'Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn'

'Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn'

TP HCMKhoảng 70-80% bệnh nhân ung thư phổi đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở giai đoạn 3 hoặc 4, song những tiến bộ y học đã nâng cao chất lượng sống người bệnh.

"Phần lớn người bệnh ung thư phổi phát hiện muộn, nhưng nhờ các loại thuốc mới, nhiều người sống được hơn 3-5 năm, thay vì một năm như trước", TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, nói tại Hội nghị khoa học Hoàn Mỹ, ngày 9/12. Theo bác sĩ Tuấn Anh, thời gian sống của bệnh nhân tùy thuộc tiến độ bệnh, đáp ứng điều trị của từng người.

Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ hai ở Việt Nam sau ung thư gan, tính chung cả hai giới, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (GLOBOCAN). Trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.700 trường hợp tử vong do ung thư phổi.

Theo tiến sĩ Tuấn Anh, sau hai năm đại dịch, các nhà khoa học thế giới đang trình làng hàng loạt kết quả điều trị hiệu quả cao, có thể áp dụng tại Việt Nam.

Về phương tiện chẩn đoán, nước ta đã có xét nghiệm giải trình tự gene thế hệ mới, giúp tìm ra những đột biến gene của từng người. Từ đó, bác sĩ sẽ chọn lựa những thuốc tốt nhất cho đột biến gene, giúp cá thể hóa điều trị, mang lại hiệu quả cao.

"Khó khăn hiện nay chủ yếu là vấn đề tài chính của bệnh nhân, nhiều thuốc mới về Việt Nam chưa thể được duyệt ngay trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, đòi hỏi bệnh nhân phải tự bỏ tiền ra, là gánh nặng với nhiều người", bác sĩ nói. Ung thư phổi đến nay chưa có giải pháp phát hiện sớm hiệu quả trên quy mô cộng đồng, mà phụ thuộc vào việc chủ động đi tầm soát của từng cá nhân.

Theo bác sĩ Trần Đình Thanh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, một số yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi là hút thuốc lá, tiếp xúc khói thuốc lá, hít không khí ô nhiễm, gia đình có người bị ung thư phổi, người có bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, lao phổi. Nhóm nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói một năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc hai gói mỗi ngày trong 15 năm.

Bác sĩ khuyến cáo nên tầm soát ung thư phổi ở tất cả người nguy cơ, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhằm điều trị rốt ráo, triệt để hơn. Có thể tầm soát ung thư phổi bằng chụp X-quang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp cắt lớp điện toán (CT scan) ngực.

Phòng ngừa ung thư phổi bằng cách không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả, tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng. Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, tìm đến bác sĩ đúng chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường, tuân thủ điều trị, không nghe theo các phương pháp dân gian truyền miệng, bỏ lỡ thời gian điều trị sớm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Lê Phương

Nguồn: https://vnexpress.net