"...việc rước lễ đối với những người li dị..."

Bộ Giáo lý Đức tin trả lời về việc rước lễ đối với những người li dị đang sống trong một kết hợp mới

Bộ Giáo lý Đức tin trả lời về việc rước lễ đối với những người li dị đang sống trong một kết hợp mới

Bộ Giáo lý Đức tin giải thích: Tông huấn Amoris laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra khả năng lãnh nhận các bí tích Hòa giải và Thánh Thể khi, trong một trường hợp cụ thể, “tồn tại những hạn chế làm giảm nhẹ trách nhiệm và lỗi tội”.

Đồng thời, “cần chú ý rằng đó là một tiến trình đồng hành ‘không nhất thiết phải đi đến kết thúc bằng các bí tích, nhưng có thể hướng tới những hình thức hội nhập khác trong đời sống Giáo hội: một sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong cộng đoàn, tham gia vào các nhóm cầu nguyện hoặc suy tư hoặc dấn thân vào các hoạt động khác nhau của Giáo hội”.

Do đó, chúng ta đang nói đến việc đồng hành mục vụ như một thực hành “con đường đức ái”, không gì khác hơn là lời mời gọi bước theo con đường “của Chúa Giêsu: lòng thương xót và hội nhập”. Vào ngày 5 tháng 9 năm 2016, các giám mục của Vùng Mục vụ Buenos Aires đã chuẩn bị cho các linh mục của mình một văn bản giải thích tông huấn có tựa đề “Những tiêu chí cơ bản để áp dụng chương VIII của Amoris laetitia”, trong đó nhấn mạnh rằng “không phù hợp khi nói ‘cho phép’ lãnh nhận các bí tích, nhưng đó là một tiến trình phân định có sự đồng hành của một mục tử. Đó là sự phân định ‘cá nhân và mục vụ’ (AL 300)”.

Cần để ý rằng, như được viết trong thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi Đại biểu Vùng Mục vụ Buenos Aires rằng, Amoris laetitia là kết quả “của công việc và lời cầu nguyện của toàn thể Giáo hội, qua trung gian của hai Thượng Hội đồng và của Đức Thánh Cha”. Tài liệu này dựa trên “giáo huấn của các Giáo hoàng tiền nhiệm, những người đã nhìn nhận khả thể cho những người ly dị đang sống trong những kết hợp mới được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể”, miễn là họ đảm nhận “sự cam kết sống tiết dục hoàn toàn, nghĩa là tránh những hành vi chỉ thuộc về vợ chồng”, như Đức Gioan Phaolô II đã đề xuất. Hoặc “cam kết sống mối quan hệ của họ… như những người bạn” như Đức Bênêđictô XVI đề xuất.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục duy trì “đề nghị về việc tiết dục hoàn toàn đối với người ly dị và tái hôn trong một kết hợp mới, nhưng thừa nhận rằng có thể có những khó khăn trong việc thực hành nó và do đó cho phép trong những trường hợp nhất định, sau khi có sự phân định đầy đủ, được lãnh nhận bí tích Hòa giải ngay cả khi không thể trung thành với việc tiết dục do Giáo hội đề ra”.

Mặt khác, Bộ nhấn mạnh rằng tông huấn Amoris laetitia là một “tài liệu của huấn quyền thông thường của giáo hoàng, mà mọi người được kêu gọi bày tỏ sự kính trọng trong lý trí và ý chí”. Tông huấn khẳng định rằng các linh mục có nhiệm vụ “đồng hành cùng những người liên quan trên con đường phân định theo giáo huấn của Giáo hội và sự hướng dẫn của Giám mục”. Theo nghĩa này, có thể “điều đáng mong đợi là Bản quyền của một giáo phận thiết lập một số tiêu chí, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, có thể giúp các linh mục trong việc đồng hành và phân định cùng với những người ly dị sống trong một kết hợp mới”.

Trong loạt câu hỏi, Đức Hồng Y Duka đề cập đến văn bản của các giám mục Miền Mục vụ Buenos Aires và hỏi rằng liệu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô cho câu hỏi của ban mục vụ của cùng giáo phận Buenos Aires có thể được coi là một khẳng định về Huấn Quyền thông thường của Giáo hội không. Bộ tuyên bố chắc chắn rằng, như đã được nêu trong phúc chiếu đi kèm hai tài liệu trong Acta Apostolicae Sedis, những tài liệu này được công bố “velut Magisterium Authenticum”, nghĩa là, như Huấn quyền đích thực.

Trước yêu cầu của Đức Hồng Y Duka về việc ai sẽ là người đánh giá tình hình cụ thể của các cặp vợ chồng đang được đề cập, Bộ nhấn mạnh rằng đây là vấn đề bắt đầu một hành trình đồng hành mục vụ để phân định từng cá nhân. Theo nghĩa này, Amoris laetitia nhấn mạnh rằng “tất cả các linh mục đều có trách nhiệm đồng hành cùng những người liên quan trên con đường phân định”.

Tông huấn chỉ ra rằng chính linh mục là người “chào đón họ, chú tâm lắng nghe họ và cho họ thấy khuôn mặt từ mẫu của Giáo hội, đón nhận ý hướng ngay chính và mục đích tốt đẹp của họ là đặt cả cuộc đời mình dưới ánh sáng Tin Mừng và thực thi bác ái”. Nhưng chính mỗi người, “cách cá nhân, được mời gọi đặt mình trước Thiên Chúa và bày bỏ trước Người lương tâm của mình, với những khả năng và giới hạn của nó”. Lương tâm này, được linh mục đồng hành và được soi sáng bởi những định hướng của Giáo hội, “được mời gọi đào luyện để đánh giá và đưa ra phán đoán đầy đủ nhằm phân định khả năng lãnh nhận các bí tích”.

Với câu hỏi liệu có thích hợp khi những trường hợp như vậy được giải quyết bởi Tòa án Giáo hội có thẩm quyền không, Bộ chỉ ra rằng trong những trường hợp có thể đưa ra tuyên bố vô hiệu, thì việc nộp đơn lên Tòa án Giáo hội sẽ là một phần của quá trình phân định. Vấn đề ở đây là đối với “những trường hợp phức tạp hơn trong đó không thể dẫn đến việc tuyên bố vô hiệu”. Trong những trường hợp này, cũng có thể có “một tiến trình phân định nhằm khuyến khích hoặc canh tân cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô ngay cả trong các Bí tích”.

Vì đây là một quá trình phân định cá nhân, nên những người ly dị tái hôn nên tự đặt ra một số câu hỏi để xác định trách nhiệm của mình và tự hỏi về việc mình đã hành xử thế nào đối với “con cái khi hôn nhân rơi vào khủng hoảng; liệu đã có những nỗ lực hòa giải hay chưa; tình trạng của người phối ngẫu bị bỏ rơi thế nào; đâu là những hệ quả của mối quan hệ mới đối với những người khác của gia đình và cộng đoàn tín hữu”.

Vatican News