản lý), tôn trọng môi trường, trách nhiệm xã hội, tính bền bỉ, công bằng và việc phân phối bình đẳng các tài nguyên của ta.

Thiêng liêng, muốn nói đến: việc mục vụ, tin mừng hóa, việc đem lại sự trợ giúp thiêng liêng cho các thành viên của các tôn giáo khác, tinh thần đại kết và sự hợp tác với các giáo xứ, giáo phận và các niềm tin khác.

Trong các Trung Tâm Tông Đồ của Hội Dòng, cấu trúc quản lý, kiểu chăm sóc, các chính sách cho các nguồn tài nguyên nhân sự, việc huấn luyện và đào tạo và cuối cùng, toàn bộ tổ chức, đều phải hướng đến chỗ đạt được mục đích và sứ mạng chung cuộc của Hội Dòng của thánh Gioan Thiên Chúa: việc tin mừng hóa và việc Chăm Sóc Mục Vụ  theo nghĩa rộng nhất của các thuật ngữ ấy.

Những nguyên tắc và tiêu chuẩn căn bản để bảo đảm rằng việc quản lý luôn được ta nhắm tới việc tin mừng hóa và sứ mạng mục vụ của các Trung Tâm Tông Đồ của ta đã được đặt ra trong “Hiến Chương Trợ Thế” của Hội Dòng.

Vì thế, mọi người trong Trung Tâm, cả Anh Em ta lẫn các Cộng Tác Viên đều được mời gọi và đều phải hướng công việc của mình tới chỗ thực hiện sứ mạng căn bản của Hội Dòng, đó là lý do tồn vong của mình, nghĩa là, mọi người đều phải là những người loan báo Tin Mừng theo nghĩa rộng nhất. Mọi người hành động theo mức độ trách nhiệm của mình: các quản lý có trách nhiệm cao nhất, phải bảo đảm rằng mọi người đang theo đuổi sứ mạng của Hội Dòng và sứ mạng ấy đang trở thành hữu hình trong mỗi và trong mọi người tại Trung Tâm Tông Đồ của ta, khi bảo đảm rằng việc quản lý và tổ chức của mình phù hợp với nét đặc trưng của chính Hội Dòng, bằng cách cung cấp cho Hội Dòng mọi nguồn tài nguyên về vật chất và nhân sự cần thiết. Mọi người khác, Anh Em ta và các Cộng Tác Viên, cũng phải ý thức rằng khi làm tốt việc của mình, họ đang góp phần vào việc thực thi sứ mạng của Hội Dòng trong mỗi Trung Tâm Tông Đồ của ta, nghĩa là, việc Tin Mừng hóa và việc Chăm Sóc Mục Vụ  theo nghĩa rộng nhất, đó không phải là trách nhiệm độc nhất của Việc Chăm Sóc Mục Vụ  về Tôn Giáo và Thiêng Liêng trong mỗi Trung Tâm, mà là trách nhiệm của tất cả những ai thi hành sứ mạng của Hội Dòng trong mỗi Trung Tâm Tông Đồ.

Việc quản lý của tổ chức không phải là không có tính rõ rệt và phải được các giá trị và các nguyên tắc của tổ chức hướng dẫn, khi áp dụng những công cụ, phương pháp tiến bộ nhất và các kỹ thuật chuyên môn khoa học đem lại cho ta. Trong Hội Dòng, và khi nhớ kỹ ý nghĩa của mỗi thuật ngữ, ta có thể nói mà không phân biệt việc tin mừng hóa và chăm sóc mục vụ theo nghĩa rộng, như đã nói ở trên. Nhưng đó không phải là việc chăm sóc mục vụ theo nghĩa của việc Chăm Sóc về mặt Tôn Giáo và Thiêng Liêng, là việc phải hiện hữu trong mọi Trung Tâm Tông Đồ, để chăm lo nhu cầu tôn giáo và tâm linh của các thân chủ trong các trung tâm của ta và nhu cầu của các thành viên thuộc gia đình họ và Anh Em ta cũng như các Cộng Tác Viên[16].

Việc đào tạo Anh Em ta và các Cộng Tác Viên theo các nguyên tắc và các giá trị của Hội Dòng ta và như thế cũng là trong mọi lãnh vực liên quan tới chiều tin mừng hóa và chăm sóc mục vụ của sứ mạng Hội Dòng, là một ưu tiên quan trọng trong các kế hoạch và chương trình đào tạo của mỗi Trung Tâm Tông Đồ trong Hội Dòng. Suốt dòng lịch sử, kiểu quản lý đặc biệt thánh Gioan Thiên Chúa sử dụng trong công việc của ngài và Hội Dòng sử dụng suốt các thời đại cho thấy rõ điểm này: mọi sự đều được xây dựng trên ý nghĩa và giá trị quan trọng của Tinh Thần Trợ Thế. Di sản phong phú này là cái đã làm cho có thể thực hiện được chương trình mà thánh Gioan Thiên Chúa bắt đầu dựa vào mà sống cho tới hôm nay. Ta chỉ cần chưng dẫn một bằng chứng thôi:

“Tại căn nhà Calle de los Gomeles ngài đem giường tới và đưa người nghèo vào, ngài nhờ y tá chăm sóc họ và mời cha tuyên úy giải tội và ban các bí tích cho họ và ngài chôn cất họ trong nhà của ngài, toàn bộ căn nhà ấy đều mang hình thức của một bệnh viện. Chính vì thế mà người ta đã đặt tên cho căn nhà ấy là Bệnh Viện của thánh Gioan Thiên Chúa dành cho những người cô thế, cô thân. Thánh Gioan Thiên Chúa cùng với các Anh Em ta và những người đi theo ngài lúc ấy, đã đưa vào nhà mọi người nghèo khổ, họ đến đó hệt như hiện vẫn còn đang đến, ít nhiều, trong căn nhà hiện họ đang sống. Và ở đó, các ngài đã chữa trị cho họ, đem cho họ mọi thứ họ cần, các bác sĩ và thuốc men và mọi thứ nhu yếu phẩm. Trong căn nhà ấy có đàn ông và đàn bà đang phải chịu đủ mọi thứ bệnh hoạn”[17].

VIỆC CHĂM SÓC TÔN GIÁO VÀ THIÊNG LIÊNG

Việc chăm sóc tôn giáo và thiêng liêng tại các Trung Tâm Tông Đồ của Hội Dòng được cung cấp như bậc thứ hai của việc chăm sóc mục vụ ta đã đề cập tới ở đầu chương này, và việc ấy tạo nên thành phần chủ yếu của chương trình chăm sóc của thánh Gioan Thiên Chúa. Việc chăm sóc này đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện sứ mạng tin mừng hóa và chăm sóc mục vụ của Hội Dòng trong mọi Trung Tâm theo bậc thứ nhất của việc chăm sóc mục vụ ở trên.

“Tất cả các Công cuộc Tông đồ của Dòng phải dự liệu việc trợ giúp tâm linh và tôn giáo, được cung cấp nguồn nhân lực và vật chất cần thiết. Việc này có thể được tiến hành bởi các Anh em, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, và các Cộng tác viên đã được huấn luyện tương xứng về lãnh vực mục vụ. Những người này sẽ làm việc theo nhóm và kết hợp với các ban khác của các Công cuộc Tông đồ.[18] “Đóng góp của chúng ta cho xã hội chỉ đáng tin nếu chúng ta có khả năng biểu hiện được những tiến bộ của kỹ thuật và khoa học. Vì vậy điều quan trọng cho sự đáp ứng của chúng ta trong lãnh vực chăm sóc và trợ giúp là phải không ngừng cố gắng cập nhật về kỹ thuật và nghiệp vụ.

Trên cơ sở này, chúng ta phải cung cấp sự chăm sóc nhắm đến mọi chiều kích của con người: thể lý tâm lý, xã hội và thiêng liêng. Chỉ khi việc chăm sóc của chúng ta lưu ý tới tất cả những chiều kích này, ít là theo những tiêu chuẩn thực tế và như một mục tiêu phải đạt, thì chúng ta mới có thể nói là mình đang cung cấp một sự chăm sóc toàn diện. Có lẽ đây là lãnh vực đã giúp Dòng thành công trong việc vun trồng truyền thống cao quí của mình qua các trung tâm. Mức độ chăm sóc đã luôn là một đặc điểm nhờ đó các trung tâm của chúng ta đã kiên cường phát triển qua thời gian.

Hiến Pháp đầu tiên của Dòng nhấn mạnh cách thức chúng ta phải đối xử với bệnh nhân, và điều này đã luôn luôn được thi hành từ ngày đó, khi Dòng dành ưu tiên cho khía cạnh này trong suốt lịch sử của mình.[19] “Bệnh nhân hay người nghèo khổ là người sức khoẻ bị suy yếu, vì thế cả con người họ rơi vào khủng hoảng. Nhưng vì chúng ta tin rằng lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô là một nguồn của sức khoẻ và sự sống, nên người bị khủng hoảng vì bệnh tật có thể được hướng dẫn để đưa họ tiếp xúc với chiều kích đức tin của họ, nếu họ có, để sự gặp gỡ giữa đức tin và khủng hoảng có thể biến thành một nguồn sức khoẻ toàn diện.

Một trong những giá trị lớn của xã hội chúng ta là sự đa nguyên đã được thiết lập. Đã qua từ lâu thời kỳ mà các thể chế chính trị được áp đặt trên chúng ta, hay thời kỳ mà quyền bính và thậm chí đức tin và tôn giáo cũng là một sự áp đặt. Đức tin là một quà tặng, và vì thế có thể chấp nhận hay khước từ", gạt bỏ hay vun trồng để giúp nó phát triển và trưởng thành.

Trong các trung tâm của mình, chúng ta đã chọn nguyên tắc đa nguyên trong sự hiện diện của các nhà chuyên môn. Vì vậy chúng ta có những chuyên viên đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Trong các trung tâm, chúng ta cũng có những bệnh nhân đã chấp nhận đức tin và nuôi dưỡng và vun trồng nó, cũng như có những người không chấp nhận nó. Chúng ta muốn phục vụ và giúp đỡ mọi người. Chúng ta muốn đồng hành với họ để giúp họ đi qua toàn thể lịch sử cuộc đời họ, để làm cho giờ phút khủng hoảng này do sức khoẻ suy yếu tạo ra mang lại những lợi ích tối đa cho họ.

Bằng việc chấp nhận những giới hạn và lệ thuộc mà bệnh tật hay sự nghèo khổ gây ra, chúng ta có thể đồng hành với bệnh nhân để giúp họ khám phá lại lịch sử của họ, con người và ý nghĩa cuộc đời của họ. Chúng ta phải làm việc này với sự tế nhị và tôn trọng, phù hợp với tiến độ của bệnh nhân và người nghèo khổ. Với tất cả những ai trong số này cảm nghiệm ân sủng đức tin nơi mình, chúng ta có thể cử hành các nghi thức của tiến trình đức tin này, nhưng luôn luôn phù hợp với mức độ phát triển và trưởng thành của họ.

Các Trung tâm chăm sóc sức khoẻ và xã hội của chúng ta là những công cuộc của Hội Thánh, vì vậy sứ mạng của các trung tâm này là rao giảng Tin Mừng, bắt đầu bằng việc quan tâm toàn diện và chăm sóc những bệnh nhân và người nghèo khổ theo gương thánh Gioan Thiên Chúa. Khi nói về sự chăm sóc toàn diện, chúng ta muốn nói chúng ta quan tâm và chăm lo cho chiều kích thiêng liêng của con người như một thực tại hiện sinh, liên kết một cách hữu cơ tới những chiều kích khác của con người: sinh vật, tâm lý và xã hội.

Chiều kích thiêng liêng không phải chỉ đơn giản là chiều kích "tôn giáo" như chúng ta thường nghĩ tới, mặc dù nó bao gồm chiều kích tôn giáo. Nhiều người tìm thấy nơi Thiên Chúa câu trả lời cho những vấn nạn lớn của đời sống, trong khi đó với những người khác, việc tin vào Thiên Chúa không mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời họ, và vì thế họ đi tìm những câu trả lời ở những nơi khác. Hơn nữa, Thiên Chúa không có cùng ý nghĩa đối với mọi người, và quan niệm và cảm nghiệm về Thiên Chúa cũng không giống nhau nơi mọi người.

Chúng ta phải chăm lo cho những nhu cầu thiêng liêng của bệnh nhân và người nghèo khổ, kính trọng họ và tự do của họ, mà không tìm cách ra vẻ người hùng hay người ban phát, nhưng phải cho họ những gì họ cần tuỳ theo khả năng chúng ta.

Chắc chắn bệnh tật, sự nghèo khổ và bị bỏ rơi là những cơ hội để nêu lên nhiều câu hỏi về ý nghĩa của đời sống và sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế chúng ta phải tìm ra những cách thức để theo sát và đáp ứng những hoàn cảnh này bao nhiêu có thể. Vì vậy chúng ta cần quan tâm tới việc chăm sóc mục vụ đối với các bệnh nhân và người nghèo khổ.

Chăm sóc mục vụ có nghĩa là rao giảng Tin Mừng bằng cách theo sát những con người đang đau khổ, cống hiến cho họ Tin Mừng bằng lời nói và chứng tá của chúng ta, giống như Chúa Giêsu đã làm, nhưng luôn luôn trân trọng những niềm tin và giá trị của mỗi người.

Việc Phục vụ Mục vụ được lập ra chủ yếu như một phương tiện chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của các bệnh nhân và người nghèo khổ, và nhu cầu của gia đình họ và của các nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Việc phục vụ này cần có một cơ cấu tương xứng, bao gồm nhân sự, các phương tiện, và một kế hoạch để bảo đảm việc hoàn thành sứ mạng.

Nhóm Mục vụ bao gồm những người được đào tạo để hoàn toàn hiến mình cho công tác mục vụ của Trung tâm, với sự cộng tác của những người khác cùng dấn thân cho công cuộc này trọn thời gian hay bán thời gian, hoặc trong tư cách tình nguyện viên. Phải có một kế hoạch hành động mục vụ và một chương trình chuyên biệt được thiết lập thích hợp để đáp ứng những nhu cầu của Trung tâm và của những người được chăm sóc tại trung tâm. Cũng phải có những đường hướng mục vụ liên quan đến những nội dung triết lý, thần học và mục vụ của kế hoạch. Trên cơ sở những đường hướng mục vụ này, phải soạn một kế hoạch mục vụ đáp ứng được những nhu cầu thiêng liêng thực sự của các bệnh nhân, gia đình họ và những nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Phải xác định rõ những mục tiêu, chương trình và dự án với những thông số cho việc đánh giá, đồng thời phân biệt những lãnh vực khác nhau hay những loại người khác nhau được phục vụ trong trung tâm, để thiết lập cho mỗi lãnh vực một chương trình chăm sóc mục vụ chuyên biệt và thích hợp.

Nhóm mục vụ phải đặc biệt lưu tâm tới việc đào luyện của mình để có thể theo kịp sự tiến bộ, được cập nhật về chuyên môn và thiêng liêng để có thể cải thiện việc phục vụ của mình. Một hình thức giúp đỡ tốt cho nhóm mục vụ có thể là việc thiết lập một Hội Đồng Mục Vụ bao gồm những nhóm chuyên viên của Trung tâm, nhưng không chỉ là họ mà thôi. Những người này phải nhậy cảm với hoàn cảnh mục vụ và có chức năng chính là suy tư và hướng dẫn hoạt động của nhóm mục vụ.[20]

Đây phải là sự chăm sóc tự do không bao giờ bị áp đặt dành cho mọi người vào những khoảnh khắc đặc biệt trong đời họ, thường là khi đau ốm, thiểu năng, bị loại trừ và khi đau khổ vì bất cứ nhu cầu nào khác của những người ta đang chăm sóc trong các Trung Tâm Tông Đồ của ta.

Đây còn là một Công Việc rất quan trọng nữa do mọi Trung Tâm của ta cung cấp, vì công việc ấy liên quan tới một lãnh vực ta coi là căn bản và ta phải cổ vũ, nhưng không vắt kiệt hoặc bao gồm toàn bộ bản chất tin mừng hóa và mục vụ của kế hoạch của Hội Dòng trong mọi Trung Tâm Tông Đồ của ta. Cũng cần phải cung cấp việc Đào Tạo, cần động viên và làm cho Anh Em ta và các Cộng Tác Viên nhạy cảm với việc cung cấp sự chăm sóc thiêng liêng và tôn giáo, cố hết sức phát hiện ra các nhu cầu này mà trong rất nhiều dịp chính họ có thể cung cấp, trong khi các dịp khác phải được ủy thác cho những thành viên của Ban Chăm Sóc về mặt Thiêng Liêng và Tôn Giáo.

Trong chương sau của quyển sách này các khía cạnh và chi tiết khác nhau liên quan tới Ban này sẽ được khai triển cách rộng rãi hơn.

Nguồn : Trích tài liệu của Ủy Ban Mục Vụ Chăm Sóc Bệnh Nhân Theo Cung Cách Của Thánh Gioan Thiên Chúa. Rôma 2012. Chương I

[1] Hiến Pháp của Hội Dòng Trợ Thế Gioan Thiên Chúa, 1984, khoản 5.

[2] X. Hiến chương Trợ thế  1.3

[3] Hiến chương Trợ thế, 5.1.3.2

[4] Chiều kích truyền giáo của Hội Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa, Rôma 1997. Tr. 33

[5] Những Tuyên  Ngôn của Tổng Công Hội LXIII. Bogotá 1994

[6] X. HP 1984, 1

[7]  HP, 1984, 1

[8] X. Hiến chương Trợ thế, 3.1.8: 8, 2

[9] X. Chiều kích Tông đồ của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa. Rôma 1982, tr. 139 – 150.

[10] X. Hp, 1984, khoản 5.

Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 88-89 và các Tài liệu của các Giám Mục Mỹ La Tinh, Medellin XIV (1968); Puebla 1134-1165 (1979); Aparecida, 396 (2007)

[11] X. Hiến chương Trợ thế. Những đặc tính Trợ thế. 3.1

[12] X. DONATUS FORKAN. Thư Luân Lưu, “Thay Đổi Bộ Mặt Hội Dòng”. 2.3.3; 2.4.2

[13] Tổng Quy, 2009, 50

[14] DONATUS FORKAN. Thư Luân Lưu “Các Giá Trị của Dòng””, 2010.

[15] Tổng Quy, 2009.  50.

 [16] Tổng Quy, 2009.  53c.

[17] SÁNCHEZ, J., Sự tự hủy trong hành trình tâm linh của Thánh Gioan Thiên Chúa, tr. 302. Cha thánh Gioan Avila (Angulo), nhân chứng trong vụ kiện chống lại Jeron.

[18] Tổng Quy, 2009, 54

[19] Hiến Chương trợ Thế, 5.1

[20] Hiến Chương trợ Thế, 5.1.3.2.